Vì sao thương hiệu Viettel tiếp tục lập đỉnh mới về giá trị?
Đầu năm 2021, Tập đoàn Viettel công bố việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu với logo và slogan mới trông nổi bật và phù hợp với kỷ nguyên 4.0. Sau khi lập đỉnh về định giá thương hiệu (lên tới 5,8 tỷ USD và là thương hiệu tăng giá mạnh nhất thế giới) vào đầu năm 2020, Viettel có tiếp tục lập đỉnh mới về định giá với hơn 6 tỷ USD, tăng 32 bậc trên bảng xếp hạng của Brand Finance.
Trong tuyên bố ra mắt logo và slogan mới, ông Lê Đăng Dũng – Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: "Chúng tôi có thay đổi lớn trong chiến lược phát triển nên nhận diện thương hiệu phải phù hợp với sứ mệnh và tầm nhìn mới, đó là tiên phong kiến tạo xã hội số. Nếu như trước đây, Viettel là công ty cung cấp dịch vụ viễn thông thì giờ đã chuyển thành nhà cung cấp dịch vụ số".
Trên thực tế, trước khi Viettel đưa ra tuyên bố về thương hiệu mới, các hoạt động cốt lõi bên trong của tập đoàn đã có sự dịch chuyển rất mạnh theo định hướng từ dịch vụ viễn thông sang các nền tảng số. Điều này cũng đã được các chuyên gia về thương hiệu quốc tế ghi nhận và đánh giá.
"Nếu trước đây, Viettel là công ty cung cấp dịch vụ viễn thông thì giờ đã chuyển thành nhà cung cấp dịch vụ số", ông Lê Đăng Dũng – Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel.
Trước khi được định giá lại với trị giá hơn 6 tỷ USD vào năm 2021, đầu năm 2020, Brand Finance – tổ chức tư vấn, định giá thương hiệu hàng đầu thế giới (trụ sở tại Anh) đã định giá thương hiệu Viettel là 5,8 tỷ USD – cao nhất trong lịch sử của Tập đoàn này, đứng số 1 tại Việt Nam và Top 30 thương hiệu viễn thông thế giới, số 1 viễn thông ở Đông Nam Á. Viettel cũng là thương hiệu lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2020.
Vậy điều gì đã khiến cho giá trị thương hiệu của Viettel đi ngược dòng so với các công ty viễn thông khác trên thế giới?
Đó là việc Viettel đã không còn đơn thuần là một công ty dịch vụ viễn thông mà đã chuyển sang nhà cung cấp dịch vụ số. Vài tháng trước khi kết quả về định giá thương hiệu được Brand Finance công bố, Viettel đã thực hiện thành công cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị do chính mình sản xuất. Sự kiện này không chỉ đưa Viettel mà còn là Việt Nam vào danh sách các quốc gia hiếm hoi trên thế giới thể hiện khả năng làm chủ công nghệ của tương lai.
Chính vì thế, trong một buổi trả lời phỏng vấn tại buổi công bố danh sách các thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, Piyachart Isarabhakdee, CEO của BRANDi - tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Branding 4.0" cho biết, ông không ngạc nhiên khi Viettel đứng số 1 trong danh sách Brand Finance.
"Tôi nghĩ là Viettel có thể tận hưởng kỷ nguyên này, đây chính là thời điểm có lợi cho họ, thêm cánh cho việc kinh doanh của họ. Người tiêu dùng đang đòi hỏi nhiều hơn, muốn lên tiếng nhiều hơn, đó chính là cơ hội cho những người đóng vai trò kết nối", chuyên gia này chia sẻ.
Thực tế, nhận xét của CEO BRANDi dựa trên một thực tế rõ ràng: Viettel không chỉ đóng vai trò là nền tảng kết nối viễn thông truyền thống mà cũng trở thành người xây dựng các nền tảng 4.0 lớn nhất tại Việt Nam, cũng như mở rộng ra 10 quốc gia khác trên thế giới với mạng 4G, cũng như khả năng áp dụng công nghệ 5G trong tương lai gần, kèm theo các nền tảng số về y tế, giáo dục, thanh toán, giao thông…
Cùng với việc sản xuất và triển khai thành công thiết bị 5G do chính mình sản xuất trên mạng thử nghiệm thương mại vào cuối năm 2020, Viettel thực sự xác lập một cột mốc mới với thế giới về công nghệ. Viettel đưa Việt Nam vào top 6 quốc gia đầu tiên trên thế giới làm chủ công nghệ 5G. Bình luận về cột mốc này, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales Canberra nói với Financial Times: "Công nghệ 5G là biên giới mới và Viettel muốn theo kịp điều đó vì lợi ích riêng của mình trong việc phát triển công nghệ mới".
Trong một buổi trả lời phỏng vấn về kinh tế VIệt Nam năm 2020, GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng có nhận xét: "Tôi rất ấn tượng về chiến lược chuyển đổi số của Viettel, bởi họ gắn liền với chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam".
Là người theo dõi sâu sát về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và Make in Vietnam, GS.TS Nguyễn Đức Khương cho rằng: "Viettel đang đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng những nền tảng số của quốc gia và còn có sức ảnh hưởng và hội nhập toàn cầu khi tiến ra thị trường quốc tế".
GS.TS Nguyễn Đức Khương (Paris): "Viettel đang đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng những nền tảng số của quốc gia và còn có sức ảnh hưởng và hội nhập toàn cầu khi tiến ra thị trường quốc tế".
Chuyên gia này chỉ ra 2 điểm nổi bật trong năm 2020 của Viettel: "Thứ nhất là các nền tảng phục vụ thanh toán, giáo dục, y tế của họ, tiêu biểu là nền tảng y tế từ xa Telehealth. Tôi rất ấn tượng với tốc độ cập nhật xu thế của họ, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19 đặt ra nhiều bài toán cấp bách về nền tảng. Hai là chiến lược toàn cầu hóa của họ, đặc biệt là việc sản xuất và triển khai thành công thiết bị 5G. Việc 5G được thử nghiệm ở Việt Nam theo đúng kế hoạch và lộ trình chính là một trong những bước tiến tiên phong".
Với những thay đổi quan trọng này, việc thương hiệu Viettel có khả năng được định giá cao hơn mức đỉnh lịch sử năm 2020 là có thể nhìn thấy trước. Điều này còn được củng cố với kết quả kinh doanh viễn thông ở nước ngoài của Viettel cũng tốt nhất trong nhiều năm gần đây, với dòng tiền 333 triệu USD được chuyển về nước và mức lợi nhuận nhuận nghìn tỷ từ 10 thị trường quốc tế.
Hay nói cách khác, việc thay đổi nhận diện thương hiệu của Viettel giúp tập đoàn này có chiếc áo mới đẹp hơn, nhưng việc định giá lại giá trị thương hiệu Viettel trong năm 2021 phụ thuộc chủ yếu vào các nhân tố thay đổi thực chất trong hoạt động, đặc biệt là chiến lược tiên phong kiến tạo xã hội số mà tập đoàn này có được trong năm 2020.