Vì sao ngành khoáng sản phát triển lại khiến ngành tế tự Mông Cổ tăng nhanh chóng mặt?

21/08/2017 15:06 PM | Xã hội

Đối với những người dân Mông Cổ, các nghi lễ với thầy tế tự (Shaman) đã trở thành một nét văn hóa truyền thống tại đây, nhất là khi việc khai thác quá đà tài nguyên thiên nhiên trước cơn khát khoáng sản từ Trung Quốc đã tàn phá môi trường nơi đây.

Người Mông Cổ tin rằng tất cả vạn vật đều có linh hồn của riêng chúng, từ cành cây, ngọn cỏ cho đến những viên đá và Thầy tế tự là những người có thể giao lưu với những linh hồn này. Hệ thống Shaman được coi là một trong những văn hóa tín ngưỡng thuộc hàng cổ nhất của chủ nghĩa duy linh.

Tuy nhiên, các tế tự đã bị cấm hành nghề từ thập niên 1970 do bị coi là mê tín cho đến thời gian gần đây. Việc nền kinh tế gặp khó khăn sau thời gian tăng trưởng bong bóng phụ thuộc quá nhiều vào khoáng sản cũng như xuất khẩu hàng hóa thô cho Trung Quốc đã khiến người dân Mông Cổ dần quay lại với tín ngưỡng này.

Hiện tại, số người hành nghề tế tự tại Mông Cổ đang tăng chóng mặt. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho biết tại các thành phố lớn như thủ đô Ulaanbaatar, các thầy tế tự giờ đi đầy đường.

Năm 1990, số liệu của hiệp hội liên minh Shaman (CUS) cho biết toàn Mông Cổ chỉ có 10 tế tự vào thời điểm đó nhưng con số này đã tăng lên đến hơn 20.000 người hiện nay so với tổng dân số khoảng hơn 3 triệu người.

Thậm chí, những sách báo, truyền hình thực tế về Shaman ngày nay cũng lan tràn ở Mông Cổ. Các Shaman trở thành những người chơi truyền hình, những ngôi sao giải trí khi được bố trí thi đấu với nhau, xem ai đoán trúng những vật thể giấu trong hộp kín nhất.


Nghi lễ tế tự đầu xuân của người Mông Cổ

Nghi lễ tế tự đầu xuân của người Mông Cổ

Ngành dịch vụ Tế tự

Tại các vùng nông thôn Mông Cổ, thảo nguyên bao la và vùng trời rộng lớn là tất cả những gì người dân nhìn thấy và không có gì đáng ngạc nhiên khi thời tiết, khí hậu và môi trường ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống du mục của người dân. Điều này giải thích tại sao văn hóa Shaman lại có thể tồn tại và phát triển lâu đến như vậy.

Tuy nhiên, khoảng 1,4 triệu người Mông Cổ đã di chuyển đến sinh sống tại các thị trấn và thành phố, chiếm 50% tổng dân số nhưng văn hóa Shaman không hề mất đi, nếu không muốn nói là ngày càng phát triển. Khoảng 2/3 dân số Mông Cổ là người theo Đạo Phật nhưng 90% dân số có niềm tin nhất định với văn hóa Shaman.

Một trong những nguyên nhân chính khiến Tế tự vẫn trường tồn và thậm chí bùng nổ mạnh mẽ trong văn hóa Mông Cổ là khai khoáng. Đầu thập niên 2010, kinh tế Mông Cổ bùng nổ do tác động từ ngành khai mỏ. Tăng trưởng đạt 20% mỗi năm và trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới khi đó.

Chính điều này đã thúc đẩy sự bùng nổ của những “Tế tự”, những người cho rằng họ có thể giao tiếp được với những linh hồn của các khu mỏ, qua đó thực hiện các nghi lễ đảm bảo những “thần mỏ” này không gây ảnh hưởng ngược lại môi trường.

Luận thuyết của những Shaman này là nhằm bảo vệ môi trường, nhưng việc làm của họ dường như không chống lại các hoạt động khai thác quá đà ở Mông Cổ. Ngược lại, nhờ nguồn tiền đầu tư từ những công ty khai thác mỏ cũng như các khách hàng giàu có khác, nghề Shaman cho những khu mỏ trở thành ngành dịch vụ phát triển tại đây.

Bên cạnh đó, chủ nghĩa dân tộc tại Mông Cổ cũng thúc đẩy văn hóa Shaman khi Đạo Phật được coi là tín ngưỡng được nhập khẩu từ Trung Quốc trong khi các tế tự mới là biểu tượng văn hóa quốc gia. Rất nhiều tổ chức dân tộc cực đoan tại Mông Cổ đã được thành lập trong khi nhiều nhà hoạt động xã hội cũng như môi trường ở đây bị tiêm nhiễm tư tưởng dân túy.

Trong khi đó, nhiều người Mông Cổ không nhận thấy sự bất hợp lý của Shaman khi những Tế tự mới vào nghề phải trả khoản học phí tối thiểu 840 USD cho các Shaman bề trên để được truyền thụ và giảng dạy. Nói cách khác, một số chuyên gia cho rằng sự tịnh hành văn hóa Tế tự chỉ là một dấu hiệu cho việc thiếu giáo dục cũng như kiến thức.

Bất chấp điều đó, người dân Mông Cổ vẫn tin tưởng vào văn hóa lâu đời này của họ. Nếu du lịch đến đây, du khách có thể dễ dàng bắt gặp người dân tìm đến Shaman để thực hiện các nghi lễ tâm linh, và thậm chí họ có thể đòi lại tiền nếu nghi lễ đó không đem lại hiệu quả.


Nghi lễ của thầy tế tự Byambadorj

Nghi lễ của thầy tế tự Byambadorj

Vị Shaman nổi tiếng nhất Mông Cổ

Vào buổi sáng đầu tiên của mùa xuân tại Mông Cổ, hàng trăm người dân đã tụ tập quanh vị tế tự Byambadorj để chiêm ngưỡng nghi thức của vị Shaman nổi tiếng nhất đất nước này. Rất nhiều du khách đã lái xe đến khu rừng phía Bắc Mông Cổ, nơi diễn ra nghi thức để chiêm ngưỡng nét đặc sắc văn hòa này.

Tất nhiên, người dân nơi đây cũng tận dụng để chào bán hàng rong, trang sức, áo choàng da thú hay thậm chí là tổ chức cho thuê bãi đậu xe.

Thành viên của CUS cũng có mặt trong buổi lễ này. Đây là hoạt động thường xuyên của hiệp hội khi số lượng các Shaman ngày một lớn và ai cũng cam đoan rằng họ có thể giao lưu với những linh hồn. Bởi vậy, nhiệm vụ của các thành viên CUS là đảm bảo các quy trình tế tự được diễn ra chính xác theo truyền thống cũng như xác định khả năng tế lễ của các Shaman. Ngoài ra, một nhiệm vụ vô cùng trọng yếu khác là thu thuế từ những hoạt động của các Shaman này.

Quay trở lại với hoạt động tế lễ của Byambadorj, CUS không hài lòng mấy với các quy trình của vị Shaman này nhưng chả thể làm gì khác bởi ông Byambadorj là vị tế tự nổi tiếng toàn quốc, qua đó đóng góp một lượng lớn thuế qua các nghi thức.


Khách hàng chờ đến lượt tư vấn với Shaman Byambadorj

Khách hàng chờ đến lượt tư vấn với Shaman Byambadorj


Tế tự Byambadorj tư vấn cho khách hàng.

Tế tự Byambadorj tư vấn cho khách hàng.

Sinh ra trong một gia đình chăn nuôi ở miền nam tỉnh Khovd năm 1946 và được hướng dẫn vào nghề tế tự này từ người chú của mình. Trong thời kỳ văn hóa Shaman bị cấm, ông Byambadorj đã bí mật thực hiện các nghi lễ và bắt đầu giảng dạy công khai vào thập niên 1990 khi các lệnh cấm dần được bãi bỏ.

Ngoài thu nhập từ những nghi lễ, Shaman Byambadorj còn thực hiện các dịch vụ cầu chúc hay tư vấn tâm linh cho người dân Mông Cổ, những người muốn xin sự tốt lành, những người chủ mỏ khai thác muốn xin tư vấn tâm linh hay đơn giản là muốn chữa bệnh. Mức giá cho các dịch vụ này giao động từ 8,5 USD đến 150 USD.

Một nguồn thu nhập khác của Byambadorj là đào tạo các học viên muốn tham gia nghề này. Những học viên sẽ theo phục giúp Byambadorj trong các nghi lễ cũng như những buổi tư vấn cho đến khi được người thầy của mình xác nhận là đã tốt nghiệp. Tất nhiên, các tế tự mới này sẽ phải thanh toán một khoản tiền không nhỏ cho người thầy của mình khi đã được cấp chứng chỉ chứng nhận họ đủ khả năng làm một Shaman.

AB

Cùng chuyên mục
XEM