Vì sao "uống thuốc diệt cỏ" lại là chuyện sốc với nhiều người đến vậy?

25/04/2017 15:58 PM | Xã hội

Trên thực tế, thuốc diệt cỏ có dễ uống như vậy không và trên thế giới có nhiều loại thuốc có thể uống như trên không?

Ngày 21/4 mới đây, hội thảo “Quản lý dịch hại tổng hợp cây trồng theo hướng hữu cơ sinh học trong phát triển nông nghiệp xanh” đã chứng kiến một màn biểu diễn gây sốc khi Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty TNHH XNK công nghệ Cát Tường, bà Phùng Thị Hưng uống nguyên 1 chai sản phẩm thuốc diệt cỏ của công ty bà.

Vậy trên thực tế, thuốc diệt cỏ có dễ uống như vậy không và trên thế giới có nhiều loại thuốc có thể uống như trên không?

Phát minh cho chiến tranh

Thuốc diệt cỏ là loại hóa chất được tổng hợp nhằm ức chế hoặc kiểm soát sự phát triển của một loại cây cỏ nhất định mà không làm ảnh hưởng đến cây trồng chính. Trên thị trường hiện nay có 2 loại thuốc diệt cỏ chính là dòng thuốc nhân tạo và dòng hữu cơ.

Dòng nhân tạo được chiết xuất trong phòng thí nghiệm nhằm tạo nên các hormone tương tự của thực vật ngoài tự nhiên, qua đó tác động đến khả năng sinh trưởng của 1 hay nhiều loại cây cỏ. Trong khi đó dòng hữu cơ được phối trộn từ những nguyên liệu tự nhiên, ít độc hại hơn nhưng cũng kém hiệu quả hơn.

Ngoài ra, một số loài thực vật tự nhiên hiện nay như cây óc chó cũng có thể chiết xuất chất diệt cỏ tự nhiên cho mình. Tuy nhiên, phần lớn thuốc diệt cỏ hiện nay được dùng cho các cây lương thực, công nghiệp được trồng rộng rãi.

Năm 2007, khoảng 83% thuốc diệt cỏ tại Mỹ được dùng cho nông nghiệp. Cùng năm, thế giới tốn khoảng 39,4 tỷ USD cho các loại thuốc trừ dịch hại, trong đó thuốc diệt cỏ chiếm 40% doanh số, tiếp theo đó là thuốc trừ sâu và các loại hóa chất khác.

Có một sự thật thú vị là dù ngành hóa học đã đạt được rất nhiều tiến bộ đầu thế kỷ 20 nhưng thuốc diệt cỏ chỉ được liên minh Anh-Mỹ phát hiện ra trong Thế chiến thứ II với mục địch ban đầu là vũ khí hóa học.

Vào khoảng đầu thập niên 1940, loại thuốc diệt cỏ đầu tiên “2,4-D” được phát minh thành công trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên phải mãi đến tận năm 1946, thuốc diệt cỏ mới được quảng bá thương mại rộng rãi, qua đó kích thích một cuộc cách mạng mới trong ngành nông nghiệp.

Dẫu vậy, việc lạm dụng thuốc diệt cỏ bị các nhà nghiên cứu và bảo vệ môi trường kịch liệt phản đối khi cho rằng chúng phá hoại môi trường cũng như để lại nhiều tác động khôn lường. Trong chiến tranh, rất nhiều nạn nhân chất độc màu da cam đã bị ảnh hưởng di truyền cho thế hệ sau.

Nhiều báo cáo khoa học cũng chỉ ra rằng việc sử dụng hóa chất diệt cỏ khiến môi trường sống của cây trồng, vật nuôi bị đầu độc dần và gây ra những biến dị. Một nghiên cứu tại Anh chỉ ra rằng việc sử dụng thuốc diệt có có liên quan gián tiếp đến suy giảm số lượng loài chim, ếch ở đây khi các chú chim ăn những hạt giống có chứa thuốc diệt cỏ và những chú ếch bị nhiễm chất diệt cỏ qua nguồn nước.

Mặc dù có nhiều hiện tượng chỉ ra mối liên quan giữa thuốc diệt cỏ với nhiều loại bệnh và tác hại nhưng do nhu cầu sử dụng trong nông nghiệp cũng như các tác động của những tập đoàn sản xuất hóa chất nông nghiệp lớn như Monsanto mà hiện chưa có một báo cáo chính thức nào cho thấy thuốc diệt cỏ có hại. Vào năm 1995, một nhóm các nhà khoa học đã nghiên cứu tác động của loại thuốc diệt cỏ 2,4-D liên quan đến ung thư và ý kiến đưa ra của mỗi người khá khác nhau.

Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc diệt cỏ khiến cỏ dại bắt đầu có hiện tượng kháng thuốc. Nhiều loài cỏ bắt đầu phát triển những cơ chế chống lại các hormone từ thuốc diệt cỏ khiến nhà sản xuất phải phát minh ra những loại thuốc nặng hơn.

Khảo sát năm 2009 tại bang Missouri cho thấy 69% cỏ dại tại các trang trại rau dền chống lại thuốc diệt cỏ truyền thống và tỷ lệ này là 64% vào năm 2012 tại bang Iowa. Khảo sát tại Missouri cũng cho thấy có 43% mẫu cỏ dại tại đây kháng 2 loại thuốc diệt cỏ, 6% kháng 3 loại và 0,5% kháng 4 loại. Trong khi đó, kết quả tại Iowa cho thấy 89% cây cỏ kháng 2 loại thuốc, 25% kháng 3 loại và 10% kháng 5 loại thuốc diệt cỏ.

Thuốc diệt cỏ hữu cơ

Ngày nay, rất nhiều trang trại bắt đầu chuyển sự chú ý sang những loại thuốc diệt cỏ hữu cơ nhằm bảo vệ môi trường sống cũng như giảm các tác hại kèm theo về sức khỏe không đáng có.

Thuốc diệt cỏ hữu cơ có một đặc điểm là tan rất nhanh trong môi trường chứ không lưu lại quá lâu trong đất cũng như thực vật như của thuốc diệt cỏ nhân tạo. Tuy nhiên, do không được điều chế đặc trị nên loại thuốc này có hiệu quả kém hơn hoặc chỉ mang tính nhất thời và bị chi phối rất nhiều vào điều kiện thời tiết.

Đây là lý do khiến những trang trại sử dụng thuốc diệt cỏ hữu cơ có năng suất kém hơn các trang trại dùng thuốc diệt cỏ nhân tạo.

Những loại thuốc diệt cỏ hữu cơ mà các nông dân thường hay sử dụng là nước muối, dấm... Tuy vậy, gần đây những loại thuốc diệt cỏ hữu cơ được pha chế từ thảo dược hay có nguồn gốc tự nhiên cũng đang dẫn được sử dụng đại trà. Ưu điểm của những loại thuốc này là có tác dụng hiệu quả hơn cũng như không gây hại cho môi trường, nhưng chúng vẫn chưa thể so sánh với các loại thuốc nhân tạo.

Thêm vào đó, chất lượng của các loại thuốc này vẫn còn là một dấu hỏi khi được pha trộn không theo một tiêu chuẩn hay hệ thống nhất định nào, khác với việc tổng hợp nhân tạo của các loại thuốc diệt cỏ truyền thống.

Vì vậy, việc sử dụng loại thuốc nào, hữu cơ hay nhân tạo phụ thuộc vào nhu cầu của từng trang trại bởi mỗi loại có ưu nhược điểm riêng. Tuy nhiên, ngay cả những loại thuốc diệt cỏ hữu cơ dù được quảng bá là an toàn cho người sử dụng cũng không khuyến khích người dân uống trực tiếp bởi chúng dù ít hay nhiều cũng có hại cho cơ thể.

Như vậy, có thể nói trường hợp uống trực tiếp thuốc diệt cỏ như của Chủ tịch Phùng Thị Hưng khiến giới truyền thông kinh ngạc bởi tính hiếm có của nó. Tuy nhiên, liệu chất lượng diệt cỏ của loại sản phẩm này có đáp ứng được nhu cầu thị trường hay không thì vẫn cần chờ kết quả.

BT

Cùng chuyên mục
XEM