Việt Nam đạt 100 triệu dân 2025: Chưa giàu đã già?

01/02/2017 16:57 PM | Kinh doanh

"Chúng ta vẫn có quá nhiều vấn đề và rào cản về giáo dục, kinh tế và y tế để sử dụng lợi thế về dân số". TPHCM: Thêm 5.800 hộ dân sống ven kênh cần tái định cư Nghịch lý ép giảm dân số nội đô Hà Nội.

Đó là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Hồng Nga, Phó trưởng khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) với Đất Việt xung quanh việc dân số của Việt Nam sẽ lên tới 100 triệu dân vào năm 2025.

3 thuận lợi 3 khó khăn

PV: - Viện Chính sách công và Quản lý vừa qua đưa ra thông tin, năm 2025, nước ta sẽ có 100 triệu dân. Với dân số hiện tại, Việt Nam đang là quốc gia có dân số đứng thứ 14 trên thế giới và đông dân thứ 8 ở châu Á. Theo ông, mức dân số vào năm 2015 sẽ là khó khăn hay thuận lợi cho Việt Nam? Xin ông phân tích cụ thể.

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: - Việc tăng dân số với tỷ lệ 1.08 trong mấy năm gần đây là điều bình thường đối với 1 nước đang phát triển như Việt Nam, nếu so sánh tỷ lệ 1.2% trên toàn thế giới và châu Phi là 2.4%.

Với mức tăng dân số như trên thì chúng ta sẽ có những thuận lợi và khó khăn sau.

Về thuận lợi:

Thứ nhất, dân số tăng thì nguồn cung lao động gia tăng, nhất là Việt Nam hiện nay dân số đang ở tỷ lệ vàng với nguồn lao động độ tuổi từ 15 đến 60 là 58.68% (so với con số trung bình là 50%). Nếu tận dụng tốt tỷ lệ này chúng ta sẽ tăng được năng suất lao động và kích thích tăng trưởng kinh tế gắn với việc làm gia tăng. Hơn nữa dân số gia tăng sẽ là động lực để Việt Nam xuất khẩu nhiều lao động (cho dù lao động phổ thông), tạo công ăn việc làm và nguồn vốn cho nền kinh tế.

Thứ hai, dân số gia tăng thì số lượng nhân tài gia tăng. Theo quan điểm của 2 nhà kinh tế học Simon Kuznets và Michael Kremer, dân số lớn hơn sẽ có xu hướng cho ra đời nhiều thành tựu công nghệ cần thiết để duy trì cuộc sống của dân số đó.. Một phần quan trong trong bước tiến về kinh tế bắt nguồn từ những phát kiến về khoa học và công nghệ của các thiên tài trong xã hội. Lao động trẻ thường linh hoạt và dễ tiếp cận với đổi mới và ít tổn thương hơn lao động lớn tuổi. Lợi nhuận thu đươc từ việc tái đào tạo của lớp trẻ cũng cao hơn người nhiều tuổi vì họ còn nhiều năm lao động. Những điều này rất có lợi cho Khởi nghiệp hay start up trong thế giới thay đổi ngày nay.

Thứ ba, dân số đông sẽ làm cho Việt Nam trở thành một thị trường lớn về tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ và đây chính là động lực để nguồn vốn FDI và Việt kiều đổ về kinh tế Việt Nam.

Khó khăn:

Một là, dân số tăng nhanh tạo áp lực cho việc di dân từ nông thôn ra thành thị và các vấn đề xã hội phát sinh như nhà ở, giáo dục, y tế, nhất là các tệ nạn xã hội như mại dâm, tội phạm.…Chúng ta đều biết dân số tăng nhiều chủ yếu là ở vùng nông thôn, biên giới, miền núi, cao nguyên, những nơi có nền giáo dục chưa cao, y tế còn thiếu thốn, vệ sinh an toàn chưa được quan tâm nhiều. Những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình thiếu ăn, ít được giáo dục, cha mẹ nghiện ngập…sẽ là những “ứng viên” cho tội phạm sau này. Các nghiên cứu cho thấy các gia đình lớn đều là hộ nghèo. Luôn tồn tại quan hệ nhân quả. Cái nghèo tạo ra các gia đình lớn và các gia đình lớn lại càng làm tăng thêm nghèo đói.

