Việt Nam chi hơn 6,8 tỷ USD nhập khẩu xăng dầu trong 9 tháng đầu năm

11/10/2022 18:59 PM | Xã hội

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong 9 tháng năm 2022 là hơn 6,5 triệu m3 với giá trị nhập khẩu là hơn 6,8 tỷ USD. Trong đó, lượng và kim ngạch nhập khẩu xăng dầu từ Trung Quốc tăng đột biến.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 9, cả nước nhập khẩu 627.652 tấn xăng dầu các loại, kim ngạch 616,1 triệu USD, tăng 34,8% về lượng và tăng 27,8% về kim ngạch so với tháng trước đó.

Lượng xăng dầu nhập khẩu trong tháng 9 trở về mức tương đương các tháng gần đây. Cụ thể, tháng 7 là 650.952 tấn, tháng 6 là 617.787 tấn. Từ đầu năm đến nay, tháng 3 ghi nhận lượng nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất, lên tới 1,28 triệu tấn.

Việt Nam chi hơn 6,8 tỷ USD nhập khẩu xăng dầu trong 9 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Số liệu: Tổng cục Hải quan

Tính chung 9 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu 6.525.109 tấn xăng dầu các loại, kim ngạch 6,833 tỷ USD, tăng 22,7% về lượng và tăng 131,8% về kim ngạch so với cùng kỳ 2021.

Về thị trường nhập khẩu, Hàn Quốc dẫn đầu với 2.555.283 tấn, kim ngạch đạt 2,745 tỷ USD, tăng tới 91,62% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng thị trường Hàn Quốc chiếm đến 39,16% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước trong 9 tháng đầu năm.

Các thị trường lớn khác như Malaysia 956.148 tấn, kim ngạch 885,67 triệu USD, nhưng giảm mạnh so với con số gần 1,7 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái; Singapore 960.508 tấn, kim ngạch 978,7 triệu USD, khá tương đồng về lượng nhập khẩu so với cùng kỳ 2021; Thái Lan 877.870 tấn, kim ngạch 960 triệu USD, tăng gần 100.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, những tháng đầu năm Trung Quốc nổi lên là thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn hàng đầu của Việt Nam với 627.123 tấn, kim ngạch 676 triệu USD, gấp 2,3 lần về lượng so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương tăng 130%); trong khi kim ngạch gấp tới 4,42 lần.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, quý III/2022 (đến 20/9/2022), sản lượng nhập khẩu giảm khoảng 40% đối với xăng, giảm khoảng 35% đối với dầu DO, so với Quý II/2022. Đáng nói, chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu. Có thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn, nhưng không thực hiện nhập khẩu vào Quý III/2022.

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giảm mức chiết khấu trong hệ thống phân phối, giá xăng dầu trong nước không phản ánh đúng chi phí kinh doanh xăng dầu, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là ở khâu bán lẻ nên có hiện tượng nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoạt động kinh doanh, bán hàng cầm chừng và thiếu nguồn cung cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Theo khẳng định của Bộ Công Thương, dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng của thương nhân đầu mối, gây gián đoạn hoạt động kinh doanh, song tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước. Nguồn cung xăng dầu cũng vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.

Theo báo cáo của các DN đầu mối, lượng tồn kho của một số DN đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn đang được duy trì, bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống. Petrolimex tồn kho đến ngày 8/10 còn khoảng 489.000m3 (gồm 208.000m3 xăng và 280.000m3 dầu); PVOil còn khoảng 230.000m3; Công ty xăng dầu Quân đội còn khoảng 19.000m3; Saigon Petro còn khoảng 11.000m3; Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45.000m3; Thanh Lễ còn khoảng 60.000m3... Các DN cam kết vẫn đang tiếp tục nỗ lực nhập hàng để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình.

Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt); đồng thời sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua, để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các DN tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.

Theo Khánh Vy

Từ khóa:  việt nam
Cùng chuyên mục
XEM