Vì sao khán giả chưa hào hứng đến rạp xem phim sau Covid-19?

13/05/2020 08:55 AM | Kinh doanh

Làm thế nào để giữ chân khán giả, từng bước khôi phục thói quen đến rạp sau thời gian dài là thách thức lớn đối với các nhà quản lý rạp chiếu.

Sau 3 tháng kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, Chính phủ cho phép các dịch vụ không thiết yếu được phép mở cửa trở lại. Các hoạt động du lịch, văn hoá và giải trí cũng đang dần được phục hồi. Theo đó, ngành điện ảnh trong nước có thể hoạt động kinh doanh bình thường trở lại.

Vì sao khán giả chưa hào hứng đến rạp xem phim sau Covid-19? - Ảnh 1.
Rạp chiếu phim chính thức mở cửa đón khách từ ngày 9/5.

Các rạp chiếu phim trên cả nước đã đồng loạt mở cửa đón khách từ ngày 9/5 sau thời gian đóng cửa để thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Song song với các phương án để khôi phục lại sau thời gian dài đóng cửa, các rạp chiếu phim nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Tâm lý e ngại đến rạp

Trong 2 ngày cuối tuần 9, 10/5, các hệ thống rạp CGV, Galaxy, Lotte Cinema, BHD, Beta Cinemas trên toàn quốc... đã đồng loạt mở cửa đón khách. Để mời gọi khán giả đến rạp, các đơn vị phát hành phim đã áp dụng nhiều chương trình ưu đãi như giảm giá vé, đưa ra vé đồng giá cho các suất chiếu hay tặng quà cho người xem...

Cùng với đó, rạp chiếu cũng đảm an toàn cho khán giả với những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như đo thân nhiệt tại quầy vé và khu vực chờ, sử dụng màng kháng khuẩn trên các tay cầm, cánh cửa ra vào rạp, bắt buộc mang khẩu trang đối với nhân viên và khách hàng, thực hiện xịt khuẩn tại các phòng chiếu; kiểm tra thân nhiệt nhân viên trước khi vào ca làm...

Vì sao khán giả chưa hào hứng đến rạp xem phim sau Covid-19? - Ảnh 2.
Giãn cách vị trí xếp hàng tại quầy vé, bắp nước và các vị trí ngồi chờ tại khu vực sảnh.

Nhân viên được trang bị đầy đủ kỹ năng trong trường hợp khách hàng nghi ngờ nhiễm bệnh như ho, sốt, khó thở. Hệ thống các rạp chiếu cũng thực hiện giãn cách ghế ngồi trong phòng chiếu theo dạng tách từng cặp ghế, giới hạn khán giả trong một phòng chiếu là 30 người để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Rạp phim mở cửa trở lại nhưng không có tình trạng “đông đúc” như mọi khi. Thay vì khán giả đổ xô đến rạp bởi háo hức chờ đợi lâu ngày thì rạp chiếu lại trong tình trạng ảm đạm, vắng khách dù là mở cửa vào ngày cuối tuần. Theo ghi nhận tại các cụm rạp lớn ở Hà Nội trong 2 ngày cuối tuần qua, số lượng khán giả đến thưởng thức các tác phẩm tại rạp không đến mức thất vọng nhưng chưa mấy khả quan. Lượng khách ban ngày vắng vẻ nhưng chiều tối thì có đông hơn.

Vì sao khán giả chưa hào hứng đến rạp xem phim sau Covid-19? - Ảnh 3.
Các vị trí ghế ngồi trong phòng chiếu đều thực hiện giãn cách.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Long Bình, đại diện truyền thông của CGV cho biết, lượng khán giả đến rạp tạm ổn. “Vì còn tâm lý e dè đám đông nên lượng khách đến rạp không cao hơn so với trước đây. Tuy nhiên theo quan sát của CGV lượng khán giả đến rạp có phần đông hơn so với mong đợi của chúng tôi. Điều đó chứng tỏ đến rạp xem phim vẫn là phương thức giải trí được nhiều khán giả lựa chọn”, anh Bình cho biết thêm.

Vì sao khán giả chưa hào hứng đến rạp xem phim sau Covid-19? - Ảnh 4.
Rạp phim mở cửa trở lại nhưng không có tình trạng “đông đúc” như mọi khi.

Bạn Nguyễn Thu Thuỷ, Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ: “Khi nghe tin rạp chiếu phim mở cửa trở lại, em mừng lắm vì đã lâu không cùng bạn bè đi xem phim. Nhưng dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, đi xem phim lúc này cũng chưa thoải mái lắm. Vào rạp phải rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, mỗi lần ăn bắp rang bơ hay uống nước đều rất bất tiện. Chúng em đi xem phim theo nhóm mà phải ngồi giãn cách nên cũng hơi chán”.

Phim chiếu rạp kém hấp dẫn

Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, ngành công nghiệp điện ảnh thế giới đã và đang chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Rạp chiếu phim đóng cửa, doanh thu phòng vé sụt giảm, lịch chiếu phim của hàng loạt bom tấn mùa hè bị “xoá sổ”, nhiều bộ phim buộc phải phát hành trực tuyến.

Những bộ phim bom tấn được mong đợi sẽ “làm mưa làm gió” trong mùa hè này như “Wonder Woman”, “Black Widow”, “No time to die”,… ấn định ngày phát hành ở nửa cuối năm nay. Thậm chí Universal đã hoãn “Fast 9” của Vin Diesel gần hẳn một năm so với dự kiến. “Mulan” phiên bản live-action là bom tấn chạy đua ra rạp sớm nhất nhưng khán giả cũng phải chờ đến tháng 7 để có thể thưởng thức.

Vì sao khán giả chưa hào hứng đến rạp xem phim sau Covid-19? - Ảnh 5.
Black Widow sẽ được công chiếu vào tháng 11/2020.

Trong bối cảnh đó, các hãng phim đều thận trọng trong việc thay đổi lịch chiếu để đảm bảo có thể hoà vốn, may mắn hơn thì có thể thu về lợi nhuận. Sự bất định của lịch phát hành các bộ phim bom tấn ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch chiếu phim ở các cụm rạp tại Việt Nam. Dừng hoạt động suốt 2 tháng qua, các cụm rạp thời điểm này hiện không có quá nhiều phim mới, một phần cũng do các nhà sản xuất lùi kế hoạch phát hành. Hiện tại các rạp chiếu ở Việt Nam đều có kế hoạch chiếu phim một nửa là các phim mới ra rạp, một nửa là những phim ăn khách cũ được chiếu lại để kích cầu.

Các bom tấn nước ngoài được công chiếu dịp này là “Sa mạc chết” (The Dust walker), “Phi vụ đào tẩu” (Escape From Pretoria), “Bà hoàng nói dối” (Honest Candidate), Kaiji: Trận chiến quyết tử”, “Ác mộng kinh hoàng”, “Baba Yaga: Ác quỷ rừng sâu” và “Fukushima 50: Thảm họa kép”,… Phim Việt mới ra rạp trong thời gian này là “Truyền thuyết Quán Tiên”.

Vì sao khán giả chưa hào hứng đến rạp xem phim sau Covid-19? - Ảnh 6.
Các chương trình khuyến khích khán giả ra rạp với mức giá ưu đãi. 

Ngoài ra, một vài bom tấn quay trở lại phục vụ khán giả, trong đó có “Fast & furious: Hobbs & Shaw”, “Johnny English”, … Đặc biệt 2 bộ phim Việt “Tháng năm rực rỡ” và “Anh trai yêu quái” cũng sẽ được chiếu lại trong thời gian này. Các cụm rạp CGV cũng sẽ tiếp tục chiếu các bộ phim đang chiếu dang dở trước dịch: “Nắng 3: Lời hứa của cha”, Bloodshot”, “Kẻ vô hình” (The Invisible Man).

