Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong: Tăng trưởng GDP mang lại lợi ích cho người nghèo ngày càng ít đi!

09/10/2017 10:43 AM | Kinh tế vĩ mô

Năm 1993, chênh lệch giữa nhóm 20% dân số Việt Nam giàu nhất so với 20% dân số nhóm nghèo nhất chỉ khoảng 4,4 lần thì đến năm 2016 đã tăng lên 10 lần. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là con số tương đối, thực tế có thể cao hơn nhiều vì thu nhập của người giàu đang rất khó đo đếm, TS Phùng Đức Tùng chia sẻ.

GDP quý III đã kết thúc đầy khả quan với mức 7,46% như ghi nhận của Tổng cục Thống kê. Điều này cho thấy kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc, đồng thời khẳng định những cố gắng của Chính phủ trong thời gian qua hướng đến mục tiêu tăng trưởng 6,7% về cuối năm là có hiệu quả.

Trên thực tế, GDP là chỉ số kinh tế được hầu hết nhà đầu tư nhìn đầu tiên khi đặt chân đến một quốc gia. Đối với Việt Nam, chỉ số này luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Quốc hội cũng như người dân. Dù vậy, TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong nói với Trí Thức Trẻ, câu chuyện tăng trưởng GDP sẽ không giải quyết được mọi vấn đề đang diễn ra trên đất nước hình chữ S.

TS. Tùng cho biết ở Việt Nam, chỉ số GDP dù là quan trọng nhưng cần đặc biệt quan tâm đến câu chuyện tăng trưởng mang lại lợi ích cho ai. Hiện, chủ đề này đang không được chú ý.

GDP đang có sự đóng góp lớn của khu vực FDI. Tiêu biểu như quý III vừa rồi, mức tăng 7,46% có sự góp phần không nhỏ của Samsung hay Formosa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy FDI không mang lại lợi ích nhiều cho kinh tế nếu xét trên những gì nó được hưởng.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong: Tăng trưởng GDP mang lại lợi ích cho người nghèo ngày càng ít đi! - Ảnh 1.

“Việc chúng ta chăm chăm duy trì thúc đẩy GDP chưa chắc giúp đất nước phát triển ở một số mặt”, Viện trưởng Tùng nói.

Bên cạnh đó, tăng trưởng dựa vào xuất khẩu khiến cho nền kinh tế dễ bị tổn thương. “Bất cứ bất ổn nào từ bên ngoài hay từ những doanh nghiệp FDI lớn cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế nước ta. Đấy là tăng trưởng không bền vững”, ông cho biết thêm.

Ngoài ra, mặc dù tăng trưởng cao kỷ lục của quý III năm nay như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định không dựa vào tài nguyên nhưng đây lại là cột chống đỡ cho GDP Việt Nam trong nhiều năm qua. Thậm chí, hồi giữa năm nay, Chính phủ cũng lưu ý việc khai thác 1 triệu tấn dầu để đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng.

“Khai khoáng không thuần tuý là tăng trưởng. Nó không tạo ra giá trị gia tăng mà thực tế chúng ta đào lên và bán những gì ông cha chưa khai thác (dự trữ quốc gia dưới dạng tài nguyên)”, TS. Tùng bình luận.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong: Tăng trưởng GDP mang lại lợi ích cho người nghèo ngày càng ít đi! - Ảnh 2.

Một lĩnh vực khác cũng đã đóng góp nhiều vào chỉ số GDP trong thời gian qua là BĐS. Tuy nhiên, một số lượng doanh nghiệp hoạt động đã lợi dụng kẽ hở của chính sách, dùng quan hệ để lấy được đất giá rẻ, biến thành của riêng và ăn chênh lệch trên phần gia tăng từ đó.

Như vậy, TS. Tùng cho rằng tăng trưởng dù cao nhưng từ những nhân tố trên, người dân sẽ không được hưởng lợi từ “cái bánh” GDP.

Tăng trưởng bao trùm giải bài toán quốc gia

Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc - UNDP luôn bày tỏ mong muốn thúc đẩy các quốc gia tăng trưởng bao trùm (inclusive growth), nghĩa là tất cả người dân trong một quốc gia được hưởng lợi từ tăng trưởng GDP của quốc gia đó. Tuy nhiên, ở Việt Nam xu thế tăng trưởng đã khác đi rất nhiều so với những năm đầu mở cửa.

“Những năm 1990 – 2005 tăng trưởng đa số mang lại lợi ích cho người dân”, ông Tùng nói. Từ số liệu phân tích, ông Tùng cho biết trong giai đoạn đầu của thời kỳ mở cửa và tự do kinh tế thu nhập chính của người dân có được từ công việc, chênh lệch giàu nghèo chủ yếu do chênh lệch về kỹ năng của người lao động. Khi kinh tế phát triển, nhóm thu nhập cao tích luỹ được tài sản cũng như đầu tư nhiều hơn vào tài sản để có thu nhập từ tài sản.

Đến giai đoạn từ 2010 – nay, chênh lệch thu nhập giữa các nhóm dân cư không còn ở vấn đề về thu nhập từ lao động nữa mà phần lớn từ chênh lệch thu nhập từ tài sản (BĐS, cổ phiếu, tiền gửi, sở hữu đất đai và công cụ sản xuất), khiến cho bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo trở nên nới rộng hơn.

