Công nghệ tưới nhỏ giọt ở Israel và vấn đề tăng lương tối thiểu ở Việt Nam

03/09/2015 14:02 PM | Nghề nghiệp

Cây của Israel được đối xử khoa học hơn người lao động Việt Nam.

Thoạt nghe thì dường như hai vấn đề trên không liên quan đến nhau nhưng quan sát thấy sự tranh cãi về việc tăng mức lương tối thiểu ở Việt Nam giữa Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (đại diện lợi ích cho người lao động), VCCI Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (đại diện lợi ích cho giới doanh nghiệp), Hội đồng lương quốc gia trong thời gian qua về việc xác định mức tăng lương tối thiểu thế nào là hợp lý thì cũng gợi ra một vài suy ngẫm.

16,8% là con số tăng mà Tổng liên đoàn lao động kiên quyết đưa ra. Hiệp hội doanh nghiệp đề ra mức 6 đến 7%. Trong khi đó VCCI đề ra mức trung dung ở giữa tầm 10%. Vậy trong 3 phương án trung, thượng, hạ sách này thì phương án nào sẽ được chọn và căn cứ vào đâu?

Mỗi đại diện lợi ích sẽ cố gắng bảo vệ ích lợi của mình căn cứ vào các lập luận và một số bằng chứng cụ thể về cuộc sống khó khăn nghèo khổ của công nhân hoặc tình trạng làm ăn bết bát của một số doanh nghiệp không trụ được khi tăng lương. Các biến số vĩ mô như lạm phát, lãi suất v.v. cũng được đưa vào để bảo vệ các quan điểm về tăng lương.

Nếu ngày 3/9 tới đây, Hội đồng tiền lương đưa ra biểu quyết và ấn định lựa chọn 1 con số cụ thể theo đa số biểu quyết thì việc này thể hiện một tư duy cào bằng, đánh đồng, phi biện chứng và phi cá nhân hóa. Một mức áp dụng sẽ phù hợp với người này, doanh nghiệp này nhưng sẽ không phù hợp thậm chí là gánh nặng với người khác, doanh nghiệp khác. Vây đâu là bài toán tối ưu?

Nhìn sang đất nước Israel, cụ thể là nền nông nghiệp nước này, chúng ta không lạ về công nghệ tưới nhỏ giọt đang được ứng dụng trên tất cả cây trồng. Chất dinh dưỡng theo các ống dẫn nước tới từng gốc cây, gốc rau và được tưới bón nhỏ giọt tùy theo từng loại cây củ quả bởi một phần mềm điều khiển tự động sau khi đã nạp đủ thông tin về độ ẩm không khí, đất đai, tuổi và nhu cầu tăng trưởng của từng loại cây. Hệ thống này tự động đóng mở van khi độ ẩm của rễ cây đạt tới mức nhất định thông qua các cảm biến điện tử.

Điều đó có nghĩa là nếu coi mỗi người lao động, mỗi doanh nghiệp là 1 cái cây thì dĩ nhiên mức độ phát triển và nhu cầu về dinh dưỡng, nước là khác nhau. Việc cung cấp lượng nước, dinh dưỡng phù hợp là tối ưu nhất dựa trên thông tin và sự hiểu biết cụ thể thay vì chúng ta đổ ào một lượng nước quá lớn hoặc quá nhỏ để tưới lên cả một khu vườn rộng lớn. Việc tưới cây theo phương cách lạc hậu sẽ khiến cho một số cây bị ngập úng hoặc một số cây bị hạn.

Tư duy tưới cây này cũng tương tự như tư duy giáo dục mang tính cá nhân hóa thay vì giáo dục theo kiểu đồng loạt khuôn mẫu nhằm tạo một một hệ thống các con người giống nhau và kém tính sáng tạo. Cây của Israel được đối xử khoa học hơn người lao động Việt Nam.

Quay trở lại với vấn đề tăng lương.

Trước hết, phải xác định rõ là cần và bắt buộc phải tăng lương tối thiểu. Nhưng mức tăng cho từng doanh nghiệp, từng vùng miền, từng cá nhân sẽ là khác nhau. Chúng ta cần mạnh dạn thay đổi tư duy đổ đồng cá mè một lứa vì về bản chất lương là sự thỏa thuận riêng biệt giữa doanh nghiệp và cá nhân lao động dựa trên năng lực và tình hình doanh nghiệp.

Hội đồng tiền lương chỉ cần đề ra một dải tăng lương. Chẳng hạn, từ 6% đến 17%, theo đó, mức 6% là mức mọi doanh nghiệp phải thực hiện và sau đó, tùy theo tình hình về mức sống của từng vùng miền và tình trạng tài chính của từng doanh nghiệp mà công đoàn cơ sở thỏa thuận đàm phán với doanh nghiệp về các mức tăng hợp lý nhất cho mình.

Muốn thực hiên được điều này, công đoàn cơ sở sẽ phải phát huy sức mạnh để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Đồng thời doanh nghiệp cũng phải công khai về tính hình hoạt động kinh doanh để bảo vệ các quyết định về lương của mình. Dĩ nhiên, không doanh nghiệp nào lại muốn liên tục công khai tình hình kinh doanh kém để lấy đó làm lý do trì hoãn việc tăng lương.

Mục tiêu của việc đàm phán là để doanh nghiệp phát triển tốt hơn và người lao động có thu nhập cao hơn. Và tốt hơn hết đó là lương của người lao động ngày càng tăng, thúc đẩy động cơ làm việc cống hiến cho doanh nghiệp ngày càng phát triển.

(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)

Minh Thanh

Cùng chuyên mục
XEM