Vì sao dân châu Âu cấm thực phẩm biến đổi gen mà người Mỹ vẫn xuất mặt hàng này ngon lành sang EU?

21/04/2016 10:40 AM | Kinh tế vĩ mô

Với việc kiện EU lên WTO, Mỹ đã giành được tấm vé để đưa thực phẩm biến đổi gen của Mỹ vào thị trường rộng lớn này.

Những tranh cãi về tiêu chuẩn hàng hóa giữa nước xuất khẩu và nhập khẩu trong các hiệp định thương mại luôn có nguy cơ làm dấy lên cuộc chiến thương mại nếu không đi đến được một thỏa thuận chung.

Cuộc chiến dai dẳng giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ liên quan đến sinh vật biến đổi gen (GMO) là một ví dụ.

Từ năm 1998, EU bắt đầu cấm sản xuất và lưu hành thực phẩm biến đổi gen (thực phẩm làm từ sinh vật biến đổi gen GMO). Khối này sau đó đã vấp phải sự kháng cự đầy mạnh mẽ từ phía Mỹ - một trong những quốc gia xuất khẩu thực phẩm biến đổi gen lớn nhất thế giới.

Năm 2004, Mỹ đã đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) yêu cầu EU hủy bỏ lệnh cấm sản xuất các thực phẩm biến đổi gen và bồi thường ít nhất là 1,8 tỷ đô la cho Mỹ, tương đương mức thiệt hại về xuất khẩu của Mỹ trong hơn 6 năm.

Vì sao Mỹ có thể kiện EU?

Theo cam kết tại WTO, để có thể ban hành một lệnh cấm sản xuất hoặc lưu hành bất cứ sản phẩm gì, kể cả sản phẩm gây hại cho sức khỏe hay ô nhiễm môi trường, quốc gia đó phải có chứng cứ khoa học chứng minh lệnh cấm này là hợp lý.

“Cuộc chiến giữa EU và Hoa Kỳ về thực phẩm biến đổi gen là một cuộc chiến không phân thắng bại. Ngay cả khi Mỹ cho rằng thực phẩm biến đổi gen rất an toàn, và người Mỹ vẫn ăn, thì EU không đồng tình”, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển kể lại.

Sau nhiều tranh cãi, hai bên cuối cùng phải đi đến thỏa thuận rằng thực phẩm biến đổi gen có thể xuất khẩu vào EU nhưng phải dán mác thông báo "đây là thực phẩm biến đổi gen", tạo điều kiện cho người dân EU có quyền lựa chọn.

Quy định dán nhãn không bắt buộc đối với những thực phẩm từ những động vật dùng thức ăn biến đổi gen.

“Để chứng minh rằng tiêu chuẩn của một nước không có cơ sở khoa học không phải là chuyện dễ”, ông Tuyển nhận định.

Tuy nhiên, kể từ sau khi thỏa thuận về việc chấp thuận thực phẩm biến đổi gen được có hiệu lực, Ủy ban châu Âu EC đã 2 lần buộc các lô hàng thực phẩm biến đổi gen của Mỹ quay trở lại nơi xuất xứ.

Lần đầu tiên là vào năm 2006. Khi một lô hàng gạo từ Mỹ thuộc loại LLRice 601 – sản phẩm không dùng cho thương mại cập cảng Rotterdam (Zuid-Holland, Hà Lan).

Lần thứ hai vào năm 2009, khi một lượng ngô biến đổi gen đã được phê duyệt tại Mỹ lại được phát hiện nằm lẫn trong lô hàng bột đậu nành không biến đổi gen.

Năm ngoái, EC cũng đã thông qua dự luật cho phép các nước thành viên EU có toàn quyết tự quyết trong việc cho phép hoặc cấm lưu hành thực phẩm biến đổi gen vì lý do môi trường, kể cả khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn EU về vệ sinh và an toàn.

Mặc dù dự luật này đã bị Nghị viện châu Âu (EP) phủ quyết vào hồi cuối năm ngoái, EC khẳng định sẽ không rút lại đề xuất trên và sẽ tiếp tục đưa ra thảo luận tại cuộc họp các bộ trưởng EU.

Bài học cho Việt Nam

Cuộc chiến thực phẩm biến đổi gen giữa Mỹ và EU cho thấy: Khi đã hội nhập, không dễ dàng ngăn một mặt hàng nào đó của nước khác tràn vào quốc gia/khu vực mình.

Tuy nhiên, nếu hàng nội không đáp ứng được các tiêu chuẩn, thì cũng chẳng thể cạnh tranh được với hàng hóa các nước khác trên sân chơi chung, dù chúng ta đang rất hồ hởi với các hiệp định thương mại tự do.

Có thể nông sản Việt Nam sẽ gặp khó khi cạnh tranh với nước ngoài, trên cả mặt trận nội địa và xuất khẩu, nếu không đảm bảo được tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn phòng chống dịch, hay các hàng rào kỹ thuật đang được các nước dựng lên ngày càng cao…

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM