Việt Nam học được gì từ luật 'U-turn Act' của Hàn Quốc: Chỉ 6 năm có thể kéo loạt 'ông lớn' các ngành điện tử, ô tô, trang sức... về nước

18/10/2021 15:38 PM | Xã hội

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra đã thúc đẩy xu hướng chuyển dịch ngành sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Các quốc gia khác ở châu Á được đánh giá là hưởng lợi từ xu hướng này, đặc biệt là Hàn Quốc và Việt Nam.

Tờ Project Syndicate nhấn mạnh, Việt Nam và Hàn Quốc cần tập trung thúc đẩy quá trình chuyển dịch và reshoring (được biết đến như "thu về", hay chuyển sản xuất trở về nước ban đầu của doanh nghiệp).

Covid-19 đã làm nổi bật vô số "điểm yếu" của các chuỗi giá trị xuyên biên giới. Từng là "xương sống" của quá trình toàn cầu hóa, giờ đây các chuỗi giá trị lại bị gắn với tên gọi "dễ gián đoạn". Theo đó, các chuỗi giá trị đang được tái cơ cấu, nhằm đáp ứng quá trình phục hồi kinh tế.

Đồng thời, vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu cũng dần thay đổi. Nhiều doanh nghiệp từ các quốc gia và ngành công nghiệp khác nhau đã lựa chọn rời Trung Quốc. Điển hình như hãng sản xuất đậu nành Hasbro của Mỹ đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc để tập trung vào sản xuất tại Việt Nam, hãng điện tử khổng lồ Sony của Nhật Bản đã chuyển hoạt động sang Thái Lan, Cotton Club của Hàn Quốc đã chuyển sang Philippines, Campuchia và Indonesia.

Ngay cả các công ty Trung Quốc cũng đang rời đất nước để đến các điểm có chi phí sản xuất rẻ hơn. Mức lương ở Trung Quốc cao hơn gấp đôi Việt Nam, gần bằng 70% ở Hàn Quốc. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu lao động cũng gây khó khăn cho việc giảm chi phí sản xuất.

 Việt Nam học được gì từ luật U-turn Act của Hàn Quốc: Chỉ 6 năm có thể kéo loạt ông lớn các ngành điện tử, ô tô, trang sức... về nước  - Ảnh 1.
 Việt Nam học được gì từ luật U-turn Act của Hàn Quốc: Chỉ 6 năm có thể kéo loạt ông lớn các ngành điện tử, ô tô, trang sức... về nước  - Ảnh 2.

Hơn nữa, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường Trung Quốc từ các nhà sản xuất trong nước đã khiến quốc gia này "kém hấp dẫn" hơn trong mắt nhà đầu tư. Một thập kỷ trước, Samsung từng nắm giữ tới 20% thị phần tại thị trường Trung Quốc. Song đến nay, thị phần của hãng này chỉ còn dưới 0,5%.

Trước bối cảnh này, Samsung đã quyết định chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất hàng tiêu dùng cuối ra khỏi Trung Quốc. Hiện nay, "ông lớn" công nghệ chỉ duy trì 3 nhà máy ở Trung Quốc, nhằm sản xuất các bộ phận trung gian như chip bán dẫn, pin cho ô tô điện và tụ MLCC giúp ổn định dòng điện trong bảng mạch.

Một trong những quốc gia tích cực trong hoạt động khuyến khích doanh nghiệp về nước là Hàn Quốc. Trong thập kỷ qua, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành một số chính sách, bao gồm các lợi ích về thuế, trợ cấp và giảm giá đất, nhằm khuyến khích việc reshoring. Năm 2019, quốc gia này đã sửa đổi thêm "đạo luật quay đầu (U-turn act)" tập trung cho các ngành công nghiệp, nhất là những doanh nghiệp thông tin.

Những chính sách này, kết hợp với nhiều yếu tố bên ngoài, đã góp phần vào sự gia tăng ổn định số lượng các doanh nghiệp Hàn Quốc reshoring, từ 9 doanh nghiệp vào năm 2018 lên 16 vào năm 2019, và 21 vào năm 2020. Các doanh nghiệp reshoring đều thuộc đa dạng nhóm ngành, từ điện tử, đồ trang sức đến ô tô, và hầu hết trong số họ đều chuyển về từ Trung Quốc.

 Việt Nam học được gì từ luật U-turn Act của Hàn Quốc: Chỉ 6 năm có thể kéo loạt ông lớn các ngành điện tử, ô tô, trang sức... về nước  - Ảnh 3.

Dữ liệu: Viện Kinh tế công nghiệp và thương mại Hàn Quốc

Việc số hóa sản xuất là một yếu tố khác thúc đẩy tăng trưởng doanh thu. Nhiều doanh nghiệp nhận thấy, việc đóng cửa dây chuyền sản xuất cũ ở Trung Quốc và xây dựng các "nhà máy thông minh (smart factories)" tại nước của họ là một lựa chọn hợp lý.

Điển hình như hãng may mặc Hàn Quốc G&G đã xây dựng một nhà máy thông minh mới, hoàn toàn tự động ở Tây Nam Hàn Quốc, giúp doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh về giá, cũng như linh hoạt hơn về đa dạng sản phẩm, ngay cả trong một lĩnh vực sử dụng nhiều lao động.

Đối với các doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức với quá trình chuyển đổi số này, Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập một chương trình hợp tác công - tư đặc biệt, nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận và xây dựng các nhà máy thông minh.

 Việt Nam học được gì từ luật U-turn Act của Hàn Quốc: Chỉ 6 năm có thể kéo loạt ông lớn các ngành điện tử, ô tô, trang sức... về nước  - Ảnh 4.

Dữ liệu: Viện Kinh tế công nghiệp và thương mại Hàn Quốc

Tăng cường số hóa cũng là một phương án hiệu quả để đối phó với thách thức của gián đoạn chuỗi cung ứng. Ví dụ, trước đây Hyundai Motors thuê ngoài (outsource) toàn bộ hoạt động sản xuất dây điện cho các nhà cung cấp ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Covid-19 đã buộc hãng phải đóng cửa dây chuyển sản xuất sản phẩm này. Từ đó, Hyundai đã chuyển giao quá trình sản xuất nhờ chương trình chuyển đổi số của Hàn Quốc.

Project Syndicate kết luận, "mất mát" của Trung Quốc lại chính là "cái được" của nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á. Nhờ quá trình dịch chuyển và reshoring, năm 2019, các nước thành viên ASEAN đã ghi nhận dòng vốn FDI vào đầu tư mới cao nhất từ trước đến nay.

Trong khi tác động kinh tế của đại dịch đã làm giảm các dòng chảy này trong năm 2020, thì nhiều nhà đầu tư vẫn giữ nguyên mối quan tâm đến khu vực. Tăng trưởng kinh tế trong tương lai ở các nước ASEAN, và khả năng đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ phụ thuộc đáng kể vào việc thu hút doanh nghiệp dịch chuyển chuỗi sản xuất và reshoring thời gian tới, đặc biệt là các doanh nghiệp từ Trung Quốc.

Anh Vũ

Cùng chuyên mục
XEM