Hai là, dân số tăng nhanh dẫn tới cung không đáp ứng được cầu và khả năng lạm phát xảy ra là rất cao. Thách thức tài chính khốc liệt để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của dân số tăng cao như trường học, bệnh viện, đường xá và các cơ sở công cộng khác. Điều này lại ảnh hưởng không tốt tới tăng trưởng kinh tế. Một nghiên cứu chỉ ra rằng nước có tỷ lệ sinh cao sẽ có sự tăng trưởng bình quân đầu người thấp hơn 1.3 điểm phần trăm so với nước có tỷ lệ sinh thấp.

Ba là, dân số tăng cao làm cho chúng ta sẽ sử dụng nhiều hơn các tài nguyên thiên nhiên, dẫn tới suy thoái liên tục và mạnh mẽ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các dịch vụ hệ sinh thái như nước ngọt, môi trường sống, cũng như việc tận dụng cây trồng và vật nuôi.

PV: - Một câu hỏi vẫn thường xuyên được dư luận đặt ra là nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ. Theo ông, với ưu thế về dân số, đồng nghĩa với sức lao động và thị trường tiêu thụ, Việt Nam nhỏ hay không nhỏ? Bằng quan sát và kinh nghiệm của mình, theo ông, Việt Nam đã ý thức được ưu thế về dân số của mình và đã sử dụng được ưu thế đó hay chưa?

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: - Dân số chúng ta đứng thứ 14 trên thế giới, như vậy thị trường lao động của chúng ta là rất lớn. Thị trường tiêu thụ chưa phải là lớn cho dù với số dân đứng thứ 14, nhưng thu nhập bình quân chưa cao chỉ đạt 2.2 ngàn đô la, đứng thứ 137 trên 190 nước và tỷ lệ tiết kiệm của Việt Nam là tương đối cao với 29.03% GDP, theo số liệu quốc tế.

Hiện nay chính phủ Việt Nam và người dân đã ý thức được ưu thế về dân số của mình. Chính phủ đã có những quốc sách quan trọng và đầu tư lớn cho giáo dục và y tế, nhất là y tế công cộng và sức khỏe cộng đồng để tận dụng hiệu quả nguồn lao động trẻ và có tay nghề.

Tuy nhiên chúng ta vẫn có quá nhiều vấn đề và rào cản về giáo dục, kinh tế và y tế để sử dụng lợi thế về dân số.

Thứ nhất, năng suất lao động của lao động Việt Nam còn quá thấp. Năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành năm 2016 đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% của Singapore; 17,4% của Malaysia; 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Philippines và 48,8% của Indonesia.

Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều yếu kém. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở nên chỉ có khoảng gần 20% được đào tạo bài bản, còn lại khoảng 80% lao động chưa được đào tạo về chuyên môn và kỹ thuật. Trong số những người đang theo học ở các trường chuyên nghiệp trên toàn quốc thì tỷ lệ người đang theo học trình độ sơ cấp là 1,7%, trung cấp 20,5, cao đẳng 24,5% và Đại học trở lên là 53,3%. Như vậy chúng ta thừa thầy và thiếu thợ. Tác phong làm việc chưa hiện đại và có tính công nghiệp.

Thứ ba là vấn đề sức khỏe cộng đồng, ô nhiễm môi trường và ăn uống không khoa học của người dân, thực phẩm không an toàn, có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng đã làm giảm thể lực và trí lực của người dân đất Việt trong công cuộc CNH – HĐH đất nước. Con số 77% đàn ông Việt Nam uống rượu bia, trong đó bình quân trên thế giới là 48%, đã làm cho chất lượng lao động và những đứa trẻ được sinh ra giảm sút và ảnh hưởng rất lớn trong dài hạn.

Thứ tư, việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tràn lan và chưa có dấu hiệu dừng lại ảnh hưởng đến tâm lý, tâm tư nguyện vọng của lớp trẻ, tác động tiêu cực đến khả năng học tập, nghiên cứu khoa học, tu dưỡng đạo đức, tác phong, rèn luyện thể thao, nhất là ý chí của đa số thanh niên ngày nay.


77% đàn ông VN uống rượu bia

77% đàn ông VN uống rượu bia

PV: - Đi vào một trường hợp cụ thể là chính sách ưu đãi FDI. Cho tới thời điểm hiện tại, các chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng về việc Việt Nam mất thị trường bán lẻ vào tay các doanh nghiệp FDI (mà chính họ lại được Việt Nam trải thảm đỏ thu hút, với nhiều ưu đãi, thậm chí còn hơn hẳn các doanh nghiệp nội địa). Chuyện tương tự đang xảy ra đối với các ngành sản xuất.

Nhiều ý kiến cho rằng, vì chúng ta không ý thức được giá trị thị trường của mình nên đã ưu đãi FDI bằng mọi giá, điều này có đúng hay không và vì sao? Thời gian gần đây, đã có những động thái hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp trong nước phát triển, đây có phải sự nhận thức lại của các cấp quản lý hay không và ông có đặt nhiều kỳ vọng vào sự thay đổi có phần muộn màng này?

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: - Thời gian đầu, chúng ta còn thiếu vốn, công nghệ, kỹ năng, nguồn nhân lực thì việc thu hút đầu tư có chọn lọc để điều cần thiết cho một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Việc ưu đãi là hoàn toàn hợp lý để thu hút FDI vì các nước đang phát triển khác cũng làm vậy.

Thời gian đầu chúng ta chủ trương tăng trưởng kinh tế là hàng đầu để giải quyết vấn đề cấp bách như nghèo đói và việc làm, sau đó chúng ta dọn dẹp hậu quả dần dần. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta ưu đãi bằng mọi giá để đánh đổi tăng trưởng kinh tế với các vấn đề kinh tế - xã hội khác.

Gần đây khi Việt Nam đã đạt mức thu nhập trung bình và có khả năng rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Cho nên chính phủ Việt Nam đã có nhiều động thái trợ giúp các doanh nghiệp trong nước phát triển. Đây là một chủ trương hợp lý và được sự đồng thuận của các doanh nghiệp và người dân trong nước.

Tuy hơi muộn nhưng có câu: muộn còn hơn không bao giờ.

Tuy nhiên chúng ta cũng đừng quá kỳ vọng vào sự hỗ trợ này từ phía nhà nước.

Bởi vì hiện nay nhà nước vẫn lấn nhiều sân của khu vực tư nhân, nhà nước thực chưa là nhà nước kiến tạo phát triển. Năng lực nghiên cứu của nền kinh tế còn quá yếu, hệ thống hậu cần, kiểm soát chất lượng, đào tạo công nhân còn quá kém.

Cần phải củng cố thêm các thị trường tài chính, các luật thương mại, các khoản trợ cấp của khu vực công, các tòa án, các trường đại học và kỹ thuật, nhất là chất lượng đào tạo đại học và sau đại học.

Nhà nước cần đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng nhưng chỉ ở mức 5-7% GDP và những hạng mục đầu tư chính của nhà nước là giáo dục và cơ sở hạ tầng, nhà nước không kinh doanh và cạnh tranh với khu vực tư nhân.

Phải để cho 3 trụ cột: Thị trường là phương tiện, pháp luật là thượng tôn và người dân phải được tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề quốc kế dân sinh. Nhà nước và pháp luật phải bảo vệ quyền tự do của con người, bảo vệ an toàn tài sản và an ninh cho người dân.

Không thay đổi sẽ lạc hậu và thụt lùi

PV: - Đặc biệt, trong quan hệ với Trung Quốc, không thể phủ nhận Việt Nam là một thị trường nhỏ so với Trung Quốc nhưng nếu Trung Quốc muốn bán hàng ra nước ngoài, Việt Nam rõ ràng là một thị trường có giá trị. Nhập khẩu hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc lên tới hàng chục tỷ USD. Vậy nhưng Việt Nam luôn bị thua thiệt, theo ông, nguyên nhân do đâu (do chính sách kinh tế hay do chính sách điều hành đang còn vướng mắc)? Chúng ta nên khắc phục điểm này như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: - Việc Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 28 tỷ USD (nhập khẩu 49,8 và xuất khẩu sang Trung Quốc 21,8 tỷ USD) là chuyện hết sức bình thường vì đa phần chúng ta nhập từ Trung Quốc nguyên liệu đầu vào và chỉ khoảng 20% là phục vụ tiêu dùng.

Điều này do cả hai nguyên nhân là kinh tế và chính sách kinh tế.

Thứ nhất, về nguyên nhân kinh tế. Trung Quốc có dân số đông nhất thế giới và là công xưởng sản xuất toàn cầu, do vậy Trung Quốc sản xuất đại trà và lợi dụng được tính kinh tế theo qui mô (sản xuất càng nhiều chi phí trung bình càng giảm) và lợi thế kinh tế theo phạm vi (sản xuất nhiều chủng loại sản phẩm cùng sử dụng máy móc thiết bị và kỹ năng của lao đông thì chi phí trung bình cũng giảm).

Do vậy Trung Quốc có lợi thế về chi phí và giá cả. Người Trung Quốc từ trước đến nay là cái nôi của văn minh, nơi phát minh ra la bàn, giấy, kỹ thuật in, tiền, thuốc súng, lụa. Trung Quốc nổi tiếng về khả năng kinh doanh và nhạy bén với thời cuộc.

Thứ hai, về chính sách kinh tế. Trung Quốc đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, quân đội và công an không được làm kinh tế. Với Trung Quốc doanh nghiệp tư nhân là động lực để tăng trưởng kinh tế. Hàng trăm triệu doanh nghiệp tư nhân đã được hình thành và hoạt động hiệu quả trên bình diện toàn cầu. Điển hình là Alibaba, Xiaomi, Oppo, Lenovo, Sinopec..

Chúng ta nên làm gì để khắc phục việc nhập siêu từ Trung Quốc?

Không có con đường nào khác là tạo điều kiện về vốn, đất đai, chính sách để cho các doanh nghiệp tư nhân tồn tại và phát triển. Nhà nước cần kiến tạo phát triển chứ không làm thay thị trường. Phát triển cần dựa vào thị trường và các cơ chế khuyến khích, tăng trưởng đòi hỏi sử dụng thị trường để đưa ra các tín hiệu giá cả, tạo cơ chế khuyến khích và điều động các nguồn lực. Thị trường là một cách phi tập trung hóa các quyết định.

Thị trường cạnh tranh tạo ra những cơ chế khuyến khích năng động và hiệu quả để giảm chi phí và cải thiện chất lượng. Tăng trưởng còn được thúc đẩy bởi sự thay đổi cơ cấu không ngừng trong một nền kinh tế lấy giáo dục và công nghệ là trụ cột để phát triển.

PV: - Nhiều chuyên gia đã cảnh báo, nếu không kịp thay đổi, Việt Nam sẽ mắc vào vấn nạn chưa giàu đã già. Quan điểm của ông như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: - Các nước phát triển thì giàu rồi mới già, Việt Nam ta chưa giàu đã già rồi. Mặc dù tuổi thọ trung bình ở Việt Nam hiện nay là khoảng 74 tuổi nhưng có khoảng 12 năm sống trong bệnh tật và đau đớn. Chất lượng cuộc sống chưa đáp ứng yêu cầu của hội nhập và phát triển.

Đúng là chúng ta không kịp thay đổi hay thay đổi không theo kịp xu thế là chúng ta lạc hậu và tụt lùi. Điều kiện sống ở Việt Nam ngày càng được nâng cao, y học phát triển như vũ bão, dân số ngày càng già và thọ hơn. Theo số liệu dự báo của Quỹ Dân số Liên hợp Quốc (UNFPA), đến năm 2033, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi ở Việt Nam sẽ hơn 20%.

Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ ở vào giai đoạn dân số già trong vòng gần 20 năm nữa. Sau khoảng 20 đến 30 năm nữa thì chúng ta đến giai đoạn dân số giá, lúc đó 1 người lao động “cõng” hơn 1 người già.

Nếu năng suất lao động không được cải thiện so với các nước thì chúng ta sẽ có nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động và của cải. Đấy là chúng ta chưa nói đến việc nợ công ngày càng cao, người dân phải “cày” để trả nợ và gắng nặng ngày càng gia tăng cho các thế hệ tiếp theo.

Nếu chúng ta tăng trưởng bình quân 6% một năm, tính toán cả sự gia tăng dân số 1.08% một năm thì sau 15 năm GDP tăng gấp đôi và lúc đó Việt Nam đang đi vào kỷ nguyên dân số già và GDP bình quân đầu người hầu như không gia tăng nếu không có sự cải thiện về chất lượng giáo dục, về khả năng sáng tạo và công nghệ để tăng năng suất lao động thì khả năng chúng ta rơi vào bẫy trung bình là không nhỏ.

Theo Thanh Huyền

Cùng chuyên mục
XEM