Dùng thư chào việc từ công ty khác để gây áp lực tăng lương? Lợi bất cập hại

31/03/2015 08:58 AM | Nghề nghiệp

Dùng thư chào việc (Offer Letter ) từ công ty mới để gây áp lực với công ty hiện tại và đòi tăng lương là “chiêu” mà nhiều người đã áp dụng. Đã có trường hợp thành công nhưng không ít người thất bại.

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thật

Thất bại dễ thấy là khi bạn đưa thư chào việc mới cho nhân sự, sau thời gian bàn bạc với sếp trực tiếp, cả hai nhanh chóng gật đầu đồng ý … mời bạn ra đi. Không phải tự dưng mà tôi khẳng định khả năng này là cao. Một giám đốc nhân sự công ty uy tín mà tôi quen biết chia sẻ rằng tỉ lệ chị phải gởi Thư chào đối ứng ( Counteroffer – Thư gởi cho nhân viên đang có ý định nghỉ việc để giữ họ lại với mức lương và gói phúc lợi cao hơn hiện tại) cho nhân viên công ty năm qua chỉ ở mức 2%. Dĩ nhiên tỉ lệ này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng nhìn chung là không cao như mong đợi của nhân viên.

Điểm trừ cho những ngôi sao sáng

Bạn có thể là người thận trọng hơn khi làm bài toán đánh giá vị thế của mình so với công ty. Bạn biết mình là ngôi sao sáng hay đang đảm trách vị trí mà công ty khó kiếm người thay thế nên dùng thư mời việc mới để ra yêu sách. Quả thật đây là sẽ là thách thức rất lớn cho công ty hiện tại.

Cuối cùng, điều bạn mong muốn cũng đến. Bạn được xem xét tăng lương, áp dụng chính sách đãi ngộ hợp lý hơn với một thư chào đối ứng khá hấp dẫn. Thế là bạn đã thành công và an tâm ở lại làm việc với những điều kiện đã được thỏa mãn. Tuy nhiên phần lớn các giám đốc nhân sự cho biết dù giữ bạn lại nhưng họ không đánh giá cao bạn. Đồng thời, việc làm trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn của sếp về bạn, ít nhiều tạo thêm khó khăn cho công việc sau này của bạn.

Tăng lương bền vững

Nhiều bạn chia sẻ với tôi, sở dĩ họ áp dụng “chiêu” này vì thấy rằng công ty hiện tại vẫn là nơi làm việc lý tưởng . Họ muốn tiếp tục đóng góp cho công ty nhưng có lẽ mức lương chưa thỏa đáng khiến họ chọn cách thức này như một hình thức yêu cầu tăng lương gián tiếp. Nhiều công ty không chấp nhận vì hậu quả của điều này sẽ mang tính hệ thống như phá vỡ cấu trúc lương của tổ chức.

Mỗi công ty luôn có một quy trình thăng chức, tăng lương rõ ràng và minh bạch. Vậy tại sao bạn không tiếp tục phấn đấu và vui vẻ tận hưởng niềm đam mê với công việc hiện tại? Tôi tin với những thành tích xuất sắc và thái độ tích cực, bạn sẽ nhận được sự đánh giá cao từ sếp. Khi đó, cơ hội thăng tiến ở trong tầm tay, thành công hơn nữa khi bạn thật sự cảm thấy hạnh phúc và tự hào bởi nỗ lực của mình đã được tưởng thưởng xứng đáng.

>> Sau Tết, lại nhảy việc

Thanh Nguyễn - CEO Anphabe

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM