Vì sao lãi suất huy động khó giảm thêm?

01/04/2021 21:00 PM | Xã hội

Lãi suất sẽ khó tiếp tục giảm thêm trong năm nay bởi áp lực lạm phát ngày một gia tăng và trở nên khó kiểm soát cho dù tháng 3/2021 đã "hạ nhiệt" do Covid-19...

Trong khi có chuyên gia cho rằng mức lãi suất cho vay 7-8% là khá cao thì ở chiều ngược lại, có ý kiến cho rằng nếu cấn trừ lạm phát, mức lãi suất hiện nay là ở mức hợp lý

Kể từ cuối tháng 4/2020, sau hàng loạt biện pháp hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước như hạ lãi suất điều hành, cơ cấu lại nợ, ban hành chính sách hỗ trợ các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp... chi phí vay của doanh nghiệp đã được hạ nhiệt giữa lúc tình hình sản xuất, kinh doanh còn khó khăn.

Do đó, tăng trưởng tín dụng dần bứt tốc và đạt mức tăng trên 12% vào cuối năm 2020. Cụ thể, nếu cuối quý I/2020, tăng trưởng tín dụng chỉ có 1,31%, thì cuối quý II/2020 đã tăng dần lên 3,65%. Đến cuối quý III/2020, chỉ số này đã tăng 6,08% chạm mốc 12,13% vào cuối năm 2020.

HIỆU QUẢ TÍN DỤNG XẤU ĐI 

Theo ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, mức tăng tín dụng hiện nay cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế (khoảng 4,2% theo GDP danh nghĩa) một phần là do các khoản cho vay trong năm được phép gia hạn, giãn nợ theo các chương trình hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước nên các khoản này chưa quay lại hệ thống ngân hàng.

"Tuy nhiên, khoảng cách tốc độ tăng trưởng tín dụng và GDP danh nghĩa lên đến gần 8 điểm phần trăm, cao hơn hẳn so với  mức 3% trong những năm gần đây. Điều này cho thấy dường như tín dụng chưa thực sự đi vào nền kinh tế và hiệu quả tín dụng đối với nền kinh tế là đang xấu đi", ông Tú Anh cảnh báo.

Ngoài ra, theo ông Tú Anh, mặc dù lãi suất huy động giảm liên tục, nhưng huy động vốn vẫn liên tục tăng và tăng vượt tốc độ tăng tín dụng khoảng hơn 2 điểm phần trăm. Điều này một mặt giúp cho các ngân hàng thương mại tăng thanh khoản và giảm chi phí vốn huy động, mặt khác cũng làm cho tốc độ tăng tổng các phương tiện thanh toán tăng nhanh, trong khi tổng cầu vẫn suy yếu. Đến ngày 28/12/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 13,26% so với cuối năm 2019.

"Khoảng cách tốc độ tăng trưởng tín dụng và GDP danh nghĩa lên đến gần 8 điểm phần trăm, cao hơn hẳn so với mức 3% trong những năm gần đây. Điều này cho thấy dường như tín dụng chưa thực sự đi vào nền kinh tế và hiệu quả tín dụng đối với nền kinh tế là đang xấu đi".

Tuy vậy, vị chuyên gia cho rằng mức lãi suất cho vay hiện nay vẫn đang khá cao so với thị trường các nước trong khu vực, dao động 7-8%. "Con số này sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường. Bởi Trung Quốc, Thái Lan là những nước có lãi suất thấp hơn, các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn tốt hơn", ông Tú Anh nhận định và cho rằng giảm lãi suất là một nhu cầu cần thiết hiện nay.

Trong khi đó, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV lại cho rằng lãi suất hiện không phải là điểm nghẽn của tín dụng cũng như của nền kinh tế. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng bình quân đạt 14,4%, trong đó các năm 2015-2017, tăng trưởng đều trên 17%. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, tín dụng chỉ tăng hơn 12% song vẫn cao hơn so với năm 2012. Thậm chí, nếu trừ đi yếu tố lạm phát, tăng trưởng tín dụng thực của Việt Nam vẫn cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực (khoảng 10%).

"Do đó, tín dụng hiện nay không phải là câu chuyện của nền kinh tế mà vấn  đề là phải đẩy nhanh sự phát triển của thị trường vốn để đa dạng hóa kênh tiếp cận cho doanh nghiệp", ông Lực nói.

CẤN TRỪ LẠM PHÁT, LÃI SUẤT VẪN HỢP LÝ 

Theo quan điểm của ông Lực, mặt bằng lãi suất hiện đang ở mức tương đối thấp, nếu tiếp tục giảm, dòng tiền có khả năng sẽ dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác. "Vì thế, việc hạ thêm lãi suất cần cân nhắc kỹ", ông Lực khuyến nghị.

Vị chuyên gia của BIDV cho rằng lãi suất sẽ khó tiếp tục giảm thêm trong năm nay bởi áp lực lạm phát ngày một gia tăng và trở nên khó kiểm soát cho dù tháng 3/2021 đã "hạ nhiệt" do Covid-19, và người dân ít đi lại và ít du lịch hơn.

Giá dầu được dự báo sẽ tăng khoảng 30% trong năm nay do nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của thế giới tăng theo sự phục hồi của nền kinh tế và các quốc gia OPEC đang khai thác dưới nhu cầu. Sự cố vừa qua tại kênh đào Suez cũng đẩy giá dầu tăng thêm.

Hơn nữa, phân tích kỹ hơn, ông Lực cho rằng cần nhìn nhận rõ nguyên nhân dẫn đến thực tế này. Lý do đầu tiên là vì lạm phát Việt Nam cao 3-3,5%, trong khi Trung Quốc gần 2%, Philipines 2,5%, bình quân thế giới 3 năm qua là 2%.

Lý do thứ hai, theo ông Lực, là rủi ro nền kinh tế, rủi ro doanh nghiệp của Việt Nam rất cao. Việt Nam được xếp hạng BB, trong khi Indonesia là BBB, và Trung Quốc là BBB+. "Khi rủi ro cao, lãi suất đương nhiên phải cao", ông Lực nhấn mạnh.

Lý do thứ ba là chênh lệch lãi suất đầu vào của Việt Nam vẫn dương so với lạm phát.

Cuối cùng, theo ông Lực, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra của ngân hàng Việt Nam khoảng 2,6% - là mức trung bình so với các nước như Trung quốc 2,9%, Indonesia là 3,2%, ngoại lệ Myanmar 8%.

GIẢM LÃI SUẤT NỮA LÀ RẤT KHÓ 

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng việc giảm thêm lãi suất là rất khó bởi kinh tế phục hồi càng mạnh sẽ kéo theo cầu tín dụng tăng, khiến cho khả năng giảm lãi suất càng khó.

"Có thể nói, năm nay, điều hành chính sách tiền tệ phải hết sức khéo léo. Nếu chặt quá có thể cản trở sự phục hồi của nền kinh tế; nhưng nếu nới quá thì rủi ro tài chính, lạm phát cao lên. Rủi ro tài chính có thể thấy qua việc thời gian qua, lãi suất thấp, dòng tiền đã chuyển sang các kênh đầu tư khác là chứng khoán, bất động sản. Dù chưa có dấu hiệu bong bóng nhưng nếu hạ tiếp lãi suất thì rủi ro này là hiện hữu. Do vậy, theo tôi, tốt nhất là giữ mặt bằng lãi suất như hiện nay", ông chia sẻ.

Trong báo cáo về thị trường tiền tệ được SSI công bố gần đây, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI – SSI Research dự báo lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ vẫn ổn định trong quý I/2021 cũng như quý II/2021 và có thể nâng từ cuối quý sau, khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng.

Trong báo cáo vĩ mô tháng 2/2021, Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng áp lực tăng nếu có thì  nhiều khả năng chỉ mang tính chất cục bộ ngắn hạn và ở các kỳ hạn ngắn. VCBS dự báo về các chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ được duy trì ít nhất cho tới năm 2022, khi mục tiêu ưu tiên của nhiều ngân hàng trung ương lớn trong giai đoạn này vẫn là hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau dịch bệnh.

Tuy vậy, VCBS cho rằng trong bối cảnh áp lực lạm phát lớn, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, chính sách điều hành tiền tệ ở thời điểm này cần phải linh hoạt, khéo léo, phù hợp với bối cảnh của nền kinh tế trong nước cũng như thế giới.

Theo Vy Vy

Cùng chuyên mục
XEM