Vì sao hôn nhân trong giới doanh nhân lại dễ tan vỡ hơn những người khác?

10/10/2018 20:15 PM | Kinh doanh

Đối với mỗi người trưởng thành, duy trì hôn nhân cũng là một việc không đơn giản. Theo số liệu, gần 50% những người kết hôn đã trải qua ly dị hoặc ly thân tính đến trước 60 tuổi.

Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu về chủ đề doanh nhân và ly dị, nhưng nhiều sáng lập viên các công ty nói rằng áp lực và yêu cầu cực lớn từ việc quản lý công ty đã gây tổn hại không nhỏ đến hôn nhân của họ. Và tệ hơn, một cuộc hôn nhân thất bại cũng dễ dàng hủy hoại cả một doanh nghiệp đang trên đà phát triển.

Ngay cả những doanh nhân thành công nhất cũng từng trải qua thất bại trong hôn nhân. Sergey Brin, đồng sáng lập Google đã chia tay với vợ mình là Anne Wojcicki, đồng sáng lập công ty xét nghiệm DNA 23andMe. Vào năm 2010, 2 đồng sáng lập Wynn Resorts là Steve và Elaine Wynn cũng ly dị… lần thứ 2. Và Elon Musk, ông chủ của Tesla Motors và SpaceX, cũng đã ly dị 2 lần liền kể từ năm 2010.

Đối với các doanh nhân có vợ/chồng cùng làm việc, một trong số những trở ngại lớn nhất thường là tài chính. Nghiên cứu cho thấy những xung đột về tiền bạc này rất có hại với hôn nhân. Những cặp đôi thường xuyên cãi cọ về tiền có khả năng ly hôn cao hơn hẳn so với những cặp chỉ cãi nhau về bố/mẹ chồng, việc nhà, v.v.

Điều hành một công ty khởi nghiệp đòi hỏi phải đầu tư và chấp nhận rủi ro tất cả mọi thứ bạn có (và thậm chí còn hơn thế nữa) để doanh nghiệp được vận hành và phát triển. Và gia đình của bạn cũng đi cùng cuộc phiêu lưu đó, dù muốn hay không.

Xét về nhiều mặt, hôn nhân và làm doanh nhân có vẻ mâu thuẫn với nhau. Con đường doanh nhân là một lối đi độc hành, đòi hỏi nhiều lần chấp nhận rủi ro, trong khi hôn nhân chủ yếu là về an bình và sự đồng hành. Thường thì hôn nhân và việc làm ăn trở thành 2 đối thủ, mỗi bên chiếm trọn một khoảng thời gian quý báu của người chủ doanh nghiệp.

Vì sao hôn nhân trong giới doanh nhân lại dễ tan vỡ hơn những người khác? - Ảnh 1.

Điều đáng lo ở đây là nếu bạn lơ đễnh việc làm ăn và tập trung cho hôn nhân, bạn sẽ mất công ty, những hy sinh mà bạn và gia đình đã trải qua sẽ trở nên vô nghĩa. Nhưng nếu bạn chọn công ty và bỏ bê gia đình, bạn có thể mất vợ/chồng… và đôi khi cả công ty nữa.

Khi hôn nhân của người chủ doanh nghiệp gặp sóng gió, nó không chỉ làm tan vỡ gia đình, mà còn có thể ảnh hưởng đến công ty và nhân viên ở đó. Trong một số trường hợp, việc ly dị còn gây tổn hại lâu dài đến doanh nghiệp của bạn. 

Chẳng hạn 9 bang ở Mỹ (Arizona, California, Idaho, Louisiana, Nevada, New Mexico, Texas, Washington, and Wisconsin) quy định rằng tài sản chung của 2 vợ chồng sẽ được chia đôi, trong đó có cả cổ phiếu công ty. Ở nhiều vụ, các công ty đã được bán để lấy tiền mặt trả cho người còn lại. Nếu không, hai vợ chồng vừa cãi cọ và ly dị buộc phải trở thành đối tác kinh doanh.

Ở một số trường hợp khác, việc ly dị của người lập ra công ty khiến cho đà tăng trưởng giảm sút. Đó là điều đã xảy ra với FuzziBunz, một công ty tã vải ở Louisiana. Sau khi mở ra công ty vào năm 2000, Tereson Dupuy ly dị chồng vào năm 2006. Khi đó FuzziBunz đang có doanh thu hàng năm 3 triệu USD. 

Khi chia tài sản, tòa phán quyết giá trị của công ty dựa vào doanh số dự tính trong 10 năm, chứ không phải giá trị hiện tại. Để mua lại cổ phiếu của chồng, Dupuy đẩy FuzziBunz vào món nợ 2,2 triệu USD. Điều tệ hơn là trong các cuộc đàm phán chia tài sản, tòa tạm thời trao quyền điều hành công ty cho chồng của Dupuy khi đó.

Vì thế câu hỏi đặt ra với hầu hết các doanh nhân là, làm thế nào để cứu hôn nhân khỏi xung đột với công ty?

Bước đầu tiên là thừa nhận vấn đề. Với Brad Feld, thành viên sáng lập kiêm giám đốc điều hành Foundry Group, điều đó diễn ra 14 năm trước, khi hôn nhân của ông sắp sửa tan vỡ. Lúc ấy, vợ ông là Amy Batchelor đã nói với ông: "Tôi hết chịu nổi rồi".

"Tôi vừa nói với Amy ‘Em là người quan trọng nhất đối với anh’, và sau đó khi đang ngồi ăn tối thì có điện thoại, tôi tập tức nói (mà không cần nhìn xem ai gọi) ‘chờ chút đã. Anh phải nghe điện thoại".

Sau đó, họ cùng nhau đặt ra các quy định và kỳ vọng. Cứ hàng quý họ lại có 1 tuần chỉ dành cho nhau. Họ ăn tối với nhau một bữa đặc biệt mỗi tháng để suy ngẫm và nói chuyện, bên cạnh đó là tặng quà nhau và đi chơi cùng nhau. Họ cùng ghi lại số giờ Feld phải làm việc mỗi ngày, và lập kế hoạch để giảm bớt. Họ cũng xin lời khuyên từ các cặp vợ chồng là doanh nhân khác.

Dành thời gian cho nhau thường xuyên là rất quan trọng, ngay cả khi những khoảnh khắc chung đó là rất ngắn. Một điều nữa quan trọng không kém là phải thành thật về cảm xúc của chính mình, và thực sự lắng nghe tiếng nói của vợ/chồng mình.

Debbie Madden nói cuộc hôn nhân kéo dài 14 năm của bà cũng suýt đi đến bờ vực sau khi hai người không còn nói chuyện được với nhau. Bà và chồng, Rex, liên tục cãi vã về việc bán hay không bán cổ phiếu của Cyrus Innovation – một công ty tư vấn phát triển phần mềm – cho một đối tác làm ăn. Khi đó, bà đang là CEO và chồng bà là một thành viên ban quản trị của công ty.

Nhưng họ đã chịu đựng được sự căng thẳng và bắt đầu nói chuyện lại với nhau. Bà chấp nhận nhún nhường, ngăn mình không đưa ra những quyết định ngay lập tức trong khi chồng cần thời gian để suy nghĩ. Và Rex cũng dần trở thành một người cởi mở hơn chứ không dồn nén trong lòng như trước nữa, ông cố gắng giải tỏa mọi bực dọc trước khi chúng chất đống và lớn dần.

Trisha Harp, người sáng lập ra công ty tư vấn và nghiên cứu Harp Family Institute, nói rằng những khó khăn chung mà cả hai phải đối mặt sẽ mang họ lại gần nhau: "Bạn có một mục tiêu chung để phấn đấu". Ngoài ra cả 2 vợ chồng cũng cần có những cuộc nói chuyện về tình trạng của công ty. "Bạn họp với nhân viên ít nhất mỗi lần một tuần để xem công ty thế nào và mọi người làm việc ra sao, đúng không?" bà nói. "Vậy thì điều tương tự cũng nên thực hiện với vợ/chồng mình".

Harp khuyên các cặp vợ chồng cùng nhau lập ra các mục tiêu lâu dài cho cả gia đình và công ty. Bà còn cho rằng họ nên giúp nhau trao đổi hiệu quả hơn bằng các câu hỏi như "Em/anh muốn nghe về chuyện ở công ty chứ?" và "Em/anh có muốn anh/em gợi ý không, hay chỉ cần anh/em lắng nghe thôi?"

Mặc dù đã quá muộn cho các cuộc hôn nhân đầu tiên, một số doanh nhân đang học cách làm mọi thứ khác đi ở những lần sau. John Schnipkoweit ly dị vào năm 2012 sau khi bán công ty đầu tiên Ovation Networks – nhà cung cấp internet không dây ở Cedar Rapids, Iowa – và sau đó nhảy ngay vào một công ty khởi nghiệp khác.

Hiện nay Schnipkoweit đã có bạn gái mới và đang cố tránh vết xe đổ của chính mình. Chẳng hạn, ông biết mình sống theo một thời khóa biểu bận rộn và "thời gian rất dễ vụt khỏi tầm tay" của mình. Vì thế, cũng như Brad Feld, ông rất cẩn thận khi sắp xếp thời gian dành cho bạn gái. Rốt cuộc thì như ông nói: "Nếu mối quan hệ của bạn là điều đáng ưu tiên, tại sao bạn không dùng chính tài năng của mình khi làm ăn để giải quyết mối quan hệ đó và làm cho nó tốt lên?"

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM