Vì sao đại dịch COVID-19 chi phối và làm thay đổi cả thế giới năm 2020?

29/12/2020 16:31 PM | Xã hội

Hãy cùng nhìn lại những khoảnh khắc và câu chuyện đáng nhớ của năm 2020 - Năm của dịch COVID-19 hoành hành.

2020 – Một năm hơn cả chữ "buồn"

Đại dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra đã "tấn công" mọi ngóc ngách, chi phối mọi khía cạnh đời sống kinh tế-xã hội trên toàn thế giới, biến 2020 thành năm khó khăn, thử thách chưa từng có đối với cộng đồng quốc tế.

Ngày 11/2/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố tên chính thức cho căn bệnh gây ra bởi virus mới. Tên của bệnh này "coronavirus 2019", viết tắt là COVID-19. Trong đó, "CO" là viết tắt của gốc "corona", "VI" viết tắt cho virus và "D" có nghĩa là "disease" – "dịch bệnh". Suốt cả một năm qua, COVID-19 đã reo rắc những cái chết, những nỗi buồn và sự chia ly. Nhưng chúng ta hãy thử giải thích lại tên của căn bệnh này theo một hướng tích cực hơn.

Vì sao đại dịch COVID-19 chi phối và làm thay đổi cả thế giới năm 2020? - Ảnh 1.

COVID-19 không chỉ là dịch bệnh, nó còn là một bước ngoặt trong lịch sử y học của loài người. Ảnh CNN

C – challenge

"Thách thức" chính là bài toán mà căn bệnh này đặt ra cho loài người. Con người dường như chưa bao giờ, hoặc chí ít là phải hàng trăm năm nay, mới rơi vào tình trạng "bối rối" vì căn bệnh mới. Còn nhớ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc rồi lan sang các nước và khu vực khác, WHO đã liên tục thay đổi cách gọi tên dịch bệnh và cả cách ứng phó với nó.

Vì sao đại dịch COVID-19 chi phối và làm thay đổi cả thế giới năm 2020? - Ảnh 2.

Vũ Hán, Trung Quốc xây dựng bệnh viện dã chiến thần tốc trong hai tuần để chuyên dùng điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh BBC

Có thể nhiều năm sau, thế giới sẽ còn nhắc tới 2020 như một năm hết sức đặc biệt với những thách thức đặc biệt "chưa từng có tiền lệ" như là việc cả một thành phố Vũ Hán phải phong tỏa, rồi các nước lần lượt đóng cửa biên giới. Cỗ máy trái đất giống như bị tắt cầu dao, ngừng mọi hoạt động không thiết yếu. Một chiếc lồng vô hình ngăn cách từng người, từng nhà, từng thành phố, từng quốc gia. Liệu con người sẽ phải vượt qua thách thức này như thế nào đây?

Vì sao đại dịch COVID-19 chi phối và làm thay đổi cả thế giới năm 2020? - Ảnh 3.

Các nhân viên y tế tuyến đầu tại bệnh viện Vũ Hán tranh thủ nghỉ ngơi. Ảnh Xinhua

O – opportunity

Con người không chịu bỏ cuộc, đó là điều chắc chắn! Và chúng ta đã biến những thách thức mà con virus bé nhỏ mang đến thành cơ hội để hướng tới một cuộc sống bình thường kiểu mới.

Đây là "Cơ hội" để các quốc gia nhìn lại và thay đổi cuộc sống hàng ngày,thay đổi cách chúng ta chăm sóc sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, cách chúng ta thích ứng với điều kiện sống ngày càng khó khăn hơn.

Vì sao đại dịch COVID-19 chi phối và làm thay đổi cả thế giới năm 2020? - Ảnh 4.

Bán hàng online trở thành hình thức kinh doanh "cứu cánh" trong đại dịch. Ảnh CNN

Chúng ta đã biến những áp lực mà dịch bệnh mang lại thành "Cơ hội" để phát triển khoa học công nghệ, cải tiến và đơn giản hóa cách thức làm việc, dành nhiều thời gian cho bản thân và gia đình thay vì nhiều giờ làm việc tại văn phòng và những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng với bạn bè.

