Vì sao IBM cho nhân viên giỏi tạm ngưng công việc?

23/08/2017 17:44 PM | Kinh doanh

Tạm ngưng công việc thường nhật của những nhân viên giỏi nhất công ty và cử họ đi tham gia góp phần giải quyết các vấn đề xã hội tại các quốc gia đang phát triển, cách làm của IBM.

Tại sao như vậy?

Trên thực tế, IBM tin rằng việc tạo điều kiện cho những nhân viên giỏi nhất của mình thực hiện những phần việc ngoài chuyên môn theo cách này sẽ giúp họ phát triển kỹ năng lãnh đạo và giải quyết vấn đề, hợp tác với người khác hiệu quả hơn, tăng cường sự trung thành và thu hút thêm nhiều nhân viên thế hệ millennials (những người sinh trong khoảng năm 1980 - 2000, lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội) vào công ty.

“Sau khi tham gia chương trình, các nhân viên đều quay trở lại làm việc với cách nhìn sâu sắc hơn về thế giới cũng như Công ty”, Jennifer Ryan Crozier – Chủ tịch IBM Foundation nói với CNBC.

Tên chương trình đặc biệt này là IBM Corporate Service Corps, bắt đầu được thực hiện từ năm 2008. Thu hút khoảng 5.000 ứng viên mỗi năm nhưng IBM Corporate Service Corps chỉ “gật đầu” với 10% những nhân viên xuất sắc nhất Công ty. Tính đến cuối năm 2017, IBM cử tổng cộng 3.500 nhân tài đến gần 40 quốc gia trên khắp thế giới.

Theo một phát ngôn viên của IBM, phần công việc các nhân viên này “bỏ lại” trong thời gian vắng mặt khiến Công ty mất một khoản chi phí khoảng 400.000 USD/dự án. Và tổng chi phí này đến nay đã vượt quá 70 triệu USD.

Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát nội bộ của IBM, hầu hết các cấp quản lý đều đồng ý cử những thành viên giỏi nhất trong đội ngũ mình đến làm việc tại các quốc gia đang phát triển với hy vọng họ sẽ tiến xa hơn và “sẽ đem về mức doanh thu và lợi nhuận cao hơn nữa”.

Đồng thời, các nhà quản lý đã cắt cử nhân viên tham gia chương trình (hoặc chính họ tham gia chương trình) cũng có thể tận dụng khoảng thời gian này để tìm hiểu xem những nhân viên tiềm năng nào có khả năng đảm nhận thêm nhiều trọng trách hơn hoặc nắm vai trò lãnh đạo trong một tháng “nhân viên ưu tú” vắng mặt.

Dawn Harris – một giám đốc bộ phận của IBM – đã được cử đến Philippines hồi năm 2013 và cho biết trải nghiệm tại đây đã giúp cô có được những mối quan hệ trong ngành công nghệ. Harris nói điều quan trọng nhất cô nhận được trong thời gian làm việc ở nước ngoài là sự rèn luyện trong môi trường đa dạng văn hóa – điều rất cần thiết trong lĩnh vực công nghệ hiện nay, song song đó là sự cải thiện kỹ năng giao tiếp.

“Chương trình giúp tôi rèn luyện kỹ năng quản lý đội ngũ. Tôi học được rằng tôi cần phải xây dựng, bồi đắp các mối quan hệ với nhân viên và bạn bè mình”, Dawn Harris chia sẻ.

Nhà quản lý dự án Sharon Dinneen được cử đến Thổ Nhĩ Kỳ cũng vào năm 2013. Đây là quốc gia cô chưa từng có dịp làm việc cùng trước đó. Tuy nhiên, làm việc vượt ra khỏi “vùng an toàn” đã thúc đẩy Dinneen khai thác hết tất cả các kỹ năng đã có lẫn những khả năng tiềm ẩn của bản thân.

“Sau khi trở về, trong quá trình làm việc với nhân viên, tôi đã biết cách tập trung vào khả năng của họ hơn là áp đặt những khuôn mẫu cứng nhắc của mình lên họ”, Sharon Dinneen nói.

Dinneen cho biết thêm, làm việc ở vai trò mới giúp cô "thách thức tư duy" của mình, thúc đẩy việc sử dụng các kỹ năng mềm như kỹ năng lắng nghe và giúp cô phát triển kiến thức chuyên môn nhiều hơn.

Sau chuyến công tác kéo dài một tháng đó, những người tham gia đều nói rằng chương trình IBM Corporate Service Corps đã giúp họ trở thành những người lắng nghe tốt hơn trong quá trình dẫn dắt đội ngũ, theo một cuộc khảo sát trên toàn Công ty IBM.

Có 8 trên 10 người tham gia cho rằng chương trình giúp họ tăng thêm mong muốn gắn kết sự nghiệp lâu dài với IBM. Và 9 trên 10 nhân viên nghĩ rằng đây là một trong những trải nghiệm giúp phát triển năng lực lãnh đạo tốt nhất mà Công ty đã mang đến cho họ.

Jennifer Ryan Crozier thừa nhận, người quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn khi thiếu vắng các nhân viên giỏi trong 4 tuần. Tuy nhiên, hơn 98% nhà quản lý được khảo sát nói rằng chương trình giúp cải thiện quá trình làm việc nhóm trong đội ngũ, đặc biệt là khi nhóm nhân viên của họ đến từ nhiều nơi trên thế giới. Đồng thời, những nhân viên sau khi tham gia chương trình đều trở về làm việc hiệu quả hơn.

Crozier cho biết thêm, chương trình này là một bước tiến mới, giúp các nhà lãnh đạo dẫn dắt nhân viên thế hệ trẻ tốt hơn. “Một phần ý nghĩa của chương trình là “bạn có thể thay đổi thế giới theo những cách rất thú vị”. Vì thế, chúng tôi biết chắc rằng cách làm này sẽ thu hút các nhân viên millennials và củng cố lòng trung thành của họ. Vì thế hệ millennials luôn quan tâm đến các vấn đề xã hội”, bà nói.


Theo BÍCH TRÂM

Từ khóa:  IBM , nhân viên
Cùng chuyên mục
XEM