Việt Nam có thực sự là một miền đất hứa cho các nhà bán lẻ?

09/01/2020 20:30 PM | Kinh doanh

Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, mức thu nhập và doanh số bán lẻ tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 4 năm gần đây đang là các yếu tố thu hút các nhà bán lẻ ở nước ngoài đến với Việt Nam.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, nền kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng 7,02% trong năm 2019. Doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng với 11,8%, lên tới con số 4.910 tỷ VND (tương đương 214,8 tỷ USD).

Trong khi đó, mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng được ước tính đạt 4,2 triệu VND trong năm 2019. Con số này cao hơn mức 3,9 triệu VND trong năm 2018, cũng theo Tổng cục Thống kê. Chỉ tính riêng miền Bắc, Nam Định đang là địa phương được ghi nhận có sự tăng trưởng sức mua lớn nhất, với tốc độ tăng trưởng lên tới 18%.

Những số liệu thống kê ấn tượng này đang tạo ra sức lôi cuốn mạnh mẽ tới các nhà bán lẻ nước ngoài, vốn đang có kế hoạch mở rộng sang các thị trường mới, đặc biệt trong số đó là các nhà bán lẻ Hàn Quốc. Việc kinh doanh tại quốc gia này đang gặp nhiều trở ngại đến từ vấn đề già hóa dân số và nhiều hộ gia đình một người ưa thích mua sắm trực tuyến hơn.

Các "ông lớn" siêu thị Hàn Quốc như Lotte Shopping và E-Mart hiện đã có mặt tại Việt Nam và sẽ lên kế hoạch mở rộng hơn nữa trong năm tới, nhưng liệu có thành công hay không thì vẫn chưa thể biết chắc.

Theo ông Nguyễn Vũ Đức, Giám đốc mảng bán lẻ hàng tiêu dùng tại Deloitte Việt Nam, do ngành bán lẻ tại Việt Nam đang có tiềm năng lớn nên sự cạnh tranh quyết liệt giữa các hãng là điều không thể tránh khỏi. Trên mọi hình thức bán lẻ khác nhau, chúng ta đang chứng kiến một cuộc đua tranh thị phần khốc liệt giữa các đại gia bán lẻ trong và ngoài nước khi họ bắt tay vào chiến lược mở rộng thị trường.

Các nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc đang phải đối mặt với thách thức lớn từ các doanh nghiệp Việt Nam. Ví dụ dễ thấy nhất là trường hợp sáp nhập của Tập đoàn Masan với Vingroup vào cuối năm ngoái. Hai bên tuyên bố sáp nhập các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và bán lẻ để tạo ra thương hiệu bán lẻ lớn nhất cả nước.

Thương vụ này sẽ giúp tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của Masan và gia tăng thêm sức mạnh trên thị trường bán lẻ Việt. Thêm nữa, Vingroup hiện đang kiểm soát 60% diện tích sàn tại các trung tâm thương mại ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Các nhà bán lẻ Nhật Bản cũng đang chuyển hướng vào Việt Nam và các cửa hàng tiện lợi của họ cũng được người tiêu dùng Việt đánh giá cao. Trong số đó, Aeon Mall đang là cái tên nổi bật hơn cả trên thị trường. Cuối năm ngoái, thương hiệu này vừa khai trương trung tâm thương mại thứ 2 tại Hà Nội và thứ 5 tại Việt Nam là Aeon Mall Hà Đông.

Ông Iwamura Yasutsugu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Mall VIệt Nam, cho biết: "Trước nay, chúng tôi mới chỉ tập trung xây dựng trung tâm thương mại ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Tới đây, chúng tôi sẽ đầu tư thêm ở các địa phương khác". Địa điểm dự kiến tiếp theo mà Aeon hướng tới sẽ là Hải Phòng.

Cùng với việc mở rộng các trung tâm thương mại, Aeon cho biết cũng sẽ nỗ lực để nâng cao tỷ lệ hàng Việt Nam bày bán tại các siêu thị và bách hóa Aeon. Hiện có khoảng hơn 2.600 nhà cung ứng Việt Nam cung cấp hàng hóa cho Aeon.

Một cái tên đáng chú ý khác là nhà bán lẻ thời trang Uniqlo. Mới đây, hãng này vừa khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Với vai trò là chủ tịch và giám đốc điều hành của Fast Retailing – nhà điều hành của thương hiệu – ông Tadashi Yanai nhận xét: "Việt Nam quả thực là một miền đất hứa".

Theo Hoàng Linh

Cùng chuyên mục
XEM