Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới

06/12/2022 18:31 PM | Kinh tế vĩ mô

"Việt Nam trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu".

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh thông tin này khi truyền đạt chuyên đề Nghị quyết 29 về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tại hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII, sáng 6/12.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, Nghị quyết 29 đã khái quát một số kết quả quan trọng, điển hình là ngành dịch vụ phát triển mạnh, theo hướng hiện đại, đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng; hình thành được một số ngành dịch vụ có hàm lượng khoa học, công nghệ cao như dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông, du lịch, hàng không...

Các phương thức, mô hình kinh doanh trên thị trường xuất hiện, được đổi mới theo hướng văn minh hiện đại, phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới - Ảnh 1.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh.

" Việt Nam trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu. Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Các mô hình sản xuất kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ...xuất hiện và phát triển, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao, theo hướng hiện đại. Kinh tế số được chú trọng phát triển, trở thành một động lực tăng trưởng của nền kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, xã hội số. Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2021, ước tính kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 163 tỷ USD, tăng trưởng 31% so với năm trước, chiếm khoảng 8,2% GDP cả nước ", ông Tuấn nêu rõ.

Bên cạnh đó, công nghiệp hóa, hiện đại hoá đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm trong 10 năm qua, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Minh chứng rõ nhất cho kết quả này là quy mô của nền kinh tế Việt Nam năm 2020 đã tăng 3,1 lần so với năm 2010, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á; thu nhập bình quân đầu người tăng trên 25%, đạt khoảng 3.517,4 USD, vượt mục tiêu của Chiến lược, đồng thời vượt mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 (đặt ra ở mức khoảng 3.200 - 3.500 USD). Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực với tỷ trọng đóng góp vào GDP của công nghiệp và dịch vụ đạt 72,7% vào năm 2020; tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng lao động toàn xã hội giảm từ 48,4% năm 2011 xuống còn 33,1% năm 2020, đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.

Cơ cấu kinh tế vùng chuyển đổi theo hướng tích cực, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng và theo hướng tăng cường liên kết, kết nối vùng, các tiểu vùng, bước đầu gắn kết với công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Nghị quyết 29 cũng nêu rõ, đô thị hóa tăng nhanh, không gian đô thị được mở rộng, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ, hiệu quả hơn, chất lượng được nâng cao, tạo không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát triển văn hoá, xã hội, con người trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa được quan tâm; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện.

" Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng Chỉ số phát triển con người HDI cao nhất trên thế giới. Giai đoạn 2011-2020, chỉ số HDI của Việt Nam đã tăng từ 0,663 vào năm 2011 lên 0,706 vào năm 2020, bắt đầu thuộc nhóm các quốc gia có HDI ở mức cao (là nhóm quốc gia có chỉ số HDI từ 0,7 đến dưới 0,8) ", ông Tuấn thông tin.

Cùng với đó, giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu giảm nghèo của Chiến lược 2011-2020, qua đó Việt Nam đã đạt mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói giảm nghèo trước thời hạn 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu trong cuộc chiến chống đói nghèo.

Hệ thống an sinh xã hội phát triển ngày càng toàn diện, hướng đến mục tiêu an sinh xã hội toàn dân. Điều kiện nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp ở đô thị, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên…từng bước cải thiện.

Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới - Ảnh 2.

Các đại biểu nghe truyền đạt Nghị quyết 29 về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Bên cạnh kết quả đạt được, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, Nghị quyết 29 cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta thời gian qua.

Đó là, mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 không hoàn thành với nhiều tiêu chí không đạt được như GDP bình quân đầu người, tỷ trọng công nghiệp chế tạo và tỷ trọng nông nghiệp trong GDP, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội, tỷ lệ đô thị hóa...

Tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm; có nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Nội lực của nền kinh tế còn yếu, năng suất lao động thấp và chậm được cải thiện, năng lực độc lập, tự chủ thấp, phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hóa...

Theo Anh Văn/vtc

Cùng chuyên mục
XEM