Việc lương cao không nuôi kẻ thích nhàn hạ, sinh viên mà không có chí tiến thủ đừng mong tương lai tươi sáng!

29/08/2019 08:15 AM | Sống

Việc làm thì ít nhưng người thì đông, thời buổi kinh tế 4.0 mà sinh viên còn không cố gắng nhanh nhạy tìm kiếm cơ hội thì đừng bao giờ than thở, tại sao bản thân mình luôn không bằng người khác!

Tuấn năm nay 23 tuổi, tốt nghiệp ra trường được hơn một năm. Hiện tại vẫn chưa bắt đầu đi làm ở đâu, cậu có thử một vài nơi nhưng làm dăm ba bữa, nửa tháng lại nghỉ. Tình trạng bây giờ của cậu là thất học và thất nghiệp. Thời gian này, bạn bè hay rủ Tuấn đi chơi bài, lô đề, ra quán chè uống nước tối ngày. Bố mẹ nhìn vào ngao ngán, những người bạn có chí, công việc đàng hoàng ổn định thì dần dần tách ra, không giao du cùng nữa. Ở tuổi 23, Tuấn sống như một người đang ở những năm tháng xế chiều của cuộc đời. Tuấn là đại diện tiêu biểu của một bộ phận người trẻ Việt Nam hiện nay: Sinh viên đã ra trường, thất nghiệp, tệ hơn nữa là mất phương hướng, có nguy cơ rẽ vào những con đường sa ngã.

 Việc lương cao không nuôi kẻ thích nhàn hạ, sinh viên mà không có chí tiến thủ đừng mong tương lai tươi sáng!  - Ảnh 1.

Nhiều người sẽ đổ lỗi cho hoàn cảnh, nhưng thật ra nguyên nhân lại xuất phát từ chính bản thân mình. Sinh viên cần phải nhìn nhận một cách thực tế thì mới có phương án giải quyết cho vấn đề này. Ba lý do có thể kể đến như sau:

1. Thấy không cần:

Nhiều người trẻ hiện giờ vẫn sống cùng với bố mẹ, ở nhà bố mẹ không mất tiền thuê nhà cửa, xe bố mẹ mua cho, lại ăn cơm bố mẹ nấu không mất tiền lo toan. Nên họ sẽ không cảm thấy cần thiết phải đi làm kiếm sống.

2. Thấy không thích:

Có nhiều người làm được một thời gian thì nghỉ việc. Có người lại tìm mãi không được công việc nào như ý. Bởi họ cảm thấy việc văn phòng thì nhàm chán, lương thấp, không có cơ hội thăng tiến hoặc đồng nghiệp làm cùng tự dưng nghỉ làm mình cũng muốn nghỉ theo,...

Còn đối với việc chân tay thì xã hội Việt Nam vẫn còn rất khắt khe với chuyện lao động chân tay hay trí óc. Dẫu vẫn biết công việc nào cũng đều cao quý và không công việc nào đáng bị coi thường, nhưng công việc chân tay đối với người Việt nói chung vẫn là công việc "thấp kém". Vậy nên ai đã ra trường, có bằng đại học rồi sẽ càng không muốn đi làm những công việc này. Bởi họ sợ người ngoài nhìn vào sẽ đánh giá, "tại sao có bằng cấp mà vẫn đi làm những công việc này?"

3. Thấy không muốn:

Không ai muốn phải đầu tư thời gian, công sức vào một thứ mình không cần và không thích làm. Họ càng không muốn từ bỏ sự tự do thoải mái mà bản thân đang có để đổi lấy sự gò bó và ràng buộc trong công việc. Hơn nữa những ai đã quá lâu chưa đi làm sẽ bị bản tính lười biếng chi phối. Sức ì lớn, lại không có động lực nên nhiều người vẫn cứ ngày một trượt dài.

Cách giải quyết triệt để vấn đề này nằm ở chính bản thân mỗi người. Không ai có thể thay đổi những điều đã xảy ra. Nếu như sinh viên từ khi còn đi học ở trong trường đã biết suy nghĩ, tích cực đi làm thêm và trau dồi, mở rộng quan hệ và hiểu biết thì sau khi ra trường họ sẽ có nhiều lựa chọn. Tuy vậy, đối với những trường hợp đã ra trường cũng chưa muộn để thay đổi được chính mình.

 Việc lương cao không nuôi kẻ thích nhàn hạ, sinh viên mà không có chí tiến thủ đừng mong tương lai tươi sáng!  - Ảnh 2.

Thứ nhất cần phải thay đổi suy nghĩ thụ động, dựa dẫm vào bố mẹ hay người thân. "Nhàn cư sinh bất thiện". Một người trưởng thành có đầy đủ tay chân, sức khỏe và thể lực thì phải có trách nhiệm tự lo được cho chính mình. Không nên thấy mình đã có nhà cửa, xe cộ rồi thì nghĩ là không cần phấn đấu. Hơn nữa đi làm cũng là một cách để mở mang đầu óc, tiếp xúc với những con người khác nhau và học hỏi được nhiều hơn.

Thứ hai cần phải hiểu tại sao mình không thể tìm được việc mình thích. Căn bản cần phải hiểu vốn dĩ không có công việc nào là thoải mái, nhẹ nhàng. Bất kể lao động chân tay hay trí óc cũng đều có hai mặt. Nếu một người chưa bao giờ từng đi làm công việc chân tay, họ sẽ không hiểu được những vất vả của bao nhiêu con người đang chật vật ngoài kia, từ đó có thể sẽ sinh ra bản tính không biết cảm thông, coi thường người khác. Nếu một người chưa từng đi làm việc trí óc, não bộ của họ sẽ không phát triển được khả năng suy nghĩ và sáng tạo, từ đó dẫn đến hạn chế trong cách suy nghĩ và đưa ra lựa chọn trong cuộc sống.

 Việc lương cao không nuôi kẻ thích nhàn hạ, sinh viên mà không có chí tiến thủ đừng mong tương lai tươi sáng!  - Ảnh 3.

Dù là làm công việc gì, thì mỗi người cũng đều phải hi sinh một sự thoải mái nhất định của bản thân để hoàn thành. Công việc nào cũng cao quý, chừng nào người làm nó còn tự làm bằng chính đôi bàn tay của mình. Cho nên một công việc mà mình thích không phải là một công việc dễ dàng, nhẹ nhàng mà là một công việc mình cảm thấy ổn với việc chịu khổ, chịu khó cho nó, mình chấp nhận đánh đổi để làm nó và hài lòng sau khi đã có thành quả.

Ngoài ra, nếu không bắt tay vào làm một việc gì cả thì chắc chắn sẽ không bao giờ tìm được việc mình muốn làm. Giống như việc muốn lái xe từ Hà Nội vào Sài Gòn, không cần biết lái bao nhiêu ngày mới tới nhưng nếu chưa nổ máy thì chắc chắn sẽ không bao giờ tới.

Thứ ba, người xưa vẫn có câu "chọn bạn mà chơi". Nếu một người đã hiểu được mình cần phải đi làm để không phụ thuộc vào người khác, để không trở thành gánh nặng cho người thân và gia đình thì cần phải biết điều chỉnh những mối quan hệ xung quanh. Nhìn nhận lại những người bạn. Không nên dành quá nhiều thời gian cho những người cũng đang không có việc làm, chỉ dành thời gian chè chén đàm tiếu, hoặc cờ bạc rượu bia. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Hãy tìm tới những người có chí hướng, biết phấn đấu và ở quanh họ để học hỏi được nhiều điều có ích.

Phụ huynh cũng cần phải đẩy con cái ra ngoài đường, để mặc con tự sinh sống và bươn trải. Có vậy mới dạy chúng biết có trách nhiệm với cuộc đời mình. Có khó khăn thì giúp đỡ, thấy lạc đường thì chỉ bảo, dẫn dắt nhưng không được quá bao bọc và chở che mà vô tình tạo ra những đứa trẻ to xác mãi không thể trưởng thành.

Theo Nano Kwon

Cùng chuyên mục
XEM