Vì sao người dân vẫn phải mua bát phở giá 60.000 đồng?

20/08/2022 11:00 AM | Xã hội

Từ chỗ mỗi bát phở, miến không thuộc dạng cao cấp chỉ có giá từ 35.000 - 40.000 đồng/bát, nay đã leo lên 50.000 - 60.000 đồng/bát và chủ nhà hàng, quán ăn cứ thản nhiên thu lợi, để mặc cho “khách giảm nhưng giá không giảm”.

Xăng dầu sau 5 kỳ giảm giá liên tiếp với tổng mức giảm gần 10.000 đồng nên nhiều DN vận tải đã thực hiện giảm cước phí. Tuy nhiên, giá hàng hóa sinh hoạt, dịch vụ đến nay dù có giảm nhưng mức giảm chưa tương xứng, nhiều loại hàng hóa vẫn chưa trở về giá trị thực.

Thực phẩm, rau xanh “hạ nhiệt”

Thực tế khảo sát tại một số chợ dân sinh, cửa hàng tiêu dùng nhanh và siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội sáng 20/8 cho thấy, giá lương thực, thực phẩm, rau xanh, hoa quả đã giảm từ 10% - 20% so với tuần trước. Cụ thể, tại các chợ Ngọc Hà, Châu Long, Cống Vị, Vĩnh Phúc… giá thịt lợn đã giảm còn 110.000 – 160.000 đồng/kg (tùy loại). Giá thịt gia cầm như gà mổ sẵn cũng đã giảm từ 5.000 – 15.000 đồng/kg xuống còn 72.000 đồng/kg; thịt gà đùi, cánh có giá bán từ 85.000 - 90.000 đồng/kg.

Vì sao người dân vẫn phải mua bát phở giá 60.000 đồng? - Ảnh 1.

Giá thịt lợn đã giảm từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với trước.

Chị Nguyễn Quỳnh Hương, tiểu thương bán hàng thịt lợn tại chợ Vĩnh Phúc (Ba Đình) cho biết, giá thịt những ngày gần đây đang giảm dần, lý do chủ yếu là do giá xuất bán từ các đầu mối giết mổ đã giảm sâu.

“Giá thịt giảm khiến người bán và người mua đều thấy thoải mái, bớt căng thẳng. Có lúc giá thịt cao quá tiểu thương cũng chỉ muốn nghỉ bán vì không mấy người mua, lại bị mang tiếng là cấu kết tăng giá theo xăng dầu, giải thích không ai tin”, chị Hương chia sẻ.

Ghi nhận tại các chợ ngày hôm nay, giá một số loại hải sản cũng đã giảm từ 25.000 - 45.000 đồng/kg như mực ống tươi tại các chợ đang được bán với giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg (loại 3 con/kg); Tôm sú loại 15 con/kg nay chỉ còn ở mức 280.000 - 330.000 đồng tùy từng thời điểm.

Vì sao người dân vẫn phải mua bát phở giá 60.000 đồng? - Ảnh 2.

Giá thực phẩm tăng cao khiến nhiều người nội trợ khó đảm bảo khẩu phần dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn cho gia đình.

Tương tự như giá thực phẩm, các loại rau xanh ngày hôm nay đã về các chợ nhiều hơn khi không còn bị ảnh hưởng của mưa bão nên giá bán cũng giảm mạnh. Rau muống, cải xanh, mồng tơi, dền, ngót,… đã giảm khoảng 2.000 đồng/bó xuống còn 7.000 - 9.000 đồng/bó; Cà chua, cà rốt, dưa leo, bí xanh tại các chợ dao động trong khoảng 18.000 - 23.000 đồng/kg..., giảm khoảng 4.000 đồng/kg so với những ngày trước.