COVID-19 cũng đã khiến hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh tư nhận phải lao đao, nhưng đây cũng là thời điểm để chuyển đổi số toàn diện. Nền kinh tế, giáo dục, hệ thống chăm sóc sức khỏe đều có những bước tiến dài về số hóa.

V – vaccine

Vì sao đại dịch COVID-19 chi phối và làm thay đổi cả thế giới năm 2020? - Ảnh 5.

Vaccine ngừa COVID-19 đang được tiêm chủng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh Reuters

Khi "vaccine" chưa được phát triển thành công, thế giới chỉ biết áp dụng triệt để các quy tắc phòng dịch là đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách 2m khi tiếp xúc với người đối diện và tuân thủ các quy định giãn cách xã hội.

"V" – "vaccine" – "victory" có lẽ là những từ được nhắc đến khá nhiều trong năm vừa qua. Những bước đột phá trong phát triển vaccine được ví như "ánh sáng le lói phía cuối con đường hầm dài tăm tối mà thế giới đang lần theo để thoát khỏi đại dịch COVID-19".

Công nghệ nghiên cứu và phát triển vaccine vốn phải mất hàng năm, thậm chí cả thập kỷ, thì nay dưới sức ép của dịch bệnh, Sputnik V do Nga sản xuất là vaccine đầu tiên được cấp phép sử dụng khẩn cấp trên thế giới, với mức độ hiệu quả hơn 90%.

Nhiều nước đang triển khai tiêm vaccine đại trà cho người dân. Ví dụ như tính đến hôm nay, đã có hơn 1 triệu người Mỹ được tiêm vaccine ngừa COVID-19.Tuy nhiên, WHO khẳng định vaccine không phải là "phương thức nhiệm màu" giúp chặn đứng đại dịch ngay tức khắc, việc chủng ngừa chỉ là một trong những công cụ chính và hiệu nghiệm trong bộ công cụ hoàn chỉnh cần có để đẩy lùi đại dịch. Chưa kể những khó khăn về hậu cần, bảo quản vaccine và những hạn chế về năng lực sản xuất trong thời gian đầu, thì bài toán khó về phân phối đồng đều giữa các nước giàu và nghèo cũng sẽ cản trở năng lực phòng bệnh toàn cầu của thứ vũ khí này. Chặng đường này sẽ còn như dài hơn nếu các quốc gia mất đi sự đoàn kết chống dịch.

I – international

Vì sao đại dịch COVID-19 chi phối và làm thay đổi cả thế giới năm 2020? - Ảnh 6.

COVID-19 xuất hiện ở tất cả mọi nơi, ngay cả Nam Cực. Ảnh CNN

Chính vì thế, "Toàn cầu" là yếu tố then chốt trong cuộc chiến trường kỳ này.

Trong làn sóng dịch thứ nhất, có thể nói thế giới đã đi từ bất ngờ, chủ quan với những quan điểm "miễn dịch cộng đồng" giai đoạn đầu sang chủ động ứng phó hơn. Hầu hết các nước đã đồng loạt chống dịch bằng những biện pháp nghiêm ngặt chưa từng có tiền lệ như phong tỏa, giới nghiêm, đóng cửa biên giới… với hy vọng có thể chặn đứng đà lây lan của virus.

Lần đầu tiên, những cuộc đoàn tụ không có bắt tay và ôm hôn, những thỏa thuận được ký qua màn hình, những đám cưới mà cô dâu chú rể được cha mẹ hai bên chúc phúc "online", những chiếc ipad để ảnh chân dung và nhận hộ bằng cho các cử nhân trong lễ tốt nghiệp...

COVID-19 là dịch bệnh không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác, giới tính, trình độ, giai cấp và quốc tịch. Những nguyên thủ như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro… đều không miễn nhiễm. "Tâm dịch" thế giới từng gọi tên Trung Quốc thời gian đầu, nhanh chóng chuyển sang Italy, Tây Ban Nha ở châu Âu hồi cuối tháng 3, rồi Iran, Ấn Độ ở châu Á, và giờ Mỹ đang đứng đầu danh sách những quốc gia bị tổn hại nhất vì COVID-19.

Chính vì virus không có điểm dừng, nên nỗ lực của con người cũng phải không có giới hạn. Ấy vậy mà rào cản duy nhất lại là sự nghi ngờ chính những nỗ lực toàn cầu của một bộ phận người dân tại một số quốc gia trên thế giới

D - doubt

Vì sao đại dịch COVID-19 chi phối và làm thay đổi cả thế giới năm 2020? - Ảnh 7.

Những người phản đối lệnh đeo khẩu trang đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình ở Mỹ, gây nên những ổ lây nhiễm chéo trong cộng đồng khi tụ tập đông người. Ảnh CNN

"Nghi ngờ" về khả năng bảo vệ của chiếc khẩu trang để rồi kỳ thị những người đeo. Đã có nhiều trường hợp người dân châu Á bị tấn công, bị chửi bới chỉ vì đeo khẩu trang khi tham gia giao thông công cộng. Hay là "nghi ngờ" về tính an toàn của vaccine ngừa COVID-19, lo sợ những tác dụng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Một câu chuyện đau lòng được nhân viên y tế tuyến đầu ở Mỹ chia sẻ với hãng tin CNN về thời điểm số ca mắc bệnh ở nước này đã lên đến hàng triệu, vẫn có trường hợp bệnh nhân nặng phải thở máy liên tục từ chối lấy dịch xét nghiệm chỉ bởi vì họ "không tin có virus SARS-CoV-2 tồn tại", họ "không tin bản thân đã bị mắc COVID-19".

Những hội nhóm "anti-mask" và "anti-vaccine" mọc lên như nấm trên các mạng xã hội, đến mức giới chức các nước phải liên tục kêu gọi người dân hãy tin tưởng vào khoa học, không tin vào những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng.

Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhận định rằng trong đại dịch COVID-19, sẽ "không ai được an toàn cho tới khi tất cả được an toàn". Giới khoa học mô tả đại dịch COVID-19 bao phủ Trái Đất như một đám cháy rừng ngày càng lan rộng, chỉ cần một điểm lửa vẫn âm ỉ thì sớm muộn gì cũng sẽ xuất hiện các đám cháy bùng phát tại các địa điểm khác.

Hỏa hoạn chỉ qua đi khi tất cả các đám cháy đều được dập tắt. Điều này lý giải cho các đợt bùng phát dịch mới ngay ở những nơi từng là "điểm sáng" chống dịch là New Zealand, là Hàn Quốc, là Anh, lý giải cho "Giáng sinh phong tỏa" của năm 2020.

Nhưng rồi thế giới cũng thay đổi cách tiếp cận "mạnh ai nấy làm", kỳ thị và chia rẽ sang những hành động chia sẻ và đoàn kết trong đại dịch.

Chưa từng có tiền lệ

Vì sao đại dịch COVID-19 chi phối và làm thay đổi cả thế giới năm 2020? - Ảnh 8.

Số người tử vong liên tục tăng cao khiến các nhà lạnh luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh CNN

Mất hơn 3 tháng từ khi dịch xuất hiện đến khi thế giới ghi nhận 1 triệu ca (ngày 3/4), nhưng chỉ gần 3 tháng sau tốc độ lây lan tăng gấp 10, lên 10 triệu ca (ngày 28/6).

Từ mốc 10 triệu lên 20 triệu là 6 tuần (ngày 10/8 ), nhưng từ mốc 50 triệu ca (ngày 8/11) lên 60 triệu ca chưa đến 3 tuần (ngày 25/11) và từ 60 triệu lên 70 triệu chỉ còn 15 ngày (ngày 11/12).

Nếu liệt kê những "dấu mốc" của đại dịch thì không nước nào qua mặt Mỹ với những danh hiệu cũng chẳng ai muốn nhận: là quốc gia đầu tiên ghi nhận mốc 100.000 ca mắc, 1 triệu ca, 10 triệu ca, rồi mốc 50.000 rồi 1 triệu ca tử vong. Đến thời điểm này, cứ trung bình 4 ngày Mỹ ghi nhận thêm 1 triệu ca mắc mới và số ca tử vong mỗi ngày hơn 3.000. COVID-19 đã trở thành cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ của nước Mỹ với trên 19,4 triệu ca mắc và hơn 339.000 ca tử vong.