Nhìn vào tựa các phim mới lẫn cũ được xếp chiếu xen kẽ có thể nhận thấy đây là thời điểm mà các nhà phát hành tái lập thói quen ra rạp xem phim của khán giả. Tuy nhiên, khán giả háo hức xem phim sau thời gian dài ở nhà là có nhưng phim đang chiếu ở rạp hiện tại đều là những cái tên không quá nổi bật đủ để thu hút công chúng ra rạp thường xuyên.

Vì sao khán giả chưa hào hứng đến rạp xem phim sau Covid-19? - Ảnh 7.

Bạn Ngô Thuý Quỳnh, học sinh trường THPT chuyên Ngoại ngữ Hà Nội chia sẻ: “Dù rạp chiếu phim đã mở cửa, nhưng thời điểm này, chưa có nhiều phim hấp dẫn. Những bộ phim đang chiếu toàn phim cũ. Còn những bộ phim em mong chờ như “Black Widow”, “Mulan”… thì đều bị lùi lịch”.

Đại diện CGV cho biết: “Khi rạp được hoạt động trở lại thì khó khăn lớn nhất của cụm rạp là hầu hết các phim bom tấn đều dời lịch chiếu. Tuy vậy, CGV đang nỗ lực để mang đến những bộ phim chất lượng cho khán giả Việt. Hiện tại, CGV đang áp dụng chương trình ưu đãi với giá vé từ 40.000đ, gia hạn thẻ quà tặng nhằm khuyến khích khán giả đến rạp xem phim”.

Trước đó, CGV cho biết doanh thu chiếu phim tháng 3 giảm 500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, còn tháng 4 hoàn toàn không có doanh thu. Hệ thống BHD cho biết phải chi vài chục tỷ đồng để duy trì hoạt động dù không có khách. Vì thế để có thể phục hồi và khuyến khích khán giả đến rạp xem lại những bộ phim cũ không phải là điều dễ dàng.

Phim trực tuyến “lên ngôi” mùa dịch

Trong khi đó, thói quen xem phim của người yêu điện ảnh đang dần thay đổi. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng xem phim tại nhà. Các nền tảng chiếu phim trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến hơn. Với sự đa dạng về thể loại, số lượng, khán giả có thể lựa chọn những bộ phim phù hợp với sở thích ngay tại nhà. Cuối tháng 4, Netflix đã công bố mức tăng trưởng thuê bao kỷ lục trong quý đầu tiên của năm 2020 với con số sững sờ là 16 triệu người dùng mới trên toàn thế giới.

Vì sao khán giả chưa hào hứng đến rạp xem phim sau Covid-19? - Ảnh 8.

Phải công nhận nền tảng chiếu phim trực tuyến mang lại nhiều tiện ích cho người xem trong thời gian giãn cách xã hội, có khả năng lấn át hình thức chiếu phim truyền thống cũng như là mối lo ngại đối với nhà phát hành phim. Tuy nhiên có thể khẳng định rằng, nền tảng trực tuyến không thể xoá sổ hoàn toàn rạp chiếu phim.

Bởi ra rạp thưởng thức một tác phẩm điện ảnh với chất lượng âm thanh, hình ảnh chân thực, sống động là một trải nghiệm không thể thay thế. Bên cạnh đó xem phim tại rạp còn là khoảng thời gian tương tác xã hội, chia sẻ khoảnh khắc bên bạn bè, người thân.

Có thể thấy rằng việc mở cửa rạp trở lại là tín hiệu tích cực đối với ngành điện ảnh. Thế nhưng làm thế nào để giữ chân khán giả, từng bước khôi phục thói quen đến rạp sau thời gian dài là thách thức lớn đối với các nhà quản lý rạp chiếu thời gian này./.

Theo Hạnh Lê - Hà Phương

Cùng chuyên mục
XEM