Theo bà Lê Thị Mận, bán rau tại chợ Cống Vị (Ba Đình), những tháng trước giá rau quả rất cao do chi phí vận chuyển tăng theo giá vận tải, xăng dầu, sau đó liên tục trời mưa nên ảnh hưởng đến gieo trồng và thu hoạch khiến rau quả khan hiếm. “Giờ giá xăng dầu giảm như thế, thời tiết lại thuận lợi và rau quả về nhiều nên chẳng có lý gì để rau quả tăng giá. Đầu mối bán đắt chúng tôi cũng không nhập hàng vì nhập về bán đắt người ta vào siêu thị mua thì biết bán cho ai”, bà Mận phân trần.

Vì sao người dân vẫn phải mua bát phở giá 60.000 đồng? - Ảnh 3.

Giá rau xanh đang giảm nhẹ tại các chợ dân sinh tại Hà Nội.

Nhiều mặt hàng giá vẫn cao ngất

Thường nhiều người tiêu dùng hay để ý đến giá các loại thực phẩm, rau củ quả nhưng ít khi quan tâm đến những mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn như mỳ gói, dầu ăn, hạt nêm, bột gia vị… Những mặt hàng này theo khảo sát sau khi tăng giá trong thời gian trước đây, nhưng hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Tại các cửa hàng tạp hóa, giá các mặt hàng như mỳ ăn liền, dầu ăn… giá vẫn “ổn định” ở mức cao từ nhiều tháng nay như các loại mỳ Hảo Hảo vẫn là 4.000 đồng/gói, 7.000 đồng/cốc; Omachi vẫn được bán từ 8.000 – 17.000 đồng/gói/cốc.

Giá các loại dầu ăn như Neptune đang được bán 60.000 đồng/lít; dầu ăn Simply 65.000 đồng/lít; dầu Meizan 55.000 đồng/lít và rẻ nhất trong số này có lẽ là dầu Cái Lân 48.000 đồng/lít. Theo một số chủ cửa hàng tạp hóa, do chưa có chính sách thay đổi giá bán dầu ăn từ phía các hãng cung cấp nên giá chưa thay đổi, hiện chỉ có rất ít hãng dầu ăn đang trong chương trình khuyến mãi mới giảm giá bán từ 9.000 - 10.000 đồng/lít.

Vì sao người dân vẫn phải mua bát phở giá 60.000 đồng? - Ảnh 4.

Bún, miến, phở, mỳ ăn liền vẫn luôn "đắt giá".

Ngoài các mặt “hàng khô” như kể trên, tại Hà Nội thời gian qua còn có nhiều mặt hàng ăn uống đã tranh thủ tăng giá với lý do giá xăng dầu tăng, nguyên liệu thực phẩm tăng, nhưng nay dù giá xăng dầu đã giảm sâu, giá thực phẩm đã hạ nhiệt nhưng nhiều món ăn, đồ uống vẫn đang “yên vị” với mức giá cũ.

Đơn cử như hiện nay nhiều người vẫn còn e dè khi đi ăn sáng với món phở, bún, miến…vì những đồ ăn này giá bán quá đắt. Từ chỗ mỗi bát phở, phở, miến không thuộc dạng cao cấp chỉ có giá từ 35.000 - 40.000 đồng/bát, nay đã leo lên 50.000 - 60.000 đồng/bát và chủ nhà hàng, quán ăn cứ thản nhiên thu lợi, để mặc cho “khách giảm nhưng giá không giảm”.

Trước tình hình giá các loại hàng hóa thiết yếu tăng nhanh nhưng nhưng giảm chậm theo giá xăng dầu, ngay từ đầu tháng 8/2022, thực hiện Công điện của Bộ trưởng Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã triển khai đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội. Cương quyết không để giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân ở mức cao, gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của nhân dân.

Thực hiện chỉ đạo này, lực lượng quản lý thị trường trong cả nước đang tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường; Tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp. Lực lượng quản lý thị trường triển khai đợt cao điểm kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình để tăng giá bất hợp lý từ nay cho đến hết năm 2022./.

Theo Nguyễn Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM