Vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng thế giới nhìn từ chiếc áo của Cristiano Ronaldo

11/09/2021 09:07 AM | Kinh doanh

Thu về 60 triệu USD từ việc bán áo đấu của Cristiano Ronaldo, nhưng Manchester United phải thông báo dời ngày giao hàng đến vài tháng vì nhà sản xuất Adidas đang phải tạm đóng cửa nhà máy ở Việt Nam. Có người nói đùa rằng, Việt Nam đã khiến MU không đủ áo Ronaldo để bán…

Nike, Adidas và vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng

Thương hiệu quốc tế Adidas đang gặp khó khăn trong sản xuất do Việt Nam chiếm gần 30% sản lượng toàn cầu của họ. Người hâm mộ Manchester United đặt mua áo Adidas với chữ ký của Cristiano Ronaldo sẽ phải đợi thêm vài tháng mới nhận được hàng, báo cáo Vietnam At A Glance của HSBC cho biết.

Vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng thế giới nhìn từ chiếc áo của Cristiano Ronaldo - Ảnh 1.

Ảnh: Manutd.

Doanh thu từ việc bán áo đấu số 7 của Cristiano Ronaldo đã lập kỷ lục Premier League. Foxsports dẫn dữ liệu từ LovetheSales.com cho biết, 12h sau khi áo đấu của Cristiano Ronaldo phát hành, fan đã bỏ ra tổng cộng 32,5 triệu bảng (khoảng 60 triệu USD) để mua áo đấu của anh. 

Tuy nhiên, chia sẻ với Independent, Manchester United (MU) cho biết CLB này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt áo thi đấu phiên bản dành cho cổ động viên. Trang chủ của MU thông báo không thể giao các đơn hàng online trước ngày 1/10, bởi đơn vị sản xuất Adidas phải đóng cửa nhà máy tại Việt Nam – thị trường chiếm gần 30% sản lượng toàn cầu của gã khổng lồ sản xuất đồ thể thao này.

Vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng thế giới nhìn từ chiếc áo của Cristiano Ronaldo - Ảnh 2.

Tình trạng tương tự cũng xảy đến với Nike - một ví dụ điển hình khác cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 88 trong tổng số 112 nhà máy của Nike tại Việt Nam đều nằm ở miền Đông Nam Bộ, chịu trách nhiệm sản xuất 50% sản phẩm giày dép mang nhãn hiệu Nike.

Thị phần của ngành da giày Việt Nam trên thế giới đang chiếm 15%, tăng gấp đôi trong vòng 10 năm trở lại đây bất chấp vị thế thống lĩnh của Trung Quốc đại lục với 30% thị phần. Khi Covid ập tới, chuỗi cung ứng của ngành da giày và dệt may gặp khó vì khu vực Đông Nam bộ Việt Nam vốn là một đầu mối gia công quan trọng của thế giới.

Với ngành dệt may, Việt Nam cũng nằm trong nhóm quốc gia sản xuất hàng dệt may lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc đại lục và Bangladesh. Những đợt gián đoạn cung ứng nặng nề sẽ có thể tác động mạnh đến người tiêu dùng tại Mỹ, chỉ riêng nước này đã chiếm gần một nửa lượng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam.

Vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng thế giới nhìn từ chiếc áo của Cristiano Ronaldo - Ảnh 3.

"Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hơn 30% nhà máy dệt may đã phải đóng cửa. Không quá ngạc nhiên khi hai ngành này là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu tháng 8 giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái", báo cáo của HSBC cho biết.

Cùng sản xuất tại Việt Nam, vì đâu Nike, Adidas gặp khó khăn, mà Samsung vẫn tăng xuất khẩu điện thoại?

Số liệu thống kê cho thấy: Xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử giảm 12% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng xuất khẩu điện thoại lại duy trì ổn định đáng ngạc nhiên với mức tăng trưởng 11% so với cùng kỳ, bất chấp những khó khăn do biến chủng Delta gây ra.

"Kết quả này thoạt trông có vẻ không bình thường nhưng nguyên nhân sâu xa chính là sự phân bố về địa lý của các cụm công nghiệp điện tử", báo cáo HSBC cho biết.

Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian tới

Samsung, nhà đầu tư độc lập lớn nhất Việt Nam, sản xuất điện thoại thông minh tại hai nhà máy nằm ở miền Bắc, một ở Bắc Ninh và một ở Thái Nguyên. Sau đợt bùng dịch biến chủng Delta đầu tiên xảy ra ở miền Bắc vào tháng 5, các khu công nghiệp đã dần lấy lại hoạt động như bình thường. Thậm chí, cứ điểm Thái Nguyên còn nằm trong số 10 tỉnh thành không có ca nhiễm COVID-19 mới trong vòng 14 ngày vừa qua.

Trong khi đó, nhà máy của Samsung tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn là nơi sản xuất đồ gia dụng điện tử lại chịu ảnh hưởng nặng nề. Mặc dù đã sắp xếp mô hình "3 tại chỗ" cho công nhân, nhà máy vẫn chỉ hoạt động được 30-40% công suất, theo Sammobile.

"Bất chấp những thách thức có thể xảy ra, theo quan điểm của chúng tôi, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian tới", các chuyên gia của HSBC cho biết.

"Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do COVID-19. Cụ thể, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã bắt đầu hành động. Samsung chuẩn bị mở rộng nhà máy điện thoại trong 6 tháng cuối năm nay nhằm tăng sản lượng điện thoại màn hình gập 47% lên 25 triệu chiếc. Trong khi đó, LG Display cũng vừa được duyệt một khoản đầu tư bổ sung 1,4 tỷ USD cho nhà máy ở Hải Phòng để tăng sản lượng màn hình OLED mỗi tháng từ 9,6-10 triệu lên 13-14 triệu đơn vị".

Với việc Việt Nam thay đổi chiến lược đối phó với dịch bệnh COVID-19 khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu xây dựng kế hoạch phục hồi để "sống chung với COVID-19, HSBC cho rằng kịch bản này phụ thuộc phần nhiều vào khả năng đạt được tỷ lệ phủ vaccine rộng, vì vậy trọng tâm ưu tiên với các nhà làm chính sách bây giờ chính là đảm bảo nguồn cung vaccine phải đa dạng và tăng tiến độ triển khai tiêm phòng.

"Đặc biệt, việc triển khai tiêm mũi 2 cho người dân hết sức quan trọng vì hiện nay mới chỉ 3% dân số Việt Nam tiêm đủ 2 mũi".

"Điều đáng lạc quan là Việt Nam kỳ vọng gia tăng được những cam kết về vaccine trong Quý 4. Dựa trên thông tin báo chí và thông báo chính thức, chúng tôi ước tính Việt Nam sẽ có tổng cộng 112 triệu liều vào cuối năm 2021, đủ để tiêm 2 mũi cho hơn 56% dân số. Càng nhanh chóng tiêm đủ cho ít nhất 70% dân số (có thể đạt được vào Quý 2/2022), Việt Nam càng sớm mở cửa biên giới chào đón số đông du khách và nhà đầu tư nước ngoài", HSBC nhận định.

Vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng thế giới nhìn từ chiếc áo của Cristiano Ronaldo - Ảnh 5.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM