Vì sao Tesla được gia nhập "câu lạc bộ" cổ phiếu danh giá nhất Phố Wall?

17/11/2020 14:21 PM | Kinh doanh

Tesla - hãng xe điện 17 năm tuổi do tỷ phú Elon Musk sáng lập - cuối cùng cũng trở thành một thành viên của chỉ số S&P 500...

Tesla, hãng xe điện 17 năm tuổi do tỷ phú Elon Musk sáng lập, sẽ trở thành một thành viên của chỉ số S&P 500  - thước đo tham chiếu của giá cổ phiếu ở Phố Wall và là một trong những chỉ số chứng khoán quan trọng nhất thế giới.

Theo hãng tin Bloomberg, sau nhiều tháng rộ tin đồn, ngày 16/11 đã có công bố chính thức rằng cổ phiếu Tesla sẽ gia nhập S&P 500 vào ngày 21/12. Kết quả kinh doanh khả quan và triển vọng sáng láng của Tesla, cộng thêm dự báo rằng hãng xe này sớm muộn gì cũng trở thành một thành viên của S&P 500 đã đưa giá cổ phiếu Tesla tăng gần 5 lần từ đầu năm đến nay. Vốn hóa của hãng hiện đạt khoảng 390 tỷ USD, lớn hơn bất kỳ một hãng sản xuất ô tô nào khác trên thế giới.

CỔ PHIẾU TESLA ĐÃ "TRƯỞNG THÀNH"

Với mức vốn hóa như vậy, Tesla sẽ là thành viên mới "khủng" nhất của S&P 500 kể từ khi chỉ số này ra đời. Tesla cũng sẽ là một trong những cổ phiếu có ảnh hưởng nhất trong S&P 500, với tỷ trọng ngang hàng với cổ phiếu của những "ông lớn" lâu năm như Berkshire Hathaway, Johnson & Johnson, hay Procter & Gamble.

Thậm chí, Tesla lớn đến nỗi nhà cung cấp chỉ số S&P Dow Jones Indices cho biết sẽ xin ý kiến từ cộng động nhà đầu tư để quyết định xem Tesla nên được đưa toàn thể vào S&P 500 hay chia thành hai phần khác nhau.

Sau công bố nói trên, giá cổ phiếu Tesla có lúc tăng 15% trong phiên giao dịch ngoài giờ tại thị trường New York, đạt 467,5 USD/cổ phiếu.

Việc gia nhập S&P 500 cho thấy sự "trưởng thành" của cổ phiếu Tesla, làm giảm bớt phần nào sức hút "thần thánh" của cổ phiếu này. Tuy vậy, địa vị thành viên S&P 500 cũng sẽ mang lại cho Tesla nhiều lợi ích, bao gồm việc các nhà đầu tư quỹ chỉ số và quỹ tương hộ buộc phải mua vào cổ phiếu Tesla.

Sự xuất hiện của Tesla trong S&P 500 và tốc độ tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu này trong mấy tháng qua đồng nghĩa các quỹ đầu tư thụ động (passive funds) sẽ phải bán ra hàng chục tỷ USD các cổ phiếu khác thuộc S&P 500 mà họ đang nắm giữ để nhường chỗ cho cổ phiếu Tesla. Mặt khác, những nhà đầu tư lâu năm muốn rút vốn khỏi cổ phiếu Tesla có thể sẽ bắt đầu việc xả hàn, vì họ biết các quỹ chỉ số buộc phải mua.

Những tác động trái chiều này đồng nghĩa với giá cổ phiếu Tesla có thể biến động mạnh hơn, nhưng Tesla đã quá quen với việc này. Từ khi Tesla trở thành công ty đại chúng vào năm 2010, cổ phiếu này đã nổi tiếng với biên độ tăng-giảm cực rộng.

Những năm gần đây, Tesla đã củng cố vững chắc vị thế hãng sản xuất xe điện hàng đầu thế giới, cho dù mức độ cạnh tranh trên thị trường ô tô chạy điện ngày càng gia tăng. Tesla đã vượt qua được hàng loạt thách thức, bao gồm các nút thắt sản lượng, tốc độ "đốt" tiền mặt ở mức cao, và mối lo về nhu cầu xe điện trên thị trường ô tô toàn cầu vốn bấy lâu nằm dưới sự thống lĩnh của xe động ơ đốt trong. Giữa tháng 9 năm nay, Tesla báo quý lãi thứ 5 liên tiếp, làm "câm nín" những nhà phê bình trước đó luôn miệng đặt câu hỏi về khả năng sinh lời của hãng.

Vì sao Tesla được gia nhập câu lạc bộ cổ phiếu danh giá nhất Phố Wall? - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu Tesla trong vòn 1 năm trở lại đây. Đơn vị: USD/cổ phiếu - Nguồn: Bloomberg.

Hồi cuối tháng 6, trong một lá thư gửi nhân viên Tesla, ông Musk phát tín hiệu rằng hãng có thể đạt lợi nhuận trong quý 2/2020, đánh dấu quý có lãi thứ tư liên tục. Sau đó, cổ phiếu Tesla tăng 66% trong chuỗi 17 phiên giao dịch liên tiếp. Nhờ vậy, hãng đáp ứng được yêu cầu cuối cùng để gia nhập S&P 500.

PHONG CÁCH ELON MUSK ĐƯỢC "PHÊ CHUẨN"

Việc cổ phiếu Tesla đạt tới địa vị thành viên của "câu lạc bộ" danh giá này là một sự phê chuẩn đối với phong cách quản lý khác người của Musk - nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc (CEO) của Tesla.

Những cấp dưới gần nhất của Musk gần như đều là những nhân vật "bí ẩn", hiếm khi xuất hiện trước báo giới và nhà đầu tư. Musk cũng gây ra tranh cãi nhiều hơn bất kỳ một lãnh đạo doanh nghiệp lớn nào khác. Ông đã có không ít cuộc "đụng độ" với các nhà phân tích chứng khoán, từng hút cần sa trong một cuộc trả lời phỏng vấn, và từng bị cơ quan chức năng kiện vì những dòng tweet tuyên bố rằng ông đã tìm được nguồn vốn để rút niêm yết Tesla khỏi thị trường chứng khoán.

Ông Musk cũng từng hơn một lần phàn nàn rằng giá cổ phiếu Tesla quá đắt đỏ. Nhưng điều đó không thể ngăn giới đầu tư tranh nhau mua cổ phiếu này.

Những nỗ lực mới nhất của Musk là tăng cường sự hiện diện của Tesla, với tư cách một hãng xe toàn cầu, tại thị trường châu Á và châu Âu. Hãng đã mở một nhà máy ở Thượng Hải, Trung Quốc và đang xây một nhà máy ở Berlin, Đức. Ngoài ra, Tesla cũng đang xây một nhà máy thứ hai tại Mỹ, gần thành phố Austin của bang Texas.

Tất cả những bước đi này đều nhằm củng cố lợi thế đi trước của Tesla trên thị trường xe điện, trong bối cảnh toàn ngành công nghiệp ô tô đều đang dịch chuyển theo hướng phát triển động cơ điện. Vốn hóa của Tesla hiện nay còn lớn hơn tổng vốn hóa của cả ba hãng xe truyền thống khổng lồ gồm Volkswagen, Toyota và General Motors (GM).

Vì sao Tesla được gia nhập câu lạc bộ cổ phiếu danh giá nhất Phố Wall? - Ảnh 2.

Một ô tô điện Tesla đang xạc điện tại một trạm xạc của Tesla ở California, Mỹ - Ảnh: Bloomberg.

Tuy Tesla nhận được sự kỳ vọng lớn của nhà đầu tư, nhu cầu ô tô điện hiện nay mới chỉ chiếm một phần nhỏ doanh số toàn thị trường. Năm ngoái, doanh số xe điện chỉ chiếm 3% thị trường ô tô Mỹ. Con số này cho thấy cơ hội tăng trưởng lớn, nhưng cũng phản ánh thách thức của việc đưa ô tô điện trở thành lựa chọn của phần đông người tiêu dùng.

Nhưng dù sao, thành công gần đây và mức vốn hóa khổng lồ của Tesla cũng đưa ngành xe điện trở thành một điểm sáng. Giá cổ phiếu của nhiều hãng xe điện mới cũng tăng mạnh thời gian qua, ngay cả trước khi những hãng này thực sự sản xuất xe. Chẳng hạn, cổ phiếu hãng xe điện Trung Quốc NIO tưng 44% trong tháng 10, và hãng này hiện có mức vốn hóa còn lớn hơn cả hãng GM.

An Huy

Cùng chuyên mục
XEM