Vì sao mới đầu năm, từ chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài đến chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đều hối hả đi bán vàng, trang sức?

19/01/2022 16:17 PM | Kinh doanh

Công ty chứng khoán BIDV nhận định ngành bán lẻ trang sức dự kiến phục hồi theo mô hình chữ “K” sau dịch.

Theo thông tin từ Tập đoàn FLC, tập đoàn này sắp cho ra mắt thương hiệu FJC trong lĩnh vực vàng bạc, đá quý, trang sức và quà tặng cao cấp. Thương hiệu này thuộc công ty con của FLC là Công ty TNHH Vàng bạc đá quý FLC.

Một số thông tin cho thấy từ tháng 1/2018, Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC đã ra nghị quyết thành lập Công ty TNHH Vàng bạc đá quý FLC. Công ty này có số vốn điều lệ 100 tỷ đồng, với ngành nghề kinh doanh là kinh doanh vàng, sản xuất đồ kim hoàn và các ngành nghề liên quan.

Thông tin từ FLC cho biết sở dĩ công ty lấn sân sang mảng vàng, trang sức đá quý là do thế mạnh trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản đã dược triển khai nhiều năm qua tại FLC.

Không chỉ định hướng phát triển trong lĩnh vực chế tác, sản xuất, kinh doanh trang sức vàng bạc đá quý, FJC trong tương lai sẽ mở rộng cung cấp các mắt hàng mỹ phẩm, nước hoa, quà tặng, phụ kiện thuộc phân khúc cao cấp.

Theo kế hoạch bước đầu của FLC, các showroom FJC sẽ phủ sóng trên toàn bộ hệ thống quần thể du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị phức hợp của Tập đoàn FLC tại nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình...

Showroom đầu tiên của FJC dự kiến sẽ chính thức ra mắt trong tháng 1/2022, tại Trung tâm thương mại Tòa nhà Bamboo Airways Tower, với mục tiêu hình thành một trung tâm kim hoàn quy mô lớn tại Thủ đô. Được biết, FJC đã hoàn tất về cơ bản các công đoạn thi công và thiết kế.

Cũng trong tháng 1, CTCP Đầu tư Thế Giới Di động cũng thông báo ra mắt thành viên mới trong đại gia đình bán lẻ của mình - chuỗi trang sức AVAJi. Chuỗi trang sức này được Thế giới di động mở từ tháng 11/2021 với tên ban đầu là BlueJi.

AVAji chuyên bán trang sức, tuy nhiên sản phẩm của chuỗi này không thuần trang sức vàng bạc như PNJ mà còn có mắt kính, đồng hồ - 2 mảng sản phẩm phát triển khá tốt của chuỗi Thế Giới Di Động.

Vì sao mới đầu năm, từ chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài đến chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đều hối hả đi bán vàng, trang sức? - Ảnh 1.

Vì sao các công ty này hối hả lấn sân sang ngành trang sức đến vậy?

Trong báo cáo phân tích hồi cuối tháng 11/2021 về PNJ, công ty chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá kết quả kinh doanh của công ty này có triển vọng khả quan trong năm 2022 với trang sức bán lẻ sẽ là động lực tăng trưởng chính.

BSC tin rằng ngành bán lẻ trang sức dự kiến phục hồi theo mô hình chữ “K” sau dịch khi nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ không đủ năng lực tài chính buộc phải từ bỏ thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có quy mô lớn và tiềm lực tài chính vững mạnh mở rộng thị phần.

Ngoài ra quy mô ngành này dự kiến dần phục hồi và mở rộng nhờ xu hướng tiêu dùng trả thù sau dịch và việc hoãn tổ chức các sự kiện quan trọng trong 2021 như cưới hỏi,… kì vọng sẽ được triển khai trong 2022-2023. Một yếu tố khác thúc đẩy tăng trưởng là thu nhập khả dụng phục hồi cùng với tầng lớp trung lưu tăng lên trong dài hạn.

Xét về mặt số liệu kinh doanh, doanh thu của PNJ mặc dù chưa đại diện cho toàn ngành nhưng cũng phần nào chỉ ra xu hướng chung. Theo đó quý I thường là quãng thời gian công ty này có doanh thu cao nhất năm. Đây là quý người dân thường có nhu cầu chi tiêu cho trang sức nhiều nhân dịp Tết, ngày lễ tình nhân 14/2, ngày lễ quốc tế phụ nữ 8/3. Ngày vía Thần tài khi người dân có xu hướng mua vàng cũng rơi vào quãng thời gian quý I hàng năm.

Vì sao mới đầu năm, từ chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài đến chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đều hối hả đi bán vàng, trang sức? - Ảnh 2.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM