Vì sao chủ nghĩa bảo hộ của tổng thống Trump khó có thể lan rộng?

23/04/2017 08:21 AM | Kinh tế vĩ mô

Kể từ khi nhậm chức Tổng thống, ông Trump đã ký hàng loạt sắc lệnh thể hiện thái độ cứng rắn đối với các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Mexico. Những động thái của Donald Trump dấy lên nỗi lo ngại rằng chủ nghĩa bảo hộ sẽ lan rộng, nhưng có nhiều lý do để tin rằng điều đó sẽ không xảy ra.

Hầu hết các báo cáo về toàn cầu hóa trong những năm gần đây đều tập trung vào các vấn đề của nó như mức độ sụt giảm của thương mại và việc hủy bỏ các thỏa thuận thương mại lớn của khu vực. Tổng thống Mỹ đã rút khỏi TPP, thỏa thuận thương mại giữa hàng chục quốc gia Thái Bình Dương bao gồm Hoa Kỳ và Nhật Bản, và các cuộc đàm phán về Quan hệ đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và EU cũng đã chấm dứt.

Nhưng những tiêu đề này có thể gây hiểu nhầm. Các thỏa thuận thương mại mới có thể gây tranh cãi, nhưng chủ nghĩa bảo hộ thương mại khó có thể thành công.

Điều này đúng ngay cả với Mỹ, nơi Trump thắng cử với lời hứa sẽ trở nên cứng rắn với các đối tác thương mại lớn như Mexico và Trung Quốc. Cho đến thời điểm này, chính quyền của ông Trump vẫn chưa có hành động nào thể hiện một kỷ nguyên bảo hộ thương mại mới sắp bắt đầu.

Bên cạnh đó, ở châu Âu, những lợi ích của kinh tế mở cửa đã được thừa nhận rộng rãi, và các đàm phán về một hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản đang được tiến hành. Hầu hết các nước đã phát triển vẫn khá mở cửa, và tình trạng này có lẽ sẽ tiếp tục. Với thuế xuất nhập khẩu ở mức không đáng kể (dưới 3% ở cả Mỹ và EU), thì ai sẽ muốn ủng hộ việc nâng cao rào cản thương mại?

[A Tùng] Vì sao chủ nghĩa bảo hộ của tổng thống Trump khó có thể lan rộng? - Ảnh 1.

Khối lượng thương mại trên khắp thế giới trong 1 tháng qua

Những nguyên nhân chính khiến chủ nghĩa bảo hộ khó có thể thành công

Trong quá khứ, các liên hiệp của người lao động và các nhà tư bản trong cùng ngành công nghiệp sẽ vận động hành lang cho những chính sách bảo hộ. Họ đều được hưởng lợi từ những chính sách này, vì mức thuế xuất nhập khẩu cao cho phép người lao động đòi hỏi tăng lương, trong khi đó các nhà tư bản vẫn có thể kiếm được nhiều lợi nhuận hơn khi không có sự cạnh tranh của đối thủ nước ngoài.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, lợi ích của người lao động và các nhà tư bản không còn tương thích với nhau. Trong khi chủ các công ty đa quốc gia vẫn tiếp tục kiếm lời từ việc đặt các cơ sở sản xuất ở khắp nơi trên thế giới, thì chỉ có người lao động ở quốc gia bản địa là chịu thiệt thòi khi họ không thể cạnh tranh với nhân công giá rẻ ở các quốc gia khác, do đó họ dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp. Do đó, chính sách bảo hộ sẽ được ủng hộ bởi các công nhân ngành công nghiệp sản xuất nhưng khả năng cao sẽ vấp phải sự phản đối từ các công ty đa quốc gia của Mỹ.

Những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng ½ xuất khẩu của Trung Quốc, và các công ty Mỹ là những nhà đầu tư lớn nhất vào quốc gia này. Vì vậy, nếu Trump tiếp tục theo đuổi lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình áp đặt mức thuế nhập khẩu 45% đối với hàng hóa của Trung Quốc (khả năng cao vi phạm các quy định của WTO), ông sẽ gây ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của các công ty đa quốc gia của Mỹ. Điều này giải thích lý do tại sao hầu hết các lời hùng biện về chủ nghĩa bảo hộ thương mại đến từ Trump và một số cố vấn học thuật của ông, chứ không phải từ những CEO có kinh nghiệm, những người nắm giữ các vị trí chủ chốt trong nội các.

Một khác biệt lớn nữa là ở thời điểm hiện tại, nhiều công ty là một phần của chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó hàng hóa được lắp ráp tại các nước như Mexico hoặc Trung Quốc từ các linh kiện nhập khẩu, thường là những linh kiện tinh vi đến từ Mỹ. Nếu những quốc gia trên áp dụng