Vì sao là nước có nền kinh tế phát triển nhưng Pháp đang thiếu thuốc men trầm trọng?

05/11/2018 16:34 PM | Xã hội

Một nước phát triển như Pháp với hệ thông y tế lâu đời mà lại rơi vào cảnh thiếu trầm trọng thuốc men.

Pháp là một trong những nước tư bản già tại Châu Âu với nền kinh tế, xã hội phát triển. Tuy nhiên quốc gia này lại đang lâm vào tình trạng thiếu thuốc.

Mới đây, hiệp hội các bác sĩ và dược sĩ tại Pháp đã đề nghị chính phủ có hành động khi hàng loạt báo cáo cho thấy ngày càng nhiều loại thuốc tại đây dần cạn kiệt.

Ngoài các loại thuốc cho bệnh Parkinson, những dược phẩm cho các bệnh ung thư hay vaccine cũng được thông báo là cung không đủ cầu. Trên thực tế từ năm 2017, cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia (ANSM) đã nhận được 530 báo cáo về tình trạng thiếu hàng. Cơ quan này vốn có chức năng rà soát các hiệu thuốc và phòng khám nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc men.

Theo một báo cáo của ANSM, tình trạng thiếu hụt thuốc men tại Pháp trong khoảng 2008-2018 đã tăng trưởng 10 lần. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình sản xuất gặp các khó khăn về nguyên liệu. Khoảng 17% số trường hợp thiếu hụt nguồn thuốc là do thiếu nguyên liệu đầu vào. Hiện khoảng 70% số nguyên liệu làm dược phẩm tại Pháp đến từ Mỹ hoặc Châu Á và bất kỳ biến động nào từ 2 thị trường này cũng sẽ ảnh hưởng nặng đến nguồn cung thuốc của Pháp.

Một yếu tố nữa khiến Pháp thiếu nguồn cung cục bộ là do biến động trong sản xuất. Nhà máy sản xuất thuốc Sinemet chuyên sản xuất dược phẩm cho bệnh Parkinson có trụ sở tại Mỹ cho biết họ đã phải đóng cửa tạm thời do tồn hàng quá nhiều. Hệ quả là khi nguồn cầu tăng thì nhà máy không kịp đáp ứng lượng cung cho thị trường Pháp.

Trên thực tế không riêng gì Sinemet, nhiều công ty dược cũng giảm lượng hàng tồn kho thông qua việc tạm ngừng sản xuất. Bằng cách này họ có thể giảm chi phí tồn kho, tăng giá thuốc và đem lại nhiều lợi nhuận hơn. Trong khi đó, nhiều công ty thậm chí đã dừng sản xuất các loại thuốc cũ do giá thành của chúng đã giảm quá sâu và không còn lợi nhuận.

Đối với những loại vaccine, do chu trình sản xuất kéo dài từ 18-24 tháng tùy vào chủ thể sống lấy mẫu mà các nhà sản xuất không thể đơn giản tăng số lương cung.

Trước tình hình này, liên hiệp các nhà sản xuất thuốc tại Pháp đã xây dựng một hệ thống cảnh báo mới mang tên DP Ruptures, qua đó thông báo sớm số ngày các phòng khám thiếu thuốc.

Ngoài ra, một số chuyên gia đề xuất chính phủ thực hiện chính sách "cây gậy và củ cà rốt", nhằm ép buộc các công ty dược phẩm đảm bảo nguồn cung thuốc thay vì ngừng sản xuất để đầu cơ như hiện nay.

Hiện các bác sĩ và dược sĩ dược khuyến cáo kê những loại thuốc tương đương trước tình hình thiếu dược phẩm như hiện nay. Tuy nhiên, một số trường hợp ngay cả thuốc thay thế hiện cũng không còn đủ tại Pháp.

AB

Cùng chuyên mục
XEM