Khi chỉ còn 3 ngày đếm ngược để bước sang Năm mới 2021, hầu như cả thế giới đã trải qua làn sóng lây nhiễm thứ hai, nhiều nước ở làn sóng thứ ba và có nơi đang chống chọi với làn sóng dịch lần thứ tư thì sự xuất hiện biến thể của virus SARS-CoV-2 tại Anh buộc thế giới thừa nhận đây sẽ là một cuộc chiến dài hơi.

Trong suốt một năm, thế giới đã trải qua nhiều đêm u tịch với những tiếng còi cấp cứu hú dài trên từng tuyến phố, người dân mỗi tối dành những tràng pháo tay cảm ơn các nhân viên tuyến đầu. Những lời hát cất lên từ ban công của các hộ gia đình tìm cách giao lưu từ xa trong thời gian giãn cách xã hội, những lớp học trực tuyến, những ngày "đi chợ" trên điện thoại thông minh và những buổi họp gia đình "qua màn ảnh nhỏ". Những hành động thường ngày khó chấp nhận được như ôm điện thoại online, hay ngủ nướng thì giờ đều được khuyến khích duy trì.

Nỗ lực loại bỏ "Đại dịch" khỏi bệnh COVID-19

Vì sao đại dịch COVID-19 chi phối và làm thay đổi cả thế giới năm 2020? - Ảnh 9.

Thế giới đang cố gắng thoát khỏi vòng vây của COVID-19. Ảnh UN

Nếu tồn tại khả năng miễn dịch vĩnh viễn thì COVID-19 có thể sẽ biến mất sớm nhất là năm 2021.

Nếu khả năng miễn dịch tồn tại trong thời gian trung bình, dịch có thể biến mất trong 1-2 năm tới rồi sẽ trở lại.

Còn nếu khả năng miễn dịch ngắn hơn, thế giới có thể sẽ phải đương đầu với COVID-19 như với dịch sốt xuất huyết, vốn cướp đi sinh mạng của hơn 400.000 người mỗi năm mà tới nay vẫn chưa có thuốc chữa hay vaccine phòng bệnh hiệu quả.

Vì sao đại dịch COVID-19 chi phối và làm thay đổi cả thế giới năm 2020? - Ảnh 10.

Sẽ không còn cảnh gia đình bị chia rẽ nếu chúng ta kiểm soát được dịch COVID-19. Ảnh Council of Europe

Giới chuyên gia cho rằng tương lai phụ thuộc nhiều vào cách đời sống xã hội trở lại tình trạng bình thường, cũng như những điều người dân và các chính phủ làm để ngăn chặn dịch bệnh. Các mô hình dự báo và thành công trong phòng dịch đạt được thời gian qua đều cho thấy sự thay đổi về hành vi của con người sẽ giúp giảm tốc độ lây lan nếu tất cả mọi người đều tuân thủ các quy định phòng dịch. Nhiều bằng chứng ban đầu đều cho rằng khi người dân thay đổi hành vi cá nhân, duy trì thói quen giữ khoảng cách, rửa tay và đeo khẩu trang sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng, thì làn sóng dịch mới sẽ được kiềm chế lâu hơn.

Năm 2020 đang dần khép lại với những thay đổi khó có thể ngờ tới, những điều "chưa từng có tiền lệ". Đại dịch COVID-19 đã cướp đi nhiều mạng sống, gây những tổn thất nặng nề trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội mà phải mất nhiều năm mới có thể khắc phục hết, nhưng cũng chính đại dịch đã mang lại cho thế giới cơ hội để nhận thấy những giá trị tốt đẹp mà lâu nay cuộc sống công nghiệp có thể khiến con người không kịp nhìn ra.

Vì sao đại dịch COVID-19 chi phối và làm thay đổi cả thế giới năm 2020? - Ảnh 11.

Hạn chế xã hội là một trong những cách phòng dịch hiệu quả. Ảnh CNN

Virus SARS-CoV-2 dường như đã tạo ra một vách kính vô hình ngăn cách mỗi người, song lại nhắc nhở về một cuộc sống với niềm vui đơn giản là được xích lại đủ gần để sẻ chia và an ủi, để tạo ra nguồn sức mạnh quý giá nhất giúp con người vượt qua cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ này.

Con người đang nỗ lực từng ngày để lịch sử không cần phải lưu lại:

"Trái đất, năm COVID-19 thứ nhất"

Nguyễn Mai

Cùng chuyên mục
XEM