Vì sao Trung Quốc khó 'cai nghiện' nhiệt điện than ?

03/01/2020 10:43 AM | Xã hội

Báo cáo của Global Energy Monitor (GEM) cho thấy từ cuối năm 2018, sản lượng nhiệt điện than xây mới của Trung Quốc đã cao hơn tổng số trên toàn thế giới cộng lại. Đó là chưa kể đến hàng loạt nhà máy nhiệt điện than được Trung Quốc đầu tư xây dựng ở Nam Phi, Pakistan, Bangladesh… Hiện Trung Quốc đang đầu tư tới ¼ tổng số nhà máy nhiệt điện than mới trên toàn cầu.

Năm 2016, Hiệp định Paris về khí hậu được ký kết và các nhà hoạt động môi trường tung hô những lãnh đạo thế giới về quyết định trên. Thế nhưng 3 năm đã trôi qua và bản hiệp định này gần như trở thành đống giấy lộn khi các quốc gia còn đang bận thúc đẩy tăng trưởng chứ chả có nhiều động thái giữ gìn môi trường như đã cam kết.

Rất nhiều nước trên thế giới gặp khó khăn trong việc giữ mức khí thải nhà kính dưới hạn định đã cam kết, trong khi những cường quốc như Mỹ thì thẳng thừng cho biết sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về khí hậu. Trong khi nhiều thành phố trên thế giới lâm vào cảnh ngập lụt do mực nước dâng thì hàng loạt vụ cháy rừng, hạn hán khiến con người ngày càng khó sống trên trái đất hơn.

Vì sao Trung Quốc khó cai nghiện nhiệt điện than ? - Ảnh 1.

Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra ở Trung Quốc, nền kinh tế thứ 2 thế giới đang tập trung giải quyết các khó khăn về tăng trưởng mà chẳng có nhiều biện pháp cho môi trường. Bất chấp nạn ô nhiễm không khí nặng nề, Trung Quốc vẫn đang tiêu thụ ngày càng nhiều than bởi loại nhiên liệu này rẻ, sẵn có và đã được người tiêu dùng nước này quen sử dụng.

"Đã có giai đoạn Trung Quốc dường như muốn từ bỏ nhiên liệu than nhưng cuối cùng thì chúng vẫn chiếm tỷ lệ quan trọng trong nền kinh tế nước này", Giám đốc Christine Shearer của chương trình giảm nhiên liệu than thuộc Global Energy Monitor nói.

Theo Hiệp định Paris về môi trường, Trung Quốc sẽ cần giảm 40% sản lượng nhiệt điện chạy bằng than trong 10 năm tới nhưng điều này không hề khả thi. Hiện nước này có 1.000 Gigawatt (GW) điện năng chạy bằng than và đang xây thêm 147 Gigawatt nhà máy nhiệt điện than. Con số này còn lớn hơn 50% tổng số nhiệt điện than đang xây trên toàn thế giới cộng lại.

"Cân" cả thế giới

Báo cáo của Global Energy Monitor (GEM) cho thấy từ cuối năm 2018, sản lượng nhiệt điện than xây mới của Trung Quốc đã cao hơn tổng số trên toàn thế giới cộng lại. Đó là chưa kể đến hàng loạt nhà máy nhiệt điện than được Trung Quốc đầu tư xây dựng ở Nam Phi, Pakistan, Bangladesh… Hiện Trung Quốc đang đầu tư tới ¼ tổng số nhà máy nhiệt điện than mới trên toàn cầu.

Theo GEM, chiến tranh thương mại và áp lực tăng trưởng kinh tế đang khiến Trung Quốc khát nhiên liệu, trong khi họ lại không có nhiều dầu mỏ và than đá trở thành một trong những lựa chọn tối ưu bởi chúng có sẵn và rẻ. Nếu tính cả những dự án nhiệt điện than nước ngoài mà Trung Quốc đầu tư, nước này đang thực hiện hơn 50% tổng số nhà máy nhiệt điện than mới trên toàn cầu.

Vì sao Trung Quốc khó cai nghiện nhiệt điện than ? - Ảnh 2.

Hiện tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được đánh giá là chậm nhất trong vòng 30 năm qua và cuộc chiến thương mại với Mỹ vẫn chưa có hồi kết. Bởi vậy chính quyền Bắc Kinh đã phải điều chỉnh mục tiêu bảo vệ môi trường trong năm 2020 sau quãng thời gian cấm các dự án nhiệt điện than và mỏ than tự phát bất thành.

Trong 3 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc đã cấp phép mới cho 40 mỏ khai thác than mới với sản lượng gần 200 triệu tấn/năm, cao hơn nhiều so với mức 25 triệu tấn cùng kỳ năm 2018.

Mặc dù chính quyền Bắc Kinh muốn cắt giảm những nhà máy nhiệt điện than cũ và mỏ than tự phát nguy hiểm nhưng theo giới truyền thông, chúng chẳng là gì so với tốc độ xây mới hiện nay. Vào tháng 10/2019, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã hối thúc các quan chức hướng tới ngành khai thác than và nhiệt điện than sạch. Điều này khác hẳn với mục tiêu hạn chế khí thải nhà kính cũng như nhiên liệu hóa thạch trước đây mà chính phủ đề ra.

Theo các chuyên gia, mục tiêu giảm khai thác và sử dụng các nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường như than sẽ không còn nằm trong kế hoạch 5 năm 2021-2025 nữa do không khả thi. Trước đó, Trung Quốc đã cắt giảm 45,8% mục tiêu tăng trưởng CO2 trên mỗi đơn vị tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2015-2018 khi vượt mức giới hạn vào năm 2016. Theo nhiều dự đoán, mức khí thải CO2 của nước này sẽ đạt đỉnh 2022 và phá vỡ rất nhiều giới hạn mục tiêu về môi trường đã từng đề ra.

Hiện nay, tại nhiều vùng như Shanxi của Trung Quốc, ngành than vẫn chiếm tới hơn 50% tổng số việc làm và 80% nguồn năng lượng cho cả vùng. Bởi vậy việc ngừng hoặc giới hạn khai thác than là điều vô cùng khó nếu Trung Quốc còn muốn giữ tốc độ tăng trưởng.

Vì sao Trung Quốc khó cai nghiện nhiệt điện than ? - Ảnh 3.

Số liệu của Viện nghiên cứu quốc gia SGC cho thấy Trung Quốc sẽ cần thêm 1.250-1.400 GW điện năng chạy bằng than trong dài hạn để ổn định nguồn cung năng lượng cho phát triển kinh tế. Đồng quan điểm, nghiên cứu của chuyên gia Yang Fuqiang thuộc Hội đồng bảo tồn tài nguyên quốc gia Mỹ (NRDC) nhận định Trung Quốc sẽ không thể dừng xây thêm nhà máy nhiệt điện than nếu họ muốn tăng trưởng cao hơn 4,5%/năm.

Ở một khía cạnh khác, rất nhiều nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc hiện nay đang bị dừng hoạt động hoặc chạy dưới công suất. Vậy điều gì đang diễn ra trong ngành than đá của Trung Quốc khi họ khát năng lượng nhưng lại bỏ hoang nhiều nhà máy nhiệt điện than?

Cơn nghiện nhiệt điện than

Quay ngược lại thập niên 1980 khi thị trường than của Trung Quốc bùng nổ. Cải cách kinh tế khiến nguồn cung năng lượng không đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi đó, than đá lại là nhiên liệu phổ biến ở Trung Quốc còn mỏ dầu lại khan hiếm, hệ quả là hàng loạt mỏ than và nhà máy nhiệt điện than được cấp phép xây dựng.

Thời kỳ đó chính phủ trung ương quyết định việc xây dựng nhà máy nhiệt điện than dựa theo nhu cầu nên vẫn cân bằng được thị trường. Dẫu vậy vào năm 2014, chính quyền Bắc Kinh lại cho phép các địa phương được tự ý cấp phép cho các dự án mỏ than và nhiệt điện nhằm giảm thời gian chờ đợi các thủ tục hành chính.

Hệ quả là hàng loạt công trình được xây dựng khi chính quyền địa phương mong muốn đạt thành tích tăng trưởng kinh tế. Trước đó, những mỏ than và nhà máy nhiệt điện đã thu về lợi nhuận và chứng tỏ được thành tích nên chúng trở thành những dự án được ưu ái hàng đầu. Năm 2015, tổng số dự án nhiệt điện than và mỏ than được cấp phép tăng gấp 3 lần ở Trung Quốc.

Vì sao Trung Quốc khó cai nghiện nhiệt điện than ? - Ảnh 4.

Ngay lập tức chính quyền Bắc Kinh nhận thức được sai lầm của mình khi tình trạng ô nhiễm và cung vượt cầu xảy ra do quyết định trên. Năm 2016, Trung Quốc lật ngược lại quyết định cho các địa phương tự cấp phép, đồng thời hủy bỏ hàng loạt công trình nhiệt điện than. Mặc dù vậy nhiều địa phương vẫn lén lút cho hoàn thành công trình bởi chúng đã được thi công dở.

Bên cạnh đó, do nhiều nhà máy nhiệt điện than đã cũ, không còn đáp ứng đủ công suất hoặc không sinh lời đã bị chính phủ cho dừng hoạt động hoặc hạn chế công suất. Thay vào đó, chính quyền địa phương tiếp tục xây những nhà máy mới với công suất lớn hơn để đáp ứng nhu cầu nhiệt điện, giải quyết lao động cũng như thúc đẩy kinh tế khu vực.

Rõ ràng, Trung Quốc khó lòng mà cai nghiện than, cũng như Mỹ khó mà từ bỏ được nguồn năng lượng dầu mỏ. Bất kỳ một nền kinh tế nào cũng cần sự hậu thuẫn của nguồn tài nguyên năng lượng.

"Kể từ khi than trở thành nguồn năng lượng chính, chúng tôi sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nó khi vẫn. Hiện nay, khi nền kinh tế đang giảm tốc thì vấn đề môi trường sẽ chẳng còn quan trọng mấy", chuyên gia Lin Boqiang của Viện nghiên cứu chính sách năng lượng Trung Quốc (CIEPS) thừa nhận.

AB

Cùng chuyên mục
XEM