Vì sao có vẻ như lúc nào chúng ta cũng chọn sai hàng khi đứng chờ ở siêu thị?

10/11/2018 15:31 PM | Xã hội

Có thể bạn đã từng ở trong tình huống này: Khi xếp hàng để tính tiền trong siêu thị, chả hiểu sao bạn lại chọn đúng hàng lâu nhất.

Bạn có thể trung thành với quyết định của mình và chờ. Bạn cũng có thể chuyển sang một hàng khác. Hoặc bạn cũng có thể bỏ cuộc và đi về, vì rốt cuộc, chả ai muốn phải chờ đợi lâu. Nhưng liệu các hàng khác có nhanh hơn thật không?

Khi có nhiều quầy tính tiền với các hàng người xếp song song, bạn có thể không ở trong hàng lâu nhất, nhưng nhiều khả năng bạn không đứng trong hàng nhanh nhất.

Mặc dù có rất nhiều "chiến thuật" để áp dụng cho từng trường hợp, nhưng có vẻ tất cả đều vô ích. Theo những nhà toán học đã nghiên cứu về lý thuyết xếp hàng, không có một bí quyết nào giúp ta chọn được hàng nhanh nhất.

Nhà báo Adam Mann đã giải thích như sau:

"Vì hầu hết các cửa hàng hay siêu thị đều không có không gian để bổ sung thêm các quầy tính tiền, nên hoạt động cuối cùng này hay bị quá tải. Ngoài ra, chỉ một sự gián đoạn nhỏ - như kiểm tra giá, hay một khách hàng nói quá nhiều – cũng gây ra hiệu ứng dây chuyền, tạo ra sự trì trệ ở cả một hàng dài phía sau họ.

Nếu có 3 hàng ở một siêu thị, sự trì trệ này sẽ diễn ra ngẫu nhiên ở các quầy tính tiền khác nhau. Hãy nghĩ về các khả năng. Xác suất để hàng bạn đang đứng trở thành hàng nhanh nhất chỉ là 1/3. Nghĩa là bạn có 2/3 khả năng đang đứng ở hàng chậm hơn. Vì thế bạn cảm thấy một trong hai hàng còn lại có thể đang di chuyển nhanh hơn hàng của bạn.

Những người tinh ý và nhạy cảm với thời gian sẽ nhận ra rằng những siêu thị mới hơn, hiện đại hơn, sẽ dựa vào một cơ chế tinh vi hơn. Khách hàng sẽ xếp chung trong 1 hàng dài uốn khúc và những người đầu hàng sẽ được chỉ đến quầy tính tiền đang trống. Các nhà lý thuyết xếp hàng cho rằng cơ chế này sẽ nhanh hơn gấp 3 lần cho tất cả mọi người.

Vì sao có vẻ như lúc nào chúng ta cũng chọn sai hàng khi đứng chờ ở siêu thị? - Ảnh 1.

Trong khi đó, siêu thị Whole Food đã kết hợp các triết lý nhiều hàng và một hàng với nhau, cho phép khách hàng chọn được hàng (uốn khúc) ngắn nhất, ít ra là theo tâm lý con người.

Nếu không di chuyển được nhanh, các hàng uốn khúc trông như một cuộc diễu hành khổ sở và bất tận. Tại chuỗi siêu thị Trader Joe, hàng người còn kéo dài đến tận cửa ra vào. Có người vì thế mà quay gót đi ra ngoài luôn, không xếp hàng nữa.

Như Mann đã nhận định: Chúng ta đa phần không phải là những người sáng suốt, chúng ta muốn tin rằng mình có thể chiến thắng các cơ chế. Đưa chúng ta đứng vào nhiều hàng, và ta thấy có cơ hội để chứng minh khả năng tự lực gánh sinh của mình. Tuy nhiên, suy nghĩ đó có thể sẽ sụp đổ bởi sự vô tình của các khả năng nhỏ nhoi.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM