Vì sao thừa tiền lại khiến chính phủ Đức đau đầu?
Đầu tháng 2/2016, chính phủ Đức thông báo khoản thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất thế giới lên đến 270 tỷ Euro (gần 300 tỷ USD), thậm chí vượt qua cả công xưởng thế giới là Trung Quốc.
Trong khi đó, một trong những nước có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất thế giới là Mỹ lại đang chĩa mũi dùi vào các quốc gia thặng dư như Đức, bất chấp 2 nước có quan hệ nồng ấm trước đây. Cố vấn kinh tế Peter Navarro của Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí đã cáo buộc Đức thao túng thị trường tiền tệ để thu lợi.
Theo đó, ông Navarro cho rằng Đức đã xuất siêu sang Mỹ cùng các thị trường khác nhờ sử dụng đồng Euro hiện đang rẻ hơn so với đồng Mác Đức cũ, nhờ đó khiến hàng hóa nước này có lợi thế cạnh tranh hơn.
Tồi tệ hơn, việc Tổng thống Trump đe dọa sẽ áp mức thuế 35% lên hàng nhập khẩu Đức, ví dụ như sản phẩm xe BMW cùng thái độ coi thường các đồng minh của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang khiến chính quyền Berlin lo ngại.
Tuy nhiên, có một thực tế là ông Trump đã hiểu nhầm quan điểm của Đức về đồng Euro yếu cũng như vấn đề mà nền kinh tế này đang gặp phải.
Đúng là đồng Euro đang mất giá so với đồng USD nhưng các đồng tiền chủ chốt khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Thậm chí, chính động thái cắt giảm thuế và tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng của Tổng thống Trump sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang (FED) phải nâng lãi suất, qua đó đẩy giá đồng USD đi lên.
Rõ ràng, lời cáo buộc thao túng tỷ giá của ông Navarro không mấy thực tế khi chính nước Mỹ đang tự nâng giá đồng tiền của mình. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) dù đang giữ lãi suất gần 0% và tích cực tung tiền ra thị trường nhưng phần lớn là nhằm thúc đẩy các nền kinh tế ngoài Đức, vốn đang lâm vào tình trạng tăng trưởng chậm.
Trên thực tế, chính Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schauble cũng chỉ trích chính sách của ECB trong việc hạ giá đồng Euro cũng như giữ mức lãi suất gần 0%. Ông Schauble cho rằng chính sách này đang gián tiếp ăn cắp tiền của những người gửi tiết kiệm cũng như ảnh hưởng đến những người già nghỉ hưu, vốn chiếm khá lớn trong dân số nước này.
Vấn đề thực sự của người Đức
Việc Đức có thặng dư tài khoản vãng lai vốn đã tồn tại rất lâu trước khi Tổng thống Trump đắc cử và hàng loạt nghiên cứu đã được tiến hành từ 10 năm trước đây.
Vào thời kỳ giữa thập niên 2000, tầng lớp lao động cũng như công đoàn đều đồng ý rằng nước Đức chưa đủ sức cạnh tranh với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới và dù không thực sự vui lòng, họ đều chấp nhận hạn chế tăng lương để giúp thúc đẩy xuất khẩu.
Chính yếu tố này đã gián tiếp khiến hàng hóa của Đức có tính cạnh tranh hơn nhiều nước trong Liên minh Châu Âu (EU) và tạo ra khoản thặng dư tài khoản vãng lai lớn.
Hiện các chuyên gia cho rằng đã đến lúc chính phủ cũng như doanh nghiệp Đức tăng lương cho người lao động nhằm đối phó với nguy cơ giảm phát hiện nay. Trong năm 2016, mức lương của lao động Đức đã tăng 2,3% nhưng các chuyên gia nhận định như vậy là chưa đủ.
Thêm một yếu tố nữa khiến kinh tế Đức thặng dư tài khoản vãng lai là do cấu trúc dân số. Tỷ lệ lao động nghỉ hưu và người già chiếm khá lớn khiến dòng vốn bị tích trong ngân hàng gửi tiết kiệm chứ không được đầu tư, chi tiêu. Nhiều doanh nghiệp Đức cũng nhận ra tiềm năng không lớn ở dân số già cũng như số lượng người tiêu dùng đang suy giảm, qua đó quyết định đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài.
Trong khi đó, chính quyền Berlin cũng tăng cường các biện pháp siết chặt tín dụng do lo ngại bong bóng khi lãi suất rất thấp và thu hút nhiều con nợ. Hậu quả là các doanh nghiệp đổ ra nước ngoài để vay vốn cũng như đầu tư hơn là tập trung vào thị trường nội địa.
Nói một cách đơn giản, việc thặng dư tài khoản vãng lai của Đức có nguyên nhân phần lớn là do đầu tư nội địa quá ít mà chuyển tiền ra nước ngoài kinh doanh. Chuyên gia kinh tế Marcel Fratzscher ước tính chênh lệch đầu tư nội địa và nước ngoài ở Đức hàng năm lên đến 100 tỷ Euro.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Clemens Fuest lại cho rằng tỷ lệ đầu tư ra nước ngoài của Đức năm 2015 đạt 19,9%, nhỉnh hơn so với mức bình quân của các nước EU nhưng nếu không có chiến lược cụ thể thì chính yếu tố này sẽ đảo ngược khoản thặng dư tài khoản vãng lai 9% GDP hiện nay của Đức.
Vào thập niên 90 khi 2 miền Đông-Tây Đức thống nhất, nước này đã có đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng nhưng tỷ lệ đầu tư nội địa trong những năm gần đây lại ổn định lại và các nguồn vốn chủ yếu chảy ra nước ngoài. Với tình hình ngày càng nhiều người Đức nghỉ hưu, chính quyền Berlin đang phải đau đầu tìm giải pháp đối phó để tránh dòng vốn bị giữ trong các ngân hàng thay vì đem đi đầu tư, tiêu dùng.
Có lẽ, những lời chỉ trích của ông Trump không thực sự chính xác khi Đức chẳng ham hố gì gây chiến thương mại với Mỹ, chuyện đơn giản chỉ là người dân nước này đang nghỉ hưu ngày một nhiều và họ ưa thích tiết kiệm cho tương lai hơn là đầu tư hay chi tiêu.
Toàn cảnh buổi lễ nhậm chức của Tổng thống thứ 45 nước Mỹ Donald Trump