Vì sao hình ảnh phù thuỷ luôn gắn liền với cây chổi?

01/11/2016 21:32 PM | Sống

Ít ai ngờ rằng cây chổi chẳng có mấy liên quan tới phù thuỷ, nhưng vì lạm dụng một loại nấm gây ảo giác cùng cách thức dùng loại nấm này mà người ta đã gán cho phù thuỷ hình ảnh đó.

Ở châu Âu vào thời kỳ Trung Cổ bắt đầu chuyển qua Phục Hưng, bánh mỳ được làm chủ yếu bằng lúa mạch. Lúa mạch và các loại cây tương tự có thể chứa nấm cựa gà, loại nấm có khả năng gây chết người nếu ăn vào với liều lượng lớn. Tuy nhiên ở lượng nhỏ nó lại có tác dụng gây ảo giác.

Các ghi chép từ thế kỷ 14 đến 17 có nhắc tới một nạn dịch kỳ quái khi nhiều người nhảy múa trên các con phố, nói năng lảm nhảm và sùi bọt mép cho đến khi kiệt sức và gục ngã.

Và như thường lệ, con người sau khi biết được nguyên nhân của chứng bệnh này, đã tìm cách “thuần hóa” nấm cựa gà, tất nhiên vì khả năng gây ảo giác của chúng. Và họ cũng làm vậy với các loại cây có tác dụng tương tự.

Vậy tại sao cây chổi lại liên quan đến chuyện này? Vì để đạt được hiệu quả gây ảo giác, những người sử dụng chất này (có thể gọi là những con nghiện đầu tiên) cần một phương thức đưa nó vào cơ thể phức tạp hơn một chút so với quá trình tiêu hóa thông thường.

Khi được sử dụng, những chất gây ảo giác này có thể gây nhiều tác dụng phụ khó chịu – gồm có ghê cổ, nôn và mẩn ngứa trên da. Tuy nhiên những gì người ta nhận ra là hấp thụ chất này qua da có thể tránh được các tác dụng phụ trên. Và khu vực có khả năng tiếp nhận cao nhất của cơ thể cho mục đích này chính là tuyến mồ hôi ở nách và niêm mạc của bộ phận sinh dục.

Tranh khắc gỗ một phù thủy đang chuẩn bị “bay”
Tranh khắc gỗ một phù thủy đang chuẩn bị “bay”

Vì thế người ta đã tạo ra các loại thuốc mỡ chứa chất gây ảo giác, được gọi chung là dầu xoa của phù thủy (witch’s brew). Và để bôi loại thuốc này với hiệu quả cao nhất, người ta dùng một vật dụng rất quen thuộc trong nhà: cây chổi. Cụ thể hơn ở đây là cán cây chổi.

Theo một ghi chép từ cuộc điều tra thuật phù thủy vào năm 1324:

Khi kiểm tra các tủ đồ của người này, người ta tìm thấy một ống thuốc mỡ mà người đó dùng để bôi vào một cây gậy thường dùng để chống lúc đi lại.

Nhưng còn về chuyện phù thủy bay thì sao?

Một phần của chuyện này có thể liên quan đến vị trí của những cây chổi trong các nghi thức dị giáo. Cây chổi được coi là công cụ cân bằng cả “năng lượng giống đực (cán chổi cứng) và giống cái (phần rễ chổi)”, vì thế nó thường được sử dụng trong các nghi thức hôn nhân.

Nhưng có lẽ chắc chắn hơn đó là vì khi người ta dùng cán chổi để đưa thuốc mỡ chứa chất gây ảo giác vào cơ thể qua bộ phận sinh dục, tinh thần người đó như được bay bổng. Về cơ bản, nhờ có cây chổi mà họ “bay” được.

Thật vậy. Và đây là những gì Gustav Schenk mô tả tác dụng của tropane alkaloid khi hấp thụ vào cơ thể:

Răng tôi nghiến lại, và một cơn thịnh nộ choáng váng chiếm lấy cơ thể tôi… nhưng tôi cũng biết rằng toàn thân đang tràn ngập một cảm giác khoan khoái kết hợp với cảm nhận là chân tôi nhẹ bẫng, kéo dài ra và tách rời khỏi cơ thể. Mỗi bộ phận trên cơ thể dường như cũng tách rời ra, và một nỗi sợ hãi xâm chiếm lấy tôi đó là tôi đang dần tan ra. Đồng thời tôi cũng trải qua một cảm giác say sưa như đang bay… Tôi bay vút lên mọi ảo giác đang vây quanh mình – những đám mây, bầu trời hạ dần xuống, những đàn súc vật, những chiếc là đang rơi…những cột khói cuộn lên vô vàn dòng sông kim loại nóng chảy – tất cả đều trộn lẫn vào với nhau.

Vậy là bạn đã rõ rồi nhé, từ lúa mạch đến những cây chổi bay. Nhưng tất nhiên những mụ phù thủy trong trí tưởng tượng không nhất thiết phải bị buộc tội vì những tà thuật của mình. Vào năm 1976, Linnda Caporael đã giới thiệu một công trình nghiên cứu cho biết khu vực Massachusetts vào cuối thế kỷ 17 đã trở thành nạn nhân của loại nấm cựa gà sinh sôi lan rộng.

Và các học giả sau này đã có những bằng chứng chứng minh được rằng: ở Massachusetts năm 1692 đã xảy ra một cơn đại dịch nấm, mà trong một ngữ cảnh khác, được cho là do loại “dầu xoa của phù thủy” gây nên.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM