Vì sao Hy Lạp, với dân số già, kinh tế yếu, lại 'thoát' được COVID-19
Với dân số già thứ hai ở châu Âu và một nền kinh tế mong manh, Hy Lạp đến lúc này cơ bản kiểm soát không để dịch COVID-19 tấn công ồ ạt như tại các nước láng giềng của họ.
Quảng trường Monastiraki vắng vẻ ở trung tâm Athens ngày 9/4/2020. Ảnh: AFP/Getty Images
Cuối tuần trước, lễ kỷ niệm Phục sinh theo Chính thống giáo ở Hy Lạp là một sự kiện quan trọng đối với Michalis Stratakis và vợ anh, Nancy. Họ vẫn ăn thịt cừu, nhưng thịt đã được nấu chín bằng lò vi sóng thay vì nướng nguyên con trong nhiều giờ trên than củi. Họ sơn trứng màu đỏ theo truyền thống Hy Lạp và chơi game với người thân sống ở Athens, nhưng là qua màn hình điện thoại di động từ nhà của mình trên đảo Crete. Mọi năm thì ngày này sẽ có một bữa tiệc với khoảng 20 người thân, bạn bè tham dự.
“Thật đau lòng, vì chúng tôi không có cảm giác gần gũi gia đình. Chúng tôi nói chuyện qua camera, nhưng làm sao sánh với việc bạn có thể ôm bố mẹ, chị em và bạn bè được”, Stratakis, một kế toán 44 tuổi, chia sẻ.
Tuy nhiên, Stratakis nhận thức được rằng lễ kỷ niệm Phục sinh trong tình trạng cách ly là một sự hy sinh cần thiết để bảo vệ những người thân cao tuổi và đất nước của mình.
Theo truyền thống, người Hy Lạp thường rời khỏi các đô thị đổ về vùng nông thôn và đảo để nghỉ lễ Phục sinh. Nhưng năm nay, nhà chức trách đã giám sát các nhà thờ, tuần tra trên đường phố và triển khai máy bay không người lái để giám sát thực thi các lệnh hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Các chuyên gia nói rằng việc thực thi nghiêm ngặt các biện pháp đó cộng với cách người Hy Lạp tuân thủ chúng là chìa khóa để nước này tránh được sự tàn phá tồi tệ nhất của đại dịch toàn cầu.
Hy Lạp đối phó dịch ra sao
Dịch COVID-19 bùng phát ở Hy Lạp có thể đã là một thảm họa. Là một điểm đến du lịch nổi tiếng, đón 27,2 triệu du khách chỉ riêng trong năm 2019, Hy Lạp có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19 từ khách du lịch quốc tế. Nước này lại có nền dân số già thứ hai trong EU, chỉ sau Italy, và ngành y tế chịu ảnh hưởng lớn bởi chính sách khắc khổ, trong khi nền kinh tế thì tê liệt, sụt giảm gần 40% so với năm 2008.
Năm 2019, các quan chức Hy Lạp cho biết sau ba lần cắt giảm mạnh ngân sách cho hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng, nước này chỉ có 560 giường chăm sóc đặc biệt (ICU) trên toàn quốc (với dân số 11 triệu) – tương đương tỉ lệ 5,2 giường/ 100.000 dân, so với ở Đức là 29,2 giường.
Nhân viên y tế khử trùng tại quảng trường Syntagma, Athens ngày 23/3/2020. Ảnh: Getty Images
Tuy nhiên, đến hiện tại, Hy Lạp đã tránh được kịch bản xấu của đại dịch toàn cầu, với chỉ trên 2.400 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 121 trường hợp tử vong – một trong những số liệu thấp nhất Liên minh châu Âu. Trong những tuần gần đây, bệnh viện ở Modena đã chứng kiến số bệnh nhân COVID-19 nhập viện giảm 30%.
Các nước hàng xóm Địa Trung Hải của Hy Lạp thì không may mắn như vậy. Italy là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất trên thế giới, với gần 200.000 trường hợp mắc bệnh và hơn 25.000 ca tử vong; Tây Ban Nha cũng bị dịch tấn công tương tự, với trên 210.000 ca nhiễm và trên 22.000 người tử vong. Ở phía Đông, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia không ghi nhận trường hợp COVID-19 nào cho đến ngày 11/3, nhưng hiện đã có gần 100.000 ca nhiễm và trên 2.300 ca tử vong (tính đến ngày 23/4).
Những biến động gần đây ở các quốc gia từng có số lượng ca bệnh thấp, như Singapore, cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể nhanh chóng đảo ngược tình thế ngay cả ở những quốc gia xử lý tốt ban đầu. Tuy nhiên các chuyên gia nói rằng vẫn có thể học hỏi từ Hy Lạp.
Hy Lạp đã làm gì đúng
Theo các nhà phân tích, chìa khóa cho sự thành công của Hy Lạp là những hành động sớm của chính phủ nhằm ngăn chặn SARS-CoV-2 trước hầu hết châu Âu.
Vào cuối tháng 2, trước khi ca tử vong đầu tiên được ghi nhận, các lễ hội tại Hy Lạp đã bị huỷ. Các trường học và đại học trên toàn quốc đóng cửa vào ngày 10/3, khi chỉ có 89 trường hợp mắc bệnh. Quán cà phê, nhà hàng và điểm du lịch bị đóng cửa 3 ngày sau đó.
Tiến sĩ Stella Ladi, cựu cố vấn chính sách công của chính phủ Hy Lạp, hiện là Phó giáo sư tại Đại học Panteion (Athens) nhận xét chính phủ đã hành động nhanh chóng vì họ hiểu rằng hệ thống y tế nước nhà sẽ không thể chống đỡ được.
“Thật không may, ở Italy cứ 2 phút lại có một người tử vong”, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nói khi thông báo lệnh phong toả toàn quốc ngày 22/3. “Chúng ta phải bảo vệ lợi ích chung, bảo vệ sức khoẻ của mình”.
Chính phủ cũng bắt đầu phát sóng truyền hình hàng ngày về tình hình dịch bệnh, cảnh báo người dân rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu đồng nghĩa phải thực hiện sớm các biện pháp khắc nghiệt để cứu sinh mạng người dân. Chiến lược truyền thông cũng quan trọng không kém các biện pháp can thiệp sớm - ông Panos Tsakloglou, giáo sư tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Athens cho biết. “Mỗi ngày vào 6 giờ tối, mọi người lại ngừng làm mọi việc để theo dõi diễn biến dịch”.
Điều trị cho bệnh nhân COVID tại bệnh viện ở Athens, Hy Lạp. Ảnh: Greek City Times
Các biện pháp phong toả đã được người dân ủng hộ rộng rãi vì những lý do tương tự. Công chúng Hy Lạp hiểu rằng hệ thống chăm sóc sức khoẻ của họ sẽ nhanh chóng đổ sập nếu dịch lan tràn, vì vậy họ chấp nhận các biện pháp của chính quyền,
Phó giáo sư Stella Ladi nhận xét, tầm quan trọng của sức khỏe trong văn hóa Hy Lạp cũng là một lý do khác khiến người Hy Lạp dễ dàng chấp nhận phong toả đất nước. "Nhìn từ góc độ văn hóa, mọi cuộc trò chuyện, mọi mong muốn cho tương lai, luôn kết thúc bằng những cụm từ chúc cho sức khoẻ tốt”, bà Ladi nói với tạp chí Time. “Không có gì phải bàn cãi liệu sức khỏe có quan trọng hơn việc mở cửa hàng của bạn. Sức khoẻ quan trọng nhất và cửa hàng đứng thứ hai. Đó không phải là một vấn đề gây tranh cãi như ở những nơi khác”.
Chính phủ cũng đã sử dụng biện pháp phong toả để tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe, tăng số lượng giường ICU từ 565 vào đầu tháng 3 lên 910 vào cuối tháng. Và một thỏa thuận giữa chính phủ Hy Lạp và các bệnh viện tư cho phép họ tiếp nhận những bệnh nhân mắc các bệnh không liên quan đến COVID, giải phóng không gian cho bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện công.
Mối lo từ các trại tị nạn
Trên các hòn đảo của Hy Lạp có khoảng 40.000 người di cư sống trong những điều kiện khá tồi tàn. Tại trại đông người nhất trên đảo Lesvos, nơi chỉ có ba bác sĩ phục vụ, hơn 18.000 người chen chúc trong chưa đầy 0,1km2, theo Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC). Mật độ dân số ở đây cao gấp 6-8 lần so với du thuyền Diamond Princess, nơi virus SARS-CoV-2 từng lây lan nhanh hơn cả ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Cho đến nay, không có trường hợp nào mắc COVID-19 trong các trại tị nạn đông đúc nhất trên các đảo Hy Lạp. Nhưng hai trại trên đất liền đã bị cách ly sau khi 44 trường hợp được xác nhận nhiễm virus. Hôm 16/4, Chính phủ Hy Lạp cho biết họ sẽ di dời 2.380 người (gồm những người cao tuổi và có bệnh nền, cùng gia đình họ) khỏi các trại di cư trên đảo về đất liền. Athens cũng hạn chế đi lại trên toàn quốc đến ngày 10 -13/5.
Trở lại với đảo Crete, anh Stratakis cho biết mặc dù mọi người không thích mệnh lệnh của chính phủ, nhưng mối quan hệ gia đình gần gũi và tôn trọng người già luôn được nhấn mạnh trong xã hội Hy Lạp. Không ai tha thứ cho bản thân nếu họ nhiễm virus và làm lây nhiễm cho cha mẹ già. “Chúng tôi không thể tưởng tượng nổi việc không thể tổ chức lễ Phục sinh với người thân vào năm tới vì họ đã nhiễm virus và rời khỏi thế giới này”, Stratakis nói với tạp chí Time.