Việt Nam học được gì từ mô hình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ SBA của Mỹ?

19/05/2017 09:53 AM | Kinh tế vĩ mô

Ngày nay, việc thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp là một trong những yếu tố làm nên sự đa dạng cũng như thành công của nhiều nền kinh tế. Đặc biệt, đối với những thị trường có nhiều doanh nghiệp quốc doanh thì việc thúc đẩy ngành kinh tế tư nhân là một mục tiêu quan trọng của chính phủ.

Mới đây, trước thềm Hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp năm 2017, Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng có 5 vấn đề mấu chốt nhất để phát triển kinh tế tư nhân cần được gấp rút thực hiện.

Một trong số đó là việc thành lập mô hình cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, có thể tham khảo mô hình cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ (U.S. Small Business Administration – SBA), với các hoạt động hỗ trợ thiết thực, cụ thể cho doanh nghiệp nhỏ.

Được thành lập từ năm 1953 bởi Cựu tổng thống Eisenhower, mục tiêu chính của SBA là thúc đẩy nền kinh tế bằng cách hỗ trợ các nhà khởi nghiệp cũng như những doanh nghiệp nhỏ.

Nghiệp vụ chính của SBA là tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ khi mới khởi nghiệp, hướng dẫn xây dựng kế hoạch kinh doanh, cung cấp hỗ trợ tài chính... Tổ chức này cũng có những lớp huấn luyện nhằm đào tạo thêm các kỹ năng cho những nhà khởi nghiệp hay tổ chức những sự kiện nhỏ cho các doanh nghiệp địa phương nhằm thúc đẩy quan hệ làm ăn.

Kể từ khi thành lập vào năm 1953, SBA đã trải qua nhiều sóng gió khi gần như bị xóa sổ vào năm 1996 nhưng rồi lại được cấp ngân sách kỷ lục vào năm 2000. Sau khi bị cắt giảm ngân sách dưới thời kỳ Cựu tổng thống George Bush, SBA đã được cấp ngân sách và hỗ trợ trở lại từ chính phủ trong thời kỳ Cựu tổng thống Barack Obama.

Chương trình cho vay nổi tiếng

Cơ quan SBA nổi tiếng với các chương trình hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ (Debt Financing). Tuy nhiên, những khoản cho vay của SBA không thực hiện trực tiếp với doanh nghiệp.

Trên thực tế, SBA làm việc với ngân hàng và chủ nợ để kéo dài thời gian thanh toán khoản nợ nếu cơ quan này nhận thấy những doanh nghiệp nhỏ này đáp ứng được các tiêu chuẩn và có thể sống sót trong tương lai.

Mục đích chính của chương trình này không phải là cho doanh nghiệp vay vốn trực tiếp mà dựa trên những số liệu phân tích để giúp doanh nghiệp nhỏ cũng như các nhà khởi nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu. Dẫu vậy, những khoản bảo đảm của SBA có thể sai lầm và khiến các chủ nợ có thêm nhiều khoản nợ xấu.

Thông thường, các ngân hàng không muốn các khoản thanh toán của một doanh nghiệp năm nay nhiều hơn 2/3 lợi nhuận năm trước và họ sẽ siết nợ hoặc thắt chặt các điều khoản với công ty. Tuy vậy, nếu SBA đánh giá doanh nghiệp có tiềm năng phát triển, họ sẽ đảm bảo cho các công ty này tiếp tục vay với lãi suất thấp hơn, kỳ hạn thanh toán dài hơn cũng như các điều kiện giám sát rộng rãi hơn.

Một trong những điểm đặc biệt của chương trình này là các doanh nghiệp nhỏ có thể dựa vào đảm bảo của SBA để thuê bất động sản nhằm kinh doanh, sản xuất mà không cần thanh toán khoản đặt cọc lớn với ngân hàng cũng như bị ép phải thanh toán nợ nhanh chóng.

Dẫu vậy, những doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn đánh giá của SBA hoặc đã thực hiện vay vốn với một tổ chức khác sẽ không được tham gia chương trình này. Các tiêu chuẩn của SBA thường không cố định tùy vào chính sách của chính phủ trong từng thời kỳ dưới mỗi vị tổng thống.

Trong khi ông Obama là người ủng hộ SBA thì hiện vẫn chưa rõ thái độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump là thế nào với chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ này.

Ngoài chương trình bảo đảm cho vay, SBA còn có các chương trình giúp phát hành trái phiếu cho các công ty nhỏ, điều vốn khó xảy ra tại Mỹ khi hiếm có nhà đầu tư nào chịu mua trái phiếu của 1 doanh nghiệp còn nhỏ yếu.

Với uy tín và hỗ trợ từ ngân sách, SBA sẽ đảm bảo để 1 bên thứ 3 phát hành trái phiếu bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ.

Bên cạnh đó, SBA cũng hợp tác với các quỹ đầu tư đủ tiêu chuẩn để kêu gọi vốn cho doanh nghiệp nhỏ, Những nhà đầu tư tham gia hoạt động này sẽ được chính phủ cung cấp khoản vay ưu đãi được bảo đảm.

Phát triển doanh nghiệp

Ngoài việc hỗ trợ tư vấn và tài chính cho các doanh nghiệp, SBA còn tích cực đẩy mạnh những chương trình đào tạo nhằm thúc đẩy khởi nghiệp. Trên toàn nước Mỹ hiện có khoảng 900 trung tâm phát triển dành cho các doanh nghiệp nhỏ, hơn 13.000 chuyên viên tư vấn, hỗ trợ cho các nhà khởi nghiệp. Những trung tâm này có thể nằm ở mọi nơi, từ những trường học cộng đồng, trường đại học cho đến những trụ sở của chính các nhà khởi nghiệp lớn.

Một trong những chương trình chủ chốt của SBA là mạng lưới hỗ trợ SCORE với hơn 11.000 doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp tự nguyện trở thành thành viên để trợ giúp các nhà khởi nghiệp. Được thành lập từ năm 1997, SCORE đã giúp hơn 10 triệu nhà khởi nghiệp xây dựng thành công sự nghiệp kinh doanh của mình.


Số các doanh nghiệp nhỏ nhận sự trợ giúp từ SBA

Số các doanh nghiệp nhỏ nhận sự trợ giúp từ SBA

Ngoài SCORE, cơ quan SBA còn tổ chức SBDC chuyên tư vấn cho những nhà khởi nghiệp trẻ mới bắt đầu kinh doanh. Tính riêng trong năm tài khóa 2015, SBDC đã tư vấn cho hơn 12.000 doanh nghiệp mới, tương đương giúp đỡ 32 doanh nhân khởi nghiệp mỗi ngày. Ngoài ra, SBDC còn cung cấp dịch vụ đào tạo chuyên sâu cho hơn 549.000 học viên về lĩnh vực kinh doanh, kêu gọi vốn được hơn 4,68 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ trong năm tài khóa 2015.

Theo khảo sát của SBDC đối với các doanh nghiệp có nhận trợ giúp của chương trình, công ty của họ tăng trưởng bình quân hàng năm 16,8% về doanh số, cao gấp 4 lần so với mức bình quân toàn quốc và 17,6% về số lao động, cao hơn 1,8% so với mức bình quân toàn nước Mỹ.

Thêm vào đó, hàng năm SBA còn trợ cấp khoảng 150.000 USD cho chương trình WBC quản lý hơn 100 trung tâm đào tạo phi chính phủ trên cả nước cho các nữ doanh nhân. Chương trình này bao gồm đào tạo, hướng dẫn, tạo các cơ hội kinh doanh và hỗ trợ tài chính cho phụ nữ khởi nghiệp. Hàng năm nước Mỹ có hơn 100.000 nữ doanh nhân khởi nghiệp và WBC đóng vai trò khá lớn trong số này.

Riêng trong năm tài khóa 2015, WBC đã hỗ trợ hơn 140.000 nữ doanh nhân khởi nghiệp cũng như giúp các công ty nhỏ tiếp cận được khoảng 87 triệu USD tài chính.

Ngoài ra, WBC cũng hỗ trợ cả những người tàn tật trong việc kinh doanh nhỏ. Báo cáo năm 2012 của WBC cho thấy 64% số người tìm đến tổ chức là cá nhân có thu nhập thấp, 39% là người da màu và 70% trong tổng số đang gặp khó khăn trong kinh doanh.

Thành tựu và những lời phản đối

Báo cáo năm tài khóa 2014 cho thấy 80% số doanh nhân nhận trợ giúp từ SBA công nhận các hoạt động kinh doanh trong vùng đã gia tăng đáng kể nhờ cơ quan này. Nhờ trợ giúp từ SBA, các hoạt động kinh doanh đã đem về cho nước Mỹ thêm 3,9 tỷ USD.

Tăng trưởng việc làm bình quân đạt 6,9%, cao gấp 4 lần so với mức bình quân toàn quốc. Doanh thu của các công ty hợp tác với SBA cũng tăng 6,9%, gần gấp đôi so với những doanh nghiệp nhỏ khác.


Tổng số lũy kế các doanh nghiệp nhỏ nhận trợ giúp từ SBA

Tổng số lũy kế các doanh nghiệp nhỏ nhận trợ giúp từ SBA

Trong khi đó, báo cáo tài khóa năm 2015 cho thấy SBA đã hỗ trợ khoảng 33 tỷ USD tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ, qua đó tạo thêm 680.000 việc làm trên toàn nước Mỹ.

Dẫu vậy, chương trình SBA cũng vấp phải nhiều chỉ trích khi báo cáo của Viện Cato năm 2011 cho thấy tỷ lệ thất bại trong các khoản vay của cơ quan này giai đoạn 2001-2010 là 19,4% và khiến ngân sách thất thu 6,2 tỷ USD năm 2011.

Theo viện Cato, chương trình SBA đã tiêu tốn quá nhiều tài nguyên để hỗ trợ một phần rất nhỏ các doanh nghiệp nhỏ. Đặc biệt, việc đánh giá sai lầm của SBA có thể gây tổn hại đến các ngân hàng cũng như các chủ nợ Mỹ.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM