Vì sao nước Mỹ chi tới 182 tỷ USD mỗi năm cho hệ thống nhà tù dù tỷ lệ tội phạm vẫn gia tăng?

11/09/2019 07:14 AM | Xã hội

Theo thống kê của Prison Policy Iniative năm 2017, tổng chi phí mà chính phủ Mỹ phải chi cho các nhà tù trên thực tế đạt 182 tỷ USD mỗi năm và vẫn tăng dần đều qua từng năm.

Tại những nước như Na Uy, Đan Mạch hay Hà Lan, việc giam giữ tù nhân thường thiên hướng cải tạo và chú ý đến sự tái hòa nhập cộng đồng của họ. Đáng ngạc nhiên thay, nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ lại có một cái nhìn khác về việc giam giữ tù nhân. Nói chính xác hơn, các nhà tư bản đánh hơi được nguồn lợi lớn khi tận dụng tiền thuế của người dân và bóc lột những người phải vào tù.

Số liệu của cục thống kê tư pháp Mỹ (BJS) cho thấy hàng năm nước này phải chi khoảng 81 tỷ USD ngân sách cho hệ thống nhà tù. Tuy nhiên, con số này mới chỉ tính đến chi phí vận hành mà bỏ qua chi phí phán xét, y tế, bồi thường hay hàng loạt những phí phát sinh khác.

Theo thống kê của Prison Policy Iniative năm 2017, tổng chi phí mà chính phủ Mỹ phải chi cho các nhà tù trên thực tế đạt 182 tỷ USD mỗi năm và vẫn tăng dần đều qua từng năm.

Vì sao nước Mỹ chi tới 182 tỷ USD mỗi năm cho hệ thống nhà tù dù tỷ lệ tội phạm vẫn gia tăng? - Ảnh 1.

Mỹ tiêu tốn 182 tỷ USD/năm cho hệ thống nhà tù

Vậy tại sao Mỹ lại duy trì lượng lớn ngân sách cho các nhà tù dù tỷ lệ phạm tội vẫn tăng còn những người ra tù vẫn tái phạm? Phải chăng người dân Mỹ ngày càng hiếu chiến và khó cải tạo?

Trên thực tế, ẩn sau những con số này là cả một ngành kinh tế liên quan đến lợi ích của rất nhiều người và không ai muốn thay đổi nó cả.

Những nô lệ kiểu mới?

Năm 1865, Mỹ kết thúc chế độ nô lệ da đen bằng Tu chính án thứ 13, nhưng tới 152 năm sau thì những con người nô lệ vẫn tồn tại âm thầm do một lỗ hổng chết người trong các nhà tù Mỹ.

Hãy đến với anh Bilal Chatman khi lần đầu tiên anh cùng đội của mình tham gia cứu hỏa tại phía Nam California.

"Khói bay khắp nơi, ngọn lửa ngày càng lớn khi chúng tôi tới gần. Tôi đã sợ chết khiếp", anh Chatman nhớ lại.

Nhóm của anh Chatman đã dập lửa liên tục 12 tiếng dưới nhiệt độ 125 độ C. Khi được thay ca, cả nhóm nằm gục xuống dưới bãi đất trống.

Điều đáng nói ở đây là anh Chatman không phải nhân viên cứu hỏa chuyên nghiệp mà là một tù nhân của bang California. Anh được trả 0,45 USD/giờ cho việc cứu hỏa nguy hiểm này, quá rẻ mạt so với mức lương 23 USD/giờ của lính cứu hỏa thường dù họ đều phải liều mạng để dập lửa.

Trên khắp nước Mỹ, hàng triệu tù nhân đang phải lao động bắt buộc với mức lương rẻ mạt hoặc thậm chí chẳng được trả xu nào. Tệ hơn, điều kiện làm việc vô cùng khắc nghiệt, thiếu đồ bảo hộ cũng như chăm lo cho sức khỏe tù nhân. Tất cả điều này đến từ lỗ hổng từ chính Tu chính án 13 năm 1865 khi chấm dứt chế độ nô lệ da đen nhưng Tòa án lại cho phép các trại giam bắt buộc tù nhân lao động như một động thái trừng phạt cho những lỗi lầm họ đã gây ra trong quá khứ.

Hiện nay, Mỹ có khoảng 2,3 triệu tù nhân và phần lớn trong số đó là người da đen. Điều trớ trêu là thay vì cải tạo những tù nhân này, phần lớn những người ra tù không thể hòa nhập với cộng đồng. Một số còn chẳng thể tiếp xúc với hệ thống an sinh xã hội hay thuê nhà, nhiều người còn chẳng được cấp chứng minh thư.

"Tôi phải mở tài khoản ngân hàng với thẻ tù của mình. Nó là thứ duy nhất có ảnh của tôi trên đó để chứng minh thân phận. Nói cách khác thì bạn vẫn ở trong tù thôi, nhưng với một nhà tù lớn hơn", anh Chatman nhớ lại sau khi đã ra tù.

Nguồn lao động giá rẻ

Nhiều bang của Mỹ hiện phát triển một hệ thống "cho thuê" tù nhân, qua đó những nhà thầu tư nhân trả phí cho chính phủ để thuê những tù nhân làm lao động giá rẻ trong hầm mỏ hay trên những cánh đồng. Điều đáng ngạc nhiên là những tù nhân này chỉ được trả lương tính bằng cent (0,01 USD) và thậm chí là không có đồng nào. Họ bắt buộc phải lao động nếu không muốn bị liệt vào dạng "không cải tạo tốt" và mất quyền lợi trong nhà tù.

Giai đoạn sau năm 1865, phần lớn những bang miền Nam của Mỹ sử dụng lỗ hổng từ Tu chính An 13 như một công cụ để kiếm lao động giá rẻ. Mỗi khi họ có đồn điền hay mỏ quặng mới và thiếu nhân công, hệ thống hành pháp lại tích cực bắt thêm tù nhân.

Vì sao nước Mỹ chi tới 182 tỷ USD mỗi năm cho hệ thống nhà tù dù tỷ lệ tội phạm vẫn gia tăng? - Ảnh 2.

Cho đến tận ngày nay, bất kể là Đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa của Mỹ cũng thể hiện quan điểm cứng rắn với tội phạm nhưng chẳng mấy chính trị gia quan tâm cuộc sống của tù nhân ra sao hay họ có tái hòa nhập cộng đồng được hay không. Suy cho cùng, tù nhân thì không có quyền bỏ phiếu.

Chủ tịch Van Jones của #Cut50, cộng đồng bảo vệ quyền lợi tù nhân Mỹ cho biết chiến dịch chống ma túy tại Mỹ là một lý do tuyệt vời để kiếm thêm tù nhân, hay những lao động nô lệ mới. Tỷ lệ người da trắng sử dụng ma túy tại Mỹ cao tương đương người da màu nhưng người da đen lại có nguy cơ vào tù vì tội này cao hơn 6 lần.

Một điều trớ trêu hơn nữa là cách hành xử với những người tái phạm. Đáng lẽ ra tòa án và hệ thống tư pháp phải xem xét lại cách giam giữ, cải tạo của tù nhân thì họ lại nâng thời hạn giam giữ lên dù chúng đã mất đi tính răn đe và rõ ràng là chẳng giúp con người tốt hơn, nếu không muốn nói là càng đẩy họ vào hố sâu tội lỗi khi khó tái hòa nhập cộng đồng.

Tính đến năm 1993, tỷ lệ tù nhân da màu tại Mỹ đã cao gấp 7 lần tù nhân da trắng. Trong thế kỷ 19, những lao động tù nhân đã kiếm về hàng triệu USD cho chính phủ Mỹ nhưng họ lại chẳng nhận lại được mấy lợi ích, thậm chí còn chìm sâu dưới đáy xã hội.

Anh Shaka Senghor, một tù nhân đã vào tù từ năm 19 tuổi và lao động trong nhà bếp trại giam với mức lương 0,17 USD/giờ. Tuy nhiên, anh Senghor vẫn còn may mắn chán khi ít ra có chút học thức.

"Tôi nhanh chóng nhận ra rằng mình không thể lao động cực nhọc với mức lương 0,17 USD/giờ được nên đã cố gắng học hỏi thêm kỹ năng để có thể làm nhiều thứ hơn và có thêm thu nhập trong nhà tù", anh Senghor chia sẻ.

Thật không may mắn là phần lớn những tù nhân không có học thức hoặc kỹ năng hữu ích nên họ sẽ phải lao động tay chân với mức lương rẻ mạt đến hết hạn tù.

Vì sao nước Mỹ chi tới 182 tỷ USD mỗi năm cho hệ thống nhà tù dù tỷ lệ tội phạm vẫn gia tăng? - Ảnh 3.

Cả một hệ thống lợi ích

Việc tận dụng lao động rẻ mạt chỉ là một mặt của vấn đề trong hệ thống nhà tù Mỹ. Những tù nhân tại Mỹ cần ăn uống, sinh hoạt, các trại giam cần người quản lý cùng hàng loạt những chi phí khác, nhiều công ty tư nhân có thể đấu thầu những dịch vụ này và tiền là từ ngân sách mà ra.

Rõ ràng với 182 tỷ USD mỗi năm, rất nhiều người sẽ được hưởng lợi nhưng chắc chắn đó không phải là các tù nhân.

"Rất nhiều người hưởng lợi từ hệ thống nhà tù và chúng đang tàn phá ngành tư pháp theo cách cực kỳ nguy hiểm", Chủ tịch Van Jones của #Cut50 nói.

Khoảng một nửa số tiền ngân sách trả cho các nhà tù đi vào túi các nhân viên, quản giáo dưới danh nghĩa tiền lương. Công ty thầu điện thoại thu đến 24,95 USD cho 15 phút gọi điện, còn các căng tin nhà tù thu đến 1,6 tỷ USD mỗi năm.

Tồi tệ hơn, những tù nhân hầu như không được cải tạo tốt trong tù. Họ mất cả quãng thời gian dài bị giam giữ mà chẳng học được gì mấy. Tính răn đe của nhà giam đã mất hoàn toàn sau lần vào tù đầu tiên nên chẳng khó hiểu khi tỷ lệ tái phạm tại Mỹ lại cao dù là nền kinh tế số 1 thế giới.

Với quá khứ tù tội, những tù nhân tại Mỹ khó lòng tìm việc tốt hoặc được xã hội giúp đỡ dù họ rất muốn được tái hòa nhập cộng đồng.

Quay lại trường hợp của anh Chatman, sau khi ra tù anh đã trở thành giám đốc sản xuất của một công ty hơn 4.000 nhân viên. Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn như Chatman.

"Rất nhiều tù nhân muốn trở thành công dân tốt sau khi ra tù và khao khát được trao cơ hội thứ 2", anh Chatman thừa nhận.

AB

Cùng chuyên mục
XEM