Việt Nam cần 'dọn tổ' thế nào để đón 'đại bàng' Mỹ?

22/03/2023 11:05 AM | Kinh tế vĩ mô

Phái đoàn gồm hơn 50 doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh là tín hiệu rất tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cần chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, nhà xưởng, điện, nước và hạ tầng xã hội để nhà đầu tư Mỹ thấy có thể làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Mở rộng đầu tư

Hôm nay (21/3), một phái đoàn gồm hơn 50 doanh nghiệp Mỹ đã đến Việt Nam, trong đó có các công ty quốc phòng, dược phẩm và công nghệ đã sang Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh theo chương trình hàng năm do Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tổ chức. Phái đoàn này sẽ thăm, làm việc ở Việt Nam đến hết ngày 23/3.

Trong số các doanh nghiệp Mỹ tham gia chuyến thăm tới Việt Nam, có nhiều tên tuổi quen thuộc, đang hoạt động kinh doanh hoặc sản xuất tại Việt Nam và có kế hoạch mở rộng như Apple, Coca-Cola và PepsiCo, Netflix... Ngoài ra, SpaceX cũng cho biết đang tìm kiếm thị trường dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam và các nước trong khu vực.

Tham gia chương trình của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN còn có các công ty sản xuất chất bán dẫn, các hãng dược phẩm Pfizer và Johnson & Johnson, nhà sản xuất thiết bị y tế Abbott, Công ty Tài chính Visa, Ngân hàng Citibank, các hãng công nghệ điện toán đám mây Meta và Amazon Web Services.

Tính đến 20/12/2022, tổng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam đạt 11,42 tỷ USD với 1.216 dự án. Mỹ hiện xếp thứ 11 trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Vốn FDI của Mỹ chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối thuận lợi.

Các tỉnh, thành phố nhận vốn đầu tư từ Mỹ nhiều nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu (45,8%), TPHCM (12,4%), Bình Dương (9%)… Xét về lĩnh vực đầu tư, vốn đầu tư của Mỹ tập trung chủ yếu vào các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống (42,5%); công nghiệp chế biến, chế tạo (32%), cấp nước và xử lý chất thải (5,2%).

Việt Nam cần 'dọn tổ' thế nào để đón 'đại bàng' Mỹ? - Ảnh 1.

Công nhân làm việc bên trong nhà máy 170 triệu USD của Universal Alloy Corporation ở Đà Nẵng.

Hiện tại, Công ty Năng lượng Việt Nam ECV có trụ sở tại Houston, bang Texas, Mỹ, đang chuẩn bị về nhân lực và năng lực tài chính để thực hiện theo đúng kế hoạch dự án Điện khí LNG Kê Gà tại tỉnh Bình Thuận, sau khi đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án này đã được chủ đầu tư và UBND tỉnh ký Bản ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2019.

Dự án Điện khí LNG Kê Gà có vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD được đặt tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành, tổng công suất điện do nhà máy cung cấp sẽ là 3.200 MW. Nguồn nguyên liệu LNG phục vụ sản xuất được nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ.

Tương tự, Tập đoàn General Electric đã có gần 30 năm đầu tư tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực từ truyền tải điện, hàng không đến thiết bị y tế. Ngoài ra, tập đoàn này còn xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nặng “made in Vietnam” là các động cơ máy bay ra thị trường toàn cầu. Hiện tại, Tập đoàn General Electric tiếp tục mở rộng đầu tư và tìm kiếm các cơ hội phát triển tại thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều “ông lớn” khác như Intel đã đầu tư lên đến 1,5 tỷ USD tại Việt Nam. Universal Alloy Corporation chuyên sản xuất các thiết bị điện tử cho máy bay do Boeing và Airbus chế tạo đã đầu tư 170 triệu USD và đang có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới. Hãng Boeing cũng muốn mở rộng các cơ sở tại Việt Nam để cung cấp nguyên liệu, xây dựng trung tâm kỹ thuật, mở rộng kết nối với các đối tác trong nước.

Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam cho biết, gần 80% nhà đầu tư Mỹ đánh giá rất tích cực hoặc khả quan về triển vọng trung lẫn dài hạn về Việt Nam và đã lên kế hoạch đầu tư thêm.

Làm gì để giữ chân?

Là người Việt đầu tiên thành lập ngân hàng tại Mỹ và là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói rằng, một phái đoàn gồm hơn 50 doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh là tín hiệu rất tốt cho nền kinh tế. Theo ông Hiếu, Mỹ là nước có kim ngạch thương mại rất lớn với Việt Nam nhưng đầu tư thì còn nhỏ bé.

Việt Nam cần 'dọn tổ' thế nào để đón 'đại bàng' Mỹ? - Ảnh 2.

Để giữ chân nhà đầu tư Mỹ, cần chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, nhà xưởng, điện, nước...

“Do đó, muốn giữ chân, mời gọi những nhà đầu tư Mỹ, chúng ta phải có thông tin, cơ chế minh bạch. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư phải nhanh và thông thoáng hơn. Khi làm việc với các nhà đầu tư Mỹ thì cần thông tin chính xác, lên kế hoạch rõ ràng, dự báo tốt về tương lai để họ rót tiền đầu tư”, ông Hiếu nói.

Chuyên gia kinh tế Lương Duy Sinh cho rằng, chúng ta cần chuẩn bị cả về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, nhà xưởng, điện, nước và hạ tầng xã hội để nhà đầu tư Mỹ thấy có thể làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Chuẩn bị một nguồn nhân lực kỹ thuật cao cũng là yếu tố quyết định cho sự gắn bó của các doanh nghiệp Mỹ với Việt Nam.

Theo ông Sinh, các doanh nghiệp Mỹ rất ngại phải trả chi phí không chính thức. Điều này cần sớm khắc phục, vì nó tác động rất lớn tới quyết định đầu tư lâu dài hay không. Một vấn đề khác là phải xây dựng hệ thống logistics hiện đại, có năng lực vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa.

Theo thông tin từ Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam là nguyên Đại sứ Ted Osius - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN và nguyên Đại sứ Michael Michalak - Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành khu vực của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN.

Dự kiến phái đoàn doanh nghiệp Mỹ sẽ gặp Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và các Bộ trưởng Tài chính, Y tế, Công an…

Có hai lĩnh vực mà phái đoàn sẽ tập trung thảo luận với các đối tác Việt Nam. Thứ nhất là chuyển đổi năng lượng, để Việt nam đạt mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050. Thứ hai là chuyển đổi số, đây là điều đang diễn ra và sẽ đưa Việt Nam ở vào một vị thế mới trong cuộc cạnh tranh số.


Theo Duy Quang

Cùng chuyên mục
XEM