Vì sao ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động?

06/03/2023 18:06 PM | Kinh doanh

Lãi suất huy động không còn giảm lẻ tẻ tại một số ngân hàng và đã xuất hiện trên diện rộng. Giới phân tích cho rằng, lãi suất huy động đã tạo đỉnh và sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới.

Vì sao ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động? - Ảnh 1.

Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động

Khảo sát ngày (6/3) cho thấy, nhiều nhà băng đã cập nhật biểu lãi suất tiết kiệm mới với mức giảm 0,1 – 0,6 điểm % so với trước đó.

Cụ thể, 3 trong 4 ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank, VietinBank và Agribank đã hạ lãi suất tại quầy kỳ hạn trên 12 tháng xuống còn 7,2%/năm, thấp hơn trước 0,2 điểm %. Đồng thời, lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng – dưới 12 tháng cũng giảm 0,2 điểm % xuống 5,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giữ nguyên mức 7,4%/năm

Các nhà băng tư nhân khác như Sacombank, ACB, LienVietPostBank, Bac A Bank, VietCapitalBank, NamABank, BaoVietBank, Saigonbank sáng nay cũng đã giảm lãi suất 0,1- 0,6% tại hầu hết kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Đáng chú ý, VPBank giảm tới 2% lãi suất kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng trên kênh online, xuống còn 7,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 6 tháng giảm 0,5 điểm % xuống lần lượt 8,8% và 8,4%/năm.

Như vậy tính tới 6/3, mức lãi suất niêm yết cao nhất thị trường là 9,5%/năm, chỉ còn xuất hiện tại số ít đơn vị như SCB và Kienlongbank.

Được biết, sau khi được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cho năm 2023, các ngân hàng đã đạt được sự đồng thuận giảm lãi suất huy động 0,5 điểm % trước ngày 6/3. Riêng nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, do mức lãi suất đã thấp nên sẽ chỉ giảm khoảng 0,2%/năm so với hiện hành.

Không chờ đến mốc 6/3, ngay trong tuần qua, nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động, với mức điều chỉnh 0,3 – 0,8 điểm % như: VietABank, MSB, PG Bank, PVcomBank, Saigonbank, OCB.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các NHTM giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

NHNN cũng cho biết, trong tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm (so với cuối năm 2022); đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất hợp lý, phù hợp với kiểm soát lạm phát. Việc cắt giảm lãi suất theo Thủ tướng cần được làm thực chất.

Thanh khoản hệ thống đã ''dư giả'' hơn

Theo giới phân tích, nguyên nhân chính giúp mặt bằng lãi suất huy động hạ nhiệt là bởi thanh khoản hệ thống ngân hàng đã dồi dào hơn trước, thậm chí dư thừa.

Thực tế, để lãi suất liên ngân hàng (lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng) không bị rơi sâu, gây áp lực lên tỷ giá. Nhà điều hành phải liên tục rút về lượng lớn thanh khoản trong tháng 2 với tổng quy mô hút ròng lên tới gần 198.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong những tuần gần đây, NHNN đã sử dụng tín phiếu có kỳ hạn 91 ngày (tương đương 3 tháng) để hút thanh khoản dài hạn, với quy mô đến nay lên tới gần 74.000 tỷ đồng bên cạnh tín phiếu 7 ngày.

Việc phát hành thêm tín phiếu 91 ngày cho thấy định hướng "nhốt" tiền lâu hơn của cơ quan quản lý tiền tệ. Ngoài ra, lãi suất trúng thấu tín phiếu cũng tăng từ mức 5 – 5,6%/năm lên 6% cho thấy sự quyết liệt trong hoạt động hút thanh khoản của Nhà điều hành.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng thanh khoản dư thừa trong hệ thống đã giúp đảo chiều cuộc đua lãi suất và xu hướng giảm lãi suất huy động diễn ra trên diện rộng.

Ngoài ra, diễn biến lãi suất trên thị trường vừa qua cũng gắn với nhu cầu tín dụng còn thấp. Trong hai tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội và Tp.HCM ước tăng lần lượt 2,0% và 0,4% so với đầu năm, thấp hơn đáng kể so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Với quy mô tín dụng ở hai thành phố lớn này chiếm hơn 50% tổng quy mô tín dụng nền kinh tế, VDSC ước tính tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 02/2023 đạt khoảng 1,1%, thấp hơn mức tăng 2,7% của cùng kỳ năm 2022.

“Thanh khoản hệ thống đang “thừa nhiều hơn thiếu”, mà chúng tôi cho rằng một phần nguyên nhân đến từ cầu tín dụng thấp và áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp chưa mạnh trong những tháng đầu năm. Ngoài ra, chúng tôi cũng cho rằng việc điều hành cung tiền của NHNN vẫn có sự nhất quán giống giai đoạn tháng 6-9/2022, kiểm soát vùng biến động lãi suất trên thị trường liên ngân hàng để phù hợp với mục tiêu ổn định lãi suất và tỷ giá”, VDSC nhạn định.

Trong báo cáo mới phát hành, Chứng khoán VnDirect dự báo xu hướng giảm của lãi suất huy động này có thể tiếp tục trong vài tháng tới do những yếu tố chính sau đây: 1) một lượng lớn tiền gửi đã quay lại hệ thống ngân hàng trong quý IV/2022, 2) chỉ đạo của chính phủ/NHNN trong việc giảm lãi suất huy động/cho vay, 3) chính phủ đẩy mạnh đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế, 4) thay đổi về cách tính tỷ lệ LDR có lợi cho các ngân hàng quốc doanh.

Nhóm phân tích kỳ vọng lãi suất huy động sẽ đạt đỉnh trong quý I và sau đó giảm dần kể từ quý II dựa trên những lập luận sau: (1) FED ngừng tăng lãi suất điều hành sau quý II, theo đó áp lực lên tỷ giá VND có thể hạ nhiệt đáng kể trong nửa sau của năm 2023, (2) NHNN tích cực hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua các kênh thị trường mở, mua dự trữ ngoại hối, (3) nhu cầu tín dụng chậm lại trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm.

“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng sẽ giảm dần về mức 6,7% và 7,5% vào cuối năm 2023”, VnDirect cho biết.

Theo VnDirect, lãi suất huy động có thể giảm nhẹ trong năm nay. Tuy nhiên khó có thể giảm mạnh khi NHNN khả năng cao sẽ phải giữ nguyên lãi suất điều hành do áp lực tỷ giá và lạm phát vẫn hiện hữu, tăng trưởng tín dụng được định hướng ở mức cao 14% đòi hỏi các ngân hàng sẽ phải cân đối nguồn vốn.

Theo Quang Hưng

Cùng chuyên mục
XEM