Vì sao hàng loạt đại gia như Vingroup, Hoà Phát, doanh nghiệp FDI đua nhau đổ tiền vào bất động sản công nghiệp?

15/03/2022 07:40 AM | Kinh doanh

Thị trường bất động sản công nghiệp đã ghi nhận những tín hiệu tăng trưởng tích cực, trở thành lĩnh vực nổi bật thu hút nguồn vốn từ FDI cũng như từ doanh nghiêp trong nước.

Những năm trở lại đây, ngoài các sản phẩm nhà ở, khu đô thị, bất động sản du lịch thì bất động sản công nghiệp cũng là "mảnh đất" đang được nhiều doanh nghiệp lớn để mắt.

Điển hình là Vingroup. Sau thành công tại bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng và bán lẻ, Vingroup đang lấn sân sang mảng kinh doanh bất động sản công nghiệp. Tập đoàn này đang vận hành khu công nghiệp 335 héc-ta tại Hải Phòng đang được vận hành, đồng thời đã được phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp trung tâm lô CN4, CN5 Khu kinh tế Vũng Áng quy mô hơn 1.230ha tại Hà Tĩnh.

Năm 2021, Hoà Phát cũng đánh động việc trở lại thị trường bất động sản bằng việc tăng vốn điều lệ Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Hòa Phát lên mức 6.000 tỷ đồng cho công ty. Hoà Phát sẽ tập trung vào lĩnh vực bất động sản đô thị và bất động sản công nghiệp.

Hiện Hòa Phát đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật 3 KCN, bao gồm: KCN Phố Nối A (diện tích 596,44 ha) và KCN Yên Mỹ II (giai đoạn 1 là 97,5 ha) tại Hưng Yên; KCN Hòa Mạc (diện tích 131 ha) tại Hà Nam. Trong đó, KCN Phố Nối A đang thực hiện thủ tục đầu tư mở rộng thêm 92,5 ha về phía Đông, KCN Yên Mỹ II cũng sẽ được mở rộng giai đoạn 2 thêm hơn 200 ha. Hiện các KCN đang được đầy tư cơ sở hạ tầng mở rộng để tiến hành khai thác cho thuê đất, sẵn sàng đón thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến thuê đất trong thời gian tới.

Vì sao Vingroup, Hoà Phát hay doanh nghiệp FDI đều chen chân vào bất động sản công nghiệp? - Ảnh 1.

KCN của Vingroup ở Hải Phòng

Bất động sản công nghiệp cũng là lĩnh vực nhận được sự quan tâm lớn của nguồn vốn đầu tư FDI. Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội nhận định: "So với các nước láng giềng trong khu vực, Việt Nam đang ở một vị thế khá thuận lợi. Thứ nhất, giá bất động sản vẫn tương đối phải chăng nếu đặt lên bàn cân với các nước khác như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, hay Ấn Độ. Mặc dù giá đang trên đà tăng, chúng tôi nhận thấy nhiều dự án mới đang được bổ sung vào nguồn cung tương lai. Đây sẽ là yếu tố ảnh hưởng tới chi phí đất đai.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, vấn đề nằm tại lực lượng lao động, bao gồm chất lượng tay nghề, môi trường làm việc và phúc lợi xã hội. Với nhiều cơ hội việc làm và phát triển, giá nhân công tại Việt Nam ở mức tương đối trong khu vực. Hơn thế nữa, vì khung pháp lý tương đối đơn giản, các doanh nghiệp cũng cảm thấy thoải mái khi đầu tư vào và làm việc tại Việt Nam".

Vị chuyên gia Savills cho rằng lý do bất động sản công nghiệp tại Việt Nam thu hút vốn FDI nằm ở việc đất công nghiệp ở nước ta có mức giá tương đối hợp lý, có nhiều nhà phát triển bất động sản uy tín cùng với chính sách pháp lý phù hợp. Bên cạnh đó, có thể kể đến các yếu tố khác như dân cư, dân số lao động, chi phí nhân công, mạng lưới giao thông thuận tiện và khả năng tiếp cận các cảng và sân bay quốc tế, nhằm phục vụ việc xuất nhập khẩu thành phẩm và sản phẩm.

Vì sao Vingroup, Hoà Phát hay doanh nghiệp FDI đều chen chân vào bất động sản công nghiệp? - Ảnh 2.

Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội

"Ngoài những điều kiện thuận lợi này, hoạch địch chính sách một cách đúng đắn từ cấp trung ương đến địa phương cũng tạo nên sức hấp dẫn của Việt Nam. Kết quả có thể kể đến việc nhiều công ty mới đang gia nhập thị trường do những ưu đãi thuế tại các khu vực kinh tế trọng điểm. Hiện nay các doanh nghiệp đang cố gắng mở rộng và đa dạng hoá thị trường để không bị phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam nổi lên với sự ổn định về chính trị, cơ hội đầu tư rộng mở, đáp ứng được các nhu cầu từ doanh nghiệp liên quan đến các yếu tố pháp lý và hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Tuy thủ tục hành chính vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng cũng đã có nhiều cải thiện. Nhìn chung, có rất nhiều nhân tố “kéo” các nhà đầu tư về với thị trường Việt Nam, thay cho những địa điểm khác như Trung Quốc, Ấn Độ hay Thái Lan", ông Matthew giải thích.

Thị trường bất động sản công nghiệp hiện đang ghi nhận nhiều dự án trung tâm dữ liệu và kho vận với nguồn đầu tư chất lượng cao, góp phần làm gia tăng uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, quyết định mở cửa đường bay vào ngày 15/3 sẽ giúp các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp cận dự án khu công nghiệp tại Việt Nam dễ dàng hơn. Điều này sẽ tạo bước tiến lớn cho đà tăng trưởng của phân khúc này trong năm 2022.

Hoàng Thuỳ

Cùng chuyên mục
XEM