Vì sao một trường đại học luật tại Ấn Độ quyết định Harry Potter vào giáo trình?

06/11/2018 10:44 AM | Xã hội

Nếu bạn quan sát vũ trụ Harry Potter, có rất nhiều quan điểm về hạn chế của luật pháp và các định chế, và nó cũng nói về rất nhiều điều thú vị khác.

Đa phần mọi người đều coi việc đọc Harry Potter là một giải pháp thoát ly thực tế tối thượng. Nhưng một giáo sư tại Đại học Khoa học Tư pháp Kolkata, thuộc đại học Quốc gia Đông Bengal (NUJS) lại tin rằng thế giới pháp thuật của các phù thủy cũng không hoàn toàn khác biệt so với thế giới của chúng ta.

Vì thế, cuối năm nay, Shouvik Kumar Guha sẽ dạy một khóa về vai trò và quyền lực của pháp luật ở thế giới của Harry Potter cho khoảng 40 sinh viên luật trong năm học thứ 4 và thứ 5 của họ ở trường đại học.

"Nếu bạn quan sát vũ trụ Harry Potter, có rất nhiều quan điểm về hạn chế của luật pháp và các định chế, và nó cũng nói về rất nhiều điều thú vị khác: một chính phủ thiếu dân chủ, một bộ máy tư pháp không độc lập, các công dân bị tước mất quyền tố tụng hợp pháp, v.v.", Guha cho biết. "Có rất nhiều chi tiết trong đó các tình huống tương tự cũng diễn ra ngoài đời thật".

Là một vũ trụ giả tưởng khá thuần nhất và ít gây tranh cãi, thế giới pháp thuật của Harry Potter tạo ra một hoàn cảnh thuận lợi, mà theo Guha là nó cho phép các sinh viên áp dụng kiến thức pháp luật của mình mà không phải chịu ảnh hưởng của các khuynh hướng chính trị trong thế giới thực – một yếu tố có thể khiến cho các vấn đề hiện nay trở nên phân cực.

Trong khóa học kéo dài 45 giờ mang tên "Sự giao thoa giữa Văn học Giả tưởng và Luật pháp" này, sinh viên sẽ tìm hiểu các chủ đề như các truyền thống và định chế pháp luật, gồm sự quan liêu của "Bộ Pháp thuật"; tội ác và trừng phạt, đáng chú ý là "Những lời nguyền Không thể tha thứ" và "Các phiên tòa ở Tòa án Pháp thuật cấp cao"; các giá trị xã hội, quyền của các giai cấp, đặc biệt là sự đẩy ra bên lề xã hội những đối tượng như "Người sói", "Người khổng lồ", "Nhân mã", "Máu bùn" và "Squib" (á phù thủy – những người không có phép thuật mà có cha mẹ là phù thủy).

Vì sao một trường đại học luật tại Ấn Độ quyết định Harry Potter vào giáo trình? - Ảnh 1.

"Bức tranh mà Rowling vẽ nên về chính phủ trong thế giới của Harry Potter không đẹp, nhưng tính phê phán mà bà nhắm đến gồm nhiều cấp độ, từ chức năng của chính phủ cho đến bản chất và bộ máy quan liêu đang điều hành chính phủ ấy, và những điều này thường khiến người đọc so sánh với chính phủ nước họ trong thế giới thực", Guha viết trong phần mở đầu về khóa học. "Đó là nơi ranh giới giữa thực tế và thế giới pháp nhuật bắt đầu nhòa đi và có lẽ là một trong những điểm hấp dẫn nhất mà thế giới trong truyện mang lại".

Guha nghĩ ra ý tưởng về khóa học này sau khi nhận ra rằng không có nhiều cơ hội cho sinh viên suy nghĩ một cách sáng tạo và vượt ra ngoài những khuôn mẫu nếu cứ nhất mực làm theo chương trình học của các trường luật thông thường.

"Trường của chúng tôi có 50 khóa học kỹ thuật chuyên sâu, nhưng tôi nghĩ như vậy vẫn là chưa đủ và trường nên khuyến khích suy nghĩ sáng tạo ở các sinh viên", Guha cho biết. Mặc dù vậy, một khóa học luật về Harry Potter không phải là hoàn toàn bất ngờ. Nó nằm trong tập hợp các môn học về luật và văn học, và theo Guha đây là một lĩnh vực đã được biết đến từ lâu trong luật học.

Sinh viên sẽ phải viết các bài luận và trình bày bài luận của mình trước lớp, nhưng họ có một lựa chọn khác là biểu diễn ảo thuật trong vòng 15 phút và giành được 20 điểm. Tất nhiên họ vẫn phải thi cuối kỳ và Guha cảnh báo rằng mặc dù khóa học này mang tính thử nghiệm nhưng chắc chắn là nó không hề dễ dàng.

Vì sao một trường đại học luật tại Ấn Độ quyết định Harry Potter vào giáo trình? - Ảnh 2.

Tất nhiên NUJS không phải là trường đại học đầu tiên đưa Harry Potter vào chương trình học của mình. Từ Đại học Durham đến Đại học Bang Indiana và cả Yale, các cơ sở giáo dục ở khắp nơi trên thế giới đều tìm hiểu nhiều khía cạnh của thế giới pháp thuật, gồm cả quy tắc xử thế và văn hóa của nó. Nhưng khóa học của Guha đánh dấu một sự thay đổi so với hình thức giáo dục thường thấy ở trường Đại học của Ấn Độ, nơi các chương trình học được quy định chặt chẽ và việc học thuộc lòng (học vẹt) vẫn chiếm ưu thế.

Có thể chính điều đó lý giải tại sao nó lại thu hút sự chú ý cả bên trong và ngoài trường đến vậy. Guha nói ông hết sức ngạc nhiên về điều này, và liên tục nhận được đề nghị tham gia khóa học từ nhiều sinh viên khác, mặc dù sự hạn chế về nguồn lực chỉ cho phép 40 người may mắn được tham gia khóa học lần này.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM