Vì sao doanh nghiệp Hà Nội kêu cứu vì 'giấy phép con' ?

14/09/2017 17:06 PM | Kinh tế vĩ mô

Xe có trọng tải từ 0,5 tấn đến 1,25 tấn chỉ được chạy vào nội thành Hà Nội vào ban đêm nhưng phải có giấy phép.

Theo Cổng thông tin Chính phủ, mới đây, rất nhiều ý kiến phản ánh những bất cập trong Quyết định 06/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn.

Cụ thể, tại khoản 1, điều 5, chương II quy định: "Các loại xe ô tô vận tải có trọng lượng đến 1,25 tấn: Cấm hoạt động trong giờ cao điểm" đối với khu vực hạn chế. Khu vực này bao phủ một vùng rất rộng trung tâm thành phố.

Tại khoản 2, điều 5, chương II cũng quy định với vùng hạn chế này: "Các loại xe vận tải có trọng lượng từ trên 1,25 tấn trở lên, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe chuyên dùng và các loại xe máy thi công: Chỉ được phép lưu hành từ 21h đến 6h sáng ngày hôm sau và phải có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền".

Nhiều ý kiến cho rằng Quyết định 06 của UBND TP. Hà Nội đã đặt ra những giấy phép con vô lý, tạo rào cản đối với doanh nghiệp. Quyết định này đã cấm gần như toàn bộ các xe tải hoạt động ban ngày. Còn trong khung giờ từ 21h tối đến 6h sáng hôm sau, dù được phép chạy nhưng các xe tải vẫn cần phải có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền - một loại "giấy phép con" gây rất nhiều phiền toái.

Bên cạnh đó, tại khoản 1, điều 2, chương I thì “trọng lượng” được hiểu là: "Trọng lượng toàn bộ của xe gồm trọng lượng bản thân xe cộng với trọng lượng hàng theo thiết kế". Tuy nhiên, thực tế gần như không có một loại xe tải nào có gắn thùng, đang lưu hành tại Việt Nam có tổng trọng lượng bản thân xe cộng với trọng lượng hàng theo thiết kế nhỏ hơn 1,25 tấn. Thậm chí, chỉ riêng trọng lượng bản thân xe thôi cũng đã vượt qua con số này.

Cấm xe vào ban ngày thì cả nền kinh tế Hà Nội sẽ lưu thông hàng hoá bằng phương tiện nào?

Đây là câu hỏi được đặt ra bởi đại diện Công ty TNHH VT và TM Khang An Phát, một doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn TP. Hà Nội.

Công ty này cho rằng, quy định cấm xe chạy vào ban ngày, chỉ cho chạy ban đêm gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, bởi các đơn vị kinh doanh, cửa hàng chỉ làm việc vào ban ngày. Đây còn là động cơ khiến các chủ phương tiện vận tải phải tìm cách “lách luật”.

Vì sao doanh nghiệp Hà Nội kêu cứu vì giấy phép con ? - Ảnh 1.

Quy định cấm xe chạy vào ban ngày, chỉ cho chạy ban đêm gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc tất cả các loại xe tải nhỏ có trọng tải từ 0,5 tấn đến 1,25 tấn đều bị gộp chung với loại xe siêu trường, siêu trọng, lại phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cũng là một quy định rất vô lý. 

“Nhiều khi chỉ để chở một cái tủ lạnh, một cái ti vi hoặc một cái bàn học sinh, trong khi thành phố đã trong tình trạng đường xá thưa vắng, mà vẫn phải có giấy phép mới được vào hoạt động”, Khang An Phát bức xúc.

Doanh nghiệp này khẳng định, gần như 100% các loại xe nhỏ từ 0,5 tấn đến 1,25 tấn hiện nay đều lách luật, lách sự vô lý quy định tại Điều 5 Quyết định 06 bằng rất nhiều cách, kể cả cách tiêu cực, để hoạt động được vào ban ngày.

Trong khi đó, TP.HCM có mật độ giao thông dầy đặc, tần suất tắc nghẽn giao thông gấp nhiều lần Hà Nội nhưng vẫn chỉ cấm xe tải trọng từ 0,5 tấn - 1,25 tấn hoạt động trong nội thành vào giờ cao điểm sáng từ 6h00 - 8h00, chiều từ 16h30 - 19h30.

Đặc biệt, TP.HCM quy định về tải trọng xe (tức là lượng hàng xe chở), chứ không như Hà Nội quy định về trọng lượng xe (gồm cả trọng lượng bản thân xe và hàng hóa).

Gửi phản ánh tới Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, doanh nghiệp đặt câu hỏi: “Nếu cấm hoạt động toàn bộ các xe có trọng tải nhỏ vào ban ngày thì cả nền kinh tế Hà Nội sẽ lưu thông hàng hoá bằng phương tiện nào?”

Tại sao không sử dụng biển cấm?

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội – Bùi Danh Liên cho rằng, đến bây giờ ông vẫn ông hiểu mục đích của quy định yêu cầu giấy phép lưu hành do cơ quan có thẩm quyền cấp để được phép chạy theo khung giờ.

Vì sao doanh nghiệp Hà Nội kêu cứu vì giấy phép con ? - Ảnh 2.

Doanh nghiệp khẳng định gần như 100% các loại xe nhỏ từ 0,5 tấn đến 1,25 tấn hiện nay đều lách luật.

“Tại sao lại phải yêu cầu giấy phép như vậy mà không làm các biển cấm đường như biển cấm taxi, khi đó khỏi phải xin giấy phép, chỉ cần trong khung giờ cấm không cho xe chạy thôi, thế đơn giản hơn”, ông Liên nêu quan điểm.

Trong khi đó, thủ tục xin giấy phép rất mất thời gian và phiền phức, đó là chưa kể đến những đơn vị ở xa hàng chục cây số từ Sơn Tây, Ba Vì phải về Hà Nội xếp hàng chờ đợi.

Hơn nữa, theo ông Liên, “quy trình cấp phép cũng đang không ổn, ẩn chứa nhiều tiêu cực. Người đi làm giấy tờ mất rất nhiều thời gian chờ đợi mà hàng hóa thì cần lưu thông gấp”.

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến của cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh xe tải nhỏ đề nghị UBND TP. Hà Nội xem xét:

- Sửa đổi và bãi bỏ những điều khoản bất hợp lý trong Quyết định 06/2013/QĐ-UBND.

- Kiến nghị thành phố cho phép các xe có tải trọng nhỏ nhất từ 0,5 tấn đến dưới 1,25 tấn được phép hoạt động vào ban ngày, trừ các khung giờ cao điểm sáng từ 6h-8h30, chiều từ 16h30-19h30.

- Bãi bỏ quy định tại Điều 5 Quyết định 06, quy định các xe có trọng tải nhỏ từ 0,5 tấn đến dưới 1,25 tấn hoạt động trong nội thành vào ban đêm từ 21h đến 6h sáng mà phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp không bỏ quy định cấp phép thì cũng cần quy định một cách thông thoáng, đỡ tốn kém nhất, có thể thông qua hình thức trực tuyến để đỡ được các rào cản về giấy tờ, thúc đẩy phát triển sản xuất.

Hồng Minh

Cùng chuyên mục
XEM