Điều này được phản ánh một phần qua hệ số GINI (hệ số đo bất bình đẳng trong phân phối thu nhập). Hệ số này cho biết nếu xem GDP của một quốc gia như “cái bánh” thì bao nhiêu phần trăm chiếc bánh ấy được chia đều cho mọi người, bao phần trăm thì không.

Nếu năm 1993, có 33% “cái bánh” không được chia đều thì đến năm 2016, tỷ lệ này đã lên đến 44% (tương ứng 0.44). “Hệ số này năm 2016 theo tôi không phản ánh được thực tế, tôi cho rằng nó còn cao hơn mức này rất nhiều”, TS. Tùng nhận định.

Đối với các nhà nghiên cứu, nếu hệ số GINI ở ngưỡng 0.5 điểm trở lên là nguy hiểm bởi nó ẩn chứa sự bất ổn xã hội, chênh lệch lớn giàu nghèo, xã hội bị phân hóa mạnh trong khi đó, Việt Nam đã tiệm cận mức này.

Số liệu thống kê cũng cho thấy nếu năm 1993, chênh lệch giữa nhóm 20% dân số giàu nhất so với 20% dân số nhóm nghèo nhất chỉ khoảng 4,4 lần thì đến năm 2016 đã tăng lên 10 lần. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là con số tương đối, thực tế có thể cao hơn nhiều vì thu nhập của người giàu đang rất khó đo đếm được.

Vấn đề trên được xem là thách thức mà Chính phủ cần quan tâm, vì tăng trưởng như hiện tại sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người giàu mà không phải người nghèo. Theo đó, phân hoá sẽ ngày càng bị dãn rộng, dẫn đến rủi ro bất ổn lớn.

“Nghiên cứu về bất bình đẳng cho thấy trong giai đoạn trước, nguyên nhân của bất bình đẳng chủ yếu là sự khác biệt giữa các nhóm xã hội khác nhau, ví dụ như thành thị - nông thôn, người kinh – người dân tộc thiểu số,... nhưng nay bất bình đẳng đang xảy ra trong nội tại giữa các nhóm”, Viện trưởng Viện Mekong cho hay.

Do đó, ông khẳng định cần phải lưu ý đến vấn đề tăng trưởng bao trùm và bền vững.

Nhiều thách thức lớn đối với Chính phủ vì một quốc gia bền vững phát triển

Trên thực tế, Chính phủ đang có hướng thay đổi mô hình tăng trưởng, dần dựa vào nâng cao năng suất lao động và vào tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, TS. Phùng Đức Tùng nhấn mạnh mục tiêu này rất khó khăn và thách thức. Một trong số đó, ông Tùng cho rằng phải giải được bài toán về an sinh xã hội.

Bởi lẽ, nếu an sinh không được đảm bảo, người dân sẽ không dám tiêu dùng mà thiên về tiết kiệm nhiều hơn.

Hiện tại, người dân đang rất bận tâm với mối lo quỹ BHXH và các dịch vụ cơ bản y tế, giáo dục không được đảm bảo. Một minh chứng khá rõ về sự bất an với quỹ BHXH là trong năm 2017, sẽ có khoảng 1 triệu người lao động yêu cầu trả bảo hiểm 1 lần (trên tổng số khoảng hơn 10 triệu lao động đóng bảo hiểm).

Do vậy, bài toán tăng trưởng dựa vào tiêu dùng trong nước phải giải quyết cơ bản các vấn đề về dịch vụ công với chất lượng tốt, đảm bảo tính ổn định, an sinh xã hội tốt.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong: Tăng trưởng GDP mang lại lợi ích cho người nghèo ngày càng ít đi! - Ảnh 3.

Ông Tùng cũng cho biết ngoài chỉ tiêu GDP, Chính phủ cần quan tâm đặc biệt đến việc làm. “Ở Mỹ, khi Chính phủ công bố có bao nhiêu việc làm mới được tạo ra, thị trường chứng khoán phản ứng ngay lập tức vì họ biết nền kinh tế lúc đấy đang như thế nào”, ông nói.

Vì vậy, ở Việt Nam cũng cần công bố tỷ lệ này, nhưng không phải tỷ lệ chung (bao gồm cả khu vực phi chính thức) mà là tỷ lệ những người có việc làm trong khu vực chính thức, được ILO định nghĩa là có hợp đồng dài hạn, được đóng BHXH cũng như có các chính sách an sinh. Hiện tỷ lệ người có việc làm trong khu vực chính thức của Việt Nam rất thấp, chỉ chiếm 30%, 70% còn lại là phi chính thức. Tỷ trọng này thực tế đã không thay đổi trong nhiều năm qua.

“Chính phủ cần quan tâm tới việc chuyển dịch lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức”, ông Tùng nhấn mạnh.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong trên 5.008 người ở 10 tỉnh thành trên cả nước cho biết người Việt tỏ ra khá lạc quan về tình hình kinh tế. Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy người dân Việt Nam đã đặt ưu tiên về môi trường lên trên kinh tế. Cụ thể, hơn 78% số người được hỏi ưu tiên bảo vệ môi trường ngay cả khi nó làm chậm tiến trình kinh tế phát triển.

Theo Phương Ánh

Cùng chuyên mục
XEM