Vì sao cựu Chủ tịch HÐQT Saigon Co.op bị khởi tố?
Ngày 16/12, Công an TPHCM cho biết khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Diệp Dũng, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) để điều tra về hành vi “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.
Theo Công an TPHCM, ông Diệp Dũng bị bắt tạm giam để điều tra sau khi Cơ quan an ninh điều tra xác minh giải quyết nguồn tin về tội phạm theo kết luận của Thanh tra TPHCM.
Tăng vốn bất thường
Kết luận Thanh tra TPHCM về việc chấp hành quy định pháp luật tại Saigon Co.op đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại đơn vị này, trong đó xác định trách nhiệm của ông Diệp Dũng.
Ông Diệp Dũng bị thanh tra kết luận đã tổ chức chỉ đạo huy động vốn và tổ chức đại hội thường niên trái pháp luật mặc dù trước đó đã có chỉ đạo ngừng. Ông Dũng cũng bị kết luận đã thực hiện công tác cán bộ trái quy định của Đảng và không trung thực với tổ chức khi có yêu cầu báo cáo…
Ngày 16/12, Cơ quan An ninh điều tra – Công an TPHCM đã bắt tạm giam ông Diệp Dũng –nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố (Saigon Co.op).
Năm 1999, Saigon Co.op được UBND TPHCM phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động với tổng số vốn là 23 tỷ đồng. Trong đó, tài sản không chia có giá trị gần 22 tỷ đồng. Đến năm 2014, Saigon Co.op đã tăng vốn điều lệ lên 2.400 tỷ đồng (có vốn thuộc sở hữu chung không chia là hơn 2.382 tỷ đồng). Năm 2015, doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ lên 3.200 tỷ đồng, trong đó vốn thuộc sở hữu chung không chia là 3.180 tỷ đồng.
Đầu năm 2020, Saigon Co.op quyết định tăng vốn điều lệ lên gần 6.800 tỷ đồng (tăng hơn gấp đôi). Thanh tra TPHCM chỉ ra việc Saigon Co.op đưa vốn, tài sản không chia vào tăng vốn điều lệ là không đúng quy định. Đồng thời, chỉ ra việc tăng vốn điều lệ năm 2020 chưa được thực hiện đúng quy định của Luật Hợp tác xã và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Saigon Co.op đã được Đại hội thành viên thông qua.
Dấu hiệu thâu tóm Saigon Co.op
Việc tăng vốn trên có nhiều dấu hiệu bất thường, nhất là nguồn vốn từ các HTX thành viên. HTX thành viên huy động từ nguồn vốn bên ngoài không phải là thành viên của HTX, thực hiện việc góp vốn trước khi HTX thành viên thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận.
Thanh tra TPHCM chỉ ra, có 20/26 HTX thành viên có góp vốn nhưng không HTX nào cung cấp được cho đoàn thanh tra các hồ sơ góp vốn. Đồng thời xác định có nhiều cá nhân, tổ chức bên ngoài không phải là xã viên HTX thành viên nhưng “núp bóng” để đưa vốn vào Saigon Co.op.
Qua kiểm tra kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX thành viên, Thanh tra TPHCM cũng nhận thấy có 6 HTX hoạt động kinh doanh không có hiệu quả trong các năm 2018, 2019. Một số HTX hoạt động mức lợi nhuận đạt sau thuế dưới 6 tỷ đồng nhưng không tham gia góp vốn, trong khi phần lớn các HTX lợi nhuận đạt được sau thuế chỉ 24 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng lại tham gia góp với số vốn góp hàng trăm tỷ đồng là điều không bình thường.
Cơ quan chức năng xác định phi vụ trên có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung (tài sản không chia) và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, việc làm này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Ngày 28/7, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM có quyết định đình chỉ sinh hoạt cấp ủy đối với ông Diệp Dũng - Thành ủy viên và đình chỉ các vai trò Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Bí thư Ðảng ủy của ông Diệp Dũng tại Ðảng bộ Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op).
Ðến tháng 9/2020, Thành uỷ TPHCM đã có quyết định điều động ông Diệp Dũng (Thành uỷ viên, Chủ tịch HÐQT Saigon Co.op) đến nhận công tác tại Ðảng bộ Công ty Ðầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC). Sau đó ông Diệp Dũng được chuyển công tác về Công ty Xổ số Kiến thiết TPHCM.