Việt Nam chế tạo thành công máy làm đá ướp cá từ nước biển

25/11/2018 16:43 PM | Công nghệ

Thay vì phải sử dụng đá nước ngọt mang từ đất liền, tốn kém chi phí với mức hao hụt cao, tàu đánh bắt xa bờ có thể sản xuất đá tuyết ngay tại tàu, vừa tiết kiệm chi phí, vừa nâng cao chất lượng bảo quản, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hải sản Việt Nam.

Rẻ hơn nhiều giá nhập ngoại

Sáng ngày 23/11, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố việc nghiên cứu, chế tạo thành công máy sản xuất đá tuyết từ nước biển phục vụ bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ. Sự ra đời của sản phẩm nhằm giải quyết tình trạng tổn thất sau khai thác khá cao của Việt Nam.

Theo Tổng cục Thủy sản, tổn thất sau khai thác là 20-30% sản lượng, tương đương trên dưới 700.000 tấn hải sản mỗi năm, trị giá ít nhất 14.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do vấn đề bảo quản sản phẩm sau khai thác.

Hiện nay ngư dân chủ yếu sử dụng đá nước ngọt để ủ cá trong khoang lạnh. Đá được làm từ đất liền, có thể được xay nhỏ hoặc để nguyên cây trong khoang lạnh. Theo các chuyên gia, phương pháp này có nhược điểm là nhiệt độ làm lạnh cao, không thể điều chỉnh, không đồng đều trong một khoang lạnh, tốc độ làm lạnh chậm, ảnh hưởng đến chất lượng hải sản.

Nguồn nước làm đá thường gần cảng biển, không kiểm soát được chất lượng, thường bị nhiễm khuẩn, nhiễm phèn. Tinh thể đá sau khi xay có cạnh sắc khiến hải sản bị trầy xước, ảnh hưởng đến chất lượng. Đặc biệt, tàu cá phải mang theo một lượng lớn đá làm sẵn, làm tăng chi phí xăng dầu và vận hành, tổn hao do đá tan chảy trong quá trình vận chuyển khá lớn.

Giải quyết vấn đề trên, các nhà khoa học của Trung tâm Phát triển công nghệ cao thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã chế tạo và làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất máy làm đá tuyết từ nước biển. Máy có kích thước nhỏ gọn, dễ dàng đưa lên tàu và sử dụng trong quá trình đánh bắt.

Nhiệt độ làm lạnh của đá sâu hơn so với đá nước ngọt (khoảng -6oC), lại có thể điều chỉnh được nhiệt độ bảo quản tùy thuộc vào từng loại cá với các mức khác nhau (như -6,1oC, -4,2oC và -2,1oC). So với đá nước ngọt xay, đá tuyết mịn hơn nhiều. Vì thế làm tăng chất lượng hải sản, đặc biệt với những loại cá có giá trị kinh tế cao.

Theo ThS Lê Văn Luân, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, bên cạnh việc nâng cao chất lượng, sản phẩm góp phần tiết kiệm chi phí trực tiếp gồm tiết kiệm chi phí do hao hụt đá, tiết kiệm chi phí vận chuyển đá từ đất liền trên suốt chuyến đi và hiệu quả từ việc nâng cao chất lượng hải sản được bảo quản. Sản phẩm có giá thành bằng 70-80% so với sản phẩm nhập ngoại cùng công suất.

Ông Lê Minh Phương, Phó giám đốc Công ty Việt Trường (Hải Phòng), đơn vị thử nghiệm sản phẩm chia sẻ, công ty có 6 tàu thu mua cá, mỗi ngày mất khoảng 180 triệu đồng tiền đá nước ngọt. Khi ra biển, lượng đá hao hụt khoảng 30%, tương đương 50-60 triệu đồng.

Tiếp tục nâng công suất sản phẩm

Sản phẩm máy làm đá tuyết từ nước biển vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản. Theo ThS Lê Văn Luân, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, sản phẩm đã được thử nghiệm trong thời gian dài tại xưởng Cơ khí - Điện tử của Trung tâm phát triển công nghệ cao đồng thời được thử nghiệm thực tế tại cảng biển và trên tàu cá tại vùng biển Hải Phòng.

Kết quả đánh giá của các nhà khoa học, đơn vị phối hợp thử nghiệm và chủ tàu cá cho thấy sản phẩm chạy ổn định và đáp ứng được các yêu cầu đặt ra.

TS Nguyễn Văn Thao, Tổng giám đốc Trung tâm Phát triển công nghệ cao cho biết, sản phẩm máy sản xuất đá tuyết của đề tài có năng suất 1.250kg/24h, tuy nhiên do nhu cầu thực tế trên các tàu cá, mỗi chuyến đi biển cần một lượng đá bảo quản lên tới 50-60 tấn, việc này cần phải có những máy có năng suất lớn hơn, tương ứng khoảng 5.000kg/24h.

Chính vì vậy, các nhà khoa học tại Trung tâm phát triển công nghệ cao đang tiếp tục thực hiện một nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước để nghiên cứu và sản xuất máy làm đá tuyết với công suất lên đến 10 tấn/24h, cùng với việc phân tích và xây dựng quy trình sơ chế và bảo quản cá ngừ đại dương chất lượng cao bằng đá tuyết, nhằm nâng cao chất lượng cá ngừ đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe vào các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, châu Âu.

Tại buổi lễ công bố hôm qua, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ký kết với một doanh nghiệp thủy sản và huyện đảo Bạch Long Vĩ trong việc triển khai đưa sản phẩm vào ứng dụng thực tế.

Theo Nguyễn Hoài

Cùng chuyên mục
XEM