Vì sao thường xuyên “ôm” điện thoại là dấu hiệu cảnh báo bị rối loạn tâm thần, có nguy cơ tự sát cao?

15/01/2023 23:01 PM | Sống

Sự bùng nổ công nghệ mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm tàng nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng điện thoại hay các thiết bị điện tử khác đang dần “biến” con người trở nên thụ động và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Sử dụng điện thoại quá 68 phút/ ngày có nguy cơ bị trầm cảm và rối loạn tâm thần

Theo một nghiên cứu của Đại học Arizona, Hoa Kỳ, dùng điện thoại quá nhiều là một yếu tố gián tiếp dẫn đến trầm cảm. Trong một nghiên cứu khác của Viện Thông tin Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc được thực hiện trên những người sử dụng điện thoại thông minh, cho thấy trạng thái lo âu và trầm cảm ở nhóm người lạm dụng điện thoại thông minh cao hơn so với nhóm người sử dụng bình thường. 

Do những người lạm dụng điện thoại thường ít giao tiếp với thế giới bên ngoài, ít trò chuyện cũng như trao đổi trực tiếp với bạn bè và gia đình. Dần dần, những người này sẽ hình thành vỏ bọc, tách xa thế giới thực tại và trở nên ít nói, không chịu chia sẻ với ai điều gì.

photo-1

Về lâu dài, nếu bạn cứ bật điện thoại lên mỗi khi gặp các tình huống hay cảm giác khó chịu sẽ khiến bạn dễ đầu hàng trước áp lực.

Bên cạnh đó, một báo cáo của Viện Khoa học Thần kinh Hành vi và Tâm lý học California (Hoa Kỳ) được đăng tải trên Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra tác động tiêu cực của điện thoại di động đối với bệnh nhân đang mắc bệnh trầm cảm. 

Những người mắc bệnh trầm cảm thường ngại giao tiếp, nên điện thoại và mạng xã hội là nơi người bệnh "trốn" vào để thoát khỏi những vấn đề muộn phiền và căng thẳng trong thế giới thực. Điều này dẫn đến việc phụ thuộc vào điện thoại, khi "rời xa" khỏi thiết bị di động, người bệnh sẽ cảm thấy lo lắng, hoảng sợ, chán nản, khiến bệnh trầm cảm nặng hơn.

Hiện nay, ở trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, các bệnh viện tâm thần đều ghi nhận những ca bệnh của người trẻ có nguyên nhân xuất phát từ việc "nghiện" smartphone (chủ yếu là để chơi game online, lướt mạng xã hội). Ở một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc,… đã phải thành lập những "trại cai nghiện" smartphone. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bệnh viện Bạch Mai , mỗi tháng, riêng tại Khoa Điều trị tâm thần nhi (thuộc Viện Sức khỏe tâm thần) tiếp nhận trung bình hơn 10 trường hợp nhập viện vì "căn bệnh mới" này.

photo-1

Người lớn hay trẻ nhỏ cũng đều có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm nếu lạm dụng điện thoại trong suốt thời gian dài.

Một số tác động trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe 

1. Gây rối loạn giấc ngủ

Nguyên nhân đầu tiên gây ra tình trạng này là do ánh sáng xanh phát ra từ nhiều thiết bị điện tử nói chung, và điện thoại di động nói riêng, có ảnh hưởng rất lớn tới giấc ngủ con người. Các tổ chức nghiên cứu về sức khoẻ đã cảnh báo ngủ không đủ giấc làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, như bệnh tiểu đường, tim mạch, giảm trí nhớ cũng như suy giảm nội tiết và hệ miễn dịch.

photo-1

2. Gây bệnh béo phì

Quá chăm chú vào thiết bị di động gây ra sự thay đổi tiêu cực trong lối sống như ăn uống không lành mạnh (sử dụng nhiều thức ăn nhanh, đồ ngọt, đồ ăn vặt, đồ uống có đường hơn – do không có thời gian chuẩn bị đồ ăn lành mạnh) và giảm hoạt động thể chất. 

Theo một nghiên cứu của Đại học Simón Bolívar (Columbia) được công bố trong Hội nghị Mỹ Latinh ACC 2019, người sử dụng điện thoại thông minh trên 5 giờ/ngày tăng 43% nguy cơ mắc bệnh béo phì.

3. Các bệnh về mắt

Lạm dụng điện thoại có thể gây tổn thương vĩnh viễn hoặc điều trị các bệnh lý liên quan đến mắt khó hiệu quả, bao gồm mắt nháy, ngứa và đỏ, cận thị, mắt mỏi hoặc mờ. Những tổn thương này đặc biệt dễ xảy ra ở trẻ em.

photo-1

4. Gây cản trở giao tiếp xã hội

Giao tiếp là yếu tố then chốt để duy trì, gắn kết xã hội loài người cũng như để giải quyết công việc. Khi giao tiếp, chúng ta hiểu, đồng cảm hoặc đưa ra phản ứng phù hợp thông qua ánh mắt, âm thanh của giọng nói. Dành quá nhiều thời gian cho điện thoại di động không khác gì cắt đứt những tương tác trực tiếp giữa người với người.

Nghiện điện thoại di dộng thường làm suy giảm cả số lượng và chất lượng các mối quan hệ. Sử dụng điện thoại không đúng thời điểm còn tạo ra sự khó chịu cho những người xung quanh và có thể bị coi là hành vi thô lỗ, thiếu tế nhị. Hầu hết những người nghiện điện thoại đã tự tách ra khỏi cuộc sống thực, hạn chế tiếp xúc, ít quan tâm đến những gì xảy ra và những người xung quanh.

5. Gián tiếp dẫn đến trầm cảm hoặc tự sát

Càng tiêu tốn nhiều thời gian dành cho điện thoại di dộng, thời gian vận động ngoài trời của chúng ta càng ít đi, dẫn tới việc cơ thể suy yếu, trì trệ. Đặc biệt, họ rất hay căng thẳng, hằn học, bức xúc, kèm theo đó là tâm trạng lo âu, buồn chán, bi quan, thậm chí nhiều trường hợp suy nghĩ tiêu cực có thể tự tử.

Các biểu hiện này khi chuyển sang trạng thái "nghiện" thì sẽ trầm cảm ở 3 mức: trung bình, nặng không loạn thần và nặng có loạn thần. 

Ở mức độ nặng nhất là trầm cảm có loạn thần, bệnh nhân thường bị hoang tưởng dẫn đến những hành vi bất thường, gây rối cho người khác; thậm chí có những hành động gây nguy hiểm cho chính bản thân và tự tử. Họ thường có ảo giác khi nghe những âm thanh và suy tưởng thành những chuyện tương tự từng chứng kiến trên mạng internet, game….

photo-1

Cách nào để giải quyết tình trạng này?

- Giám sát thời gian sử dụng điện thoại: Bạn có thể cài thêm một số ứng dụng quản lí thời gian truy cập. Hiện nay trên ứng dụng như Facebook, Youtube,… cũng đã có chức năng giới hạn thời gian truy cập.

Tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động thể thao, gặp gỡ bạn bè, người thân… việc tương tác trực tiếp sẽ giúp con người giảm sự lệ thuộc vào thiết bị di động, tăng sức khoẻ tinh thần và thể chất, gắn kết, tăng cường các mối quan hệ, nâng cao kỹ năng giao tiếp.

photo-1

 - Đừng để điện thoại gần giường ngủ (hoặc nếu để gần thì bật chế độ trên máy bay). Nên ngừng sử dụng điện thoại ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ để có một giấc ngủ sâu.

Trường hợp bắt buộc phải sử dụng điện thoại trong khung giờ sau 10 giờ đêm, bạn hãy chuyển màn hình sang chế độ ban đêm (hoặc tắt chế độ ánh sáng xanh) để có độ sáng phù hợp nhất nhằm bảo vệ mắt và hạn chế ảnh hưởng của ánh sáng xanh. 

- Thực hiện quy tắc 20-20-20 nghĩa là cứ sau 20 phút nhìn màn hình lại phải nghỉ 20 giây bằng việc nhìn vào một thứ gì đó cách xa cỡ 20 feet (tương đương 6 met).

Nói ‘không’ với điện thoại di dộng khi đang học tập, ăn uống, lái xe,... Khi không cần phải dùng tới điện thoại, hãy để nó ở chỗ khuất mà bạn ít để ý đến hoặc không dễ với tới. Trong trường hợp cần để điện thoại ở gần, hãy tắt tất cả các chế độ thông báo của các ứng dụng không cần thiết trên điện thoại (như zalo, viber, facebook,…).

Kết luận

Điện thoại di động hoàn toàn không xấu, mà có nhiều mặt tích cực. Vấn đề cách sử dụng của chúng ta làm sao cho hiệu quả và có ích, chứ không phải lệ thuộc vào điện thoại một cách không có mục đích.

Đừng trở thành "nô lệ" của điện thoại. Đừng trở thành "bệnh nhân" của một căn bệnh mới nổi. Sử dụng điện thoại hợp lý để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như những người xung quanh, đặc biệt là con em chúng ta.

Thảo Vân

Cùng chuyên mục
XEM