Vì sao phụ nữ là cứu tinh của nền kinh tế Nhật Bản?

04/10/2018 08:00 AM | Xã hội

"Tại Nhật Bản, một xã hội mà phái nữ có vị thế mới chỉ bắt đầu ", Thủ tướng Abe tự hào tuyên bố mục tiêu mới của nền kinh tế Nhật.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tìm ra giải pháp cho tình trạng suy giảm lực lượng lao động của nước này, đó là tận dụng phái yếu, vốn bị loại ra khỏi thị trường việc làm bởi văn hóa "trọng nam khinh nữ".

Nhà lãnh đạo Nhật đang hối thúc các nhà hoạch định chính sách nhằm cổ vũ cũng như hỗ trợ nữ giới quay trở lại làm việc nhưng vẫn duy trì được cuộc sống gia đình. Thậm chí thuật ngữ "Womenomics" bắt chiếc "Abenomics", kế hoạch thúc đẩy kinh tế Nhật năm 2014 của Thủ tướng Abe, cũng được sáng tạo ra để ám chỉ cho chiến lược mới này.

Womenomics là gì?

Trên thực tế đây là ý tưởng đưa phụ nữ xâm nhập nhiều hơn vào thị trường việc làm và mặc dù được Thủ tướng Abe khởi xướng thúc đẩy tại Nhật, quan điểm này vốn đã được nhiều nền kinh tế phát triển thực hiện.

Mặc dù tại Nhật, tỷ lệ phụ nữ đi làm đã cải thiện nhưng Thủ tướng Abe muốn con số này cao hơn nữa với mục tiêu 30% vị trí lãnh đạo doanh nghiệp Nhật năm 2020 sẽ là nữ giới. Chính quyền Tokyo hiện đang làm việc để giải quyết nhu cầu cần nhiều ngày nghỉ hơn cho các bà mẹ, cũng như cung cấp hỗ trợ để phái yếu có thể vừa làm việc vừa đảm bảo được cuộc sống gia đình.

Hiện Nhật Bản là một trong những nước già nhất thế giới với dân số đang lão hóa nhanh chóng. Số người Nhật trong độ tuổi 15-64 được dự đoán sẽ giảm từ 77 triệu năm 2015 xuống chỉ còn 45 triệu vào năm 2065.

Vì sao phụ nữ là cứu tinh của nền kinh tế Nhật Bản? - Ảnh 1.

Liệu có thành công?

Chính sách thúc đẩy phụ nữ tham gia thị trường lao động của Nhật Bản có hiệu quả nhưng khá chậm. Tỷ lệ nữ giới tham gia lao động đã tăng từ 46,2% năm 2012 lên 50% năm 2017, vẫn thấp hơn mức 55% của Đức, 56% của Mỹ và 61% của Canada.

Tuy vậy, phần lớn phụ nữ tham gia lao động tại Nhật chủ yếu làm việc bán thời gian, bị trả lương thấp và chưa thực sự đóng góp nhiều cho thị trường việc làm. Nguyên nhân chủ yếu là hầu hết nữ giới bận với công việc gia đình, con nhỏ hoặc không được các doanh nghiệp đánh giá cao bằng lao động nam.

Mặc dù những tập đoàn lớn như Toyota đã chỉ định phụ nữ vào các vị trí quản lý nhưng thay đổi này còn quá nhỏ so với kỳ vọng của Thủ tướng Abe. Hiện Nhật Bản mới chỉ có 4% vị trí quản lý là nữ giới, cao hơn 1% của năm 2012 nhưng lại thấp hơn nhiều mức 9% của Trung Quốc và 17% của Mỹ.

Vì sao phụ nữ là cứu tinh của nền kinh tế Nhật Bản? - Ảnh 2.

Phụ nữ thường không được bầu nhiều trong các cuộc tranh cử tại Nhật

Nguyên nhân

Theo hãng tin Bloomberg, nguyên nhân chính khiến nữ giới Nhật Bản chưa thể cứu thị trường lao động cũng như nền kinh tế nước này là do văn hóa "trọng nam khinh nữ". Người Nhật từ lâu đã cho rằng vai trò của phụ nữ là ở nhà lo nội trợ, chăm sóc con cái. Dù tư tưởng này cũng tồn tại ở một số nước nhưng chúng lại ăn khá sâu vào văn hóa Nhật.

Rất nhiều trường hợp phụ nữ đã phải tìm tới rượu bia sau giờ làm để có thể chịu được áp lực công việc cũng như phân biệt đối xử tại công sở.

Thậm chí một cuộc khảo sát năm 2016 cho thấy 45% số phụ nữ được hỏi đồng ý rằng phụ nữ nên ở nhà chăm lo cho gia đình.

Những hệ lụy

Nhật Bản xếp thứ 3 trên thế giới về bất bình đẳng thu nhập theo giới tính trong số 36 thành viên Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Năm 2017, phụ nữ Nhật được trả lương thấp hơn 24,5% so với nam giới. Đứng đầu trong danh sách này là Hàn Quốc với 34,6% còn Luxembourg đứng thấp nhất với chỉ 3,4%.

Vì sao phụ nữ là cứu tinh của nền kinh tế Nhật Bản? - Ảnh 3.

Khoảng cách thu nhập nam nữ lao động của Nhật rất cao so với nhiều nước phát triển khác

Quan điểm của giới chính trị

Với văn hóa như vậy, không có gì khó hiểu khi Nhật Bản là một trong những nước có tỷ lệ nữ chính trị gia thấp nhất thế giới. Hạ viện Nhật Bản chỉ có khoảng 10% nghị sĩ là phụ nữ, khiến nước này đứng thứ 158 trên thế giới về số nữ chính trị. Trong số 20 quan chức nội các, Thủ tướng Abe chỉ bổ nhiệm 2 nữ giới.

Vào tháng 5 vừa qua, Nghị viện Nhật thậm chí đã phải bỏ phiếu thông qua quyết định yêu cầu các đảng phái chính trị cân bằng giới tính hết mức có thể.

Hiện Thủ tướng Abe đang bị chỉ trích khá nhiều vì vẫn chưa thể đưa phụ nữ trở lại với thị trường lao động hoàn toàn và đây là lý do nhà lãnh đạo này đặt lao động nữ làm một trong những mục tiêu chính của nền kinh tế Nhật. Nhiều ước tính cho thấy cân bằng giới tính trong lao động có thể khiến GDP Nhật Bản tăng thêm 550 tỷ USD.

Vì sao phụ nữ là cứu tinh của nền kinh tế Nhật Bản? - Ảnh 4.

AB

Cùng chuyên mục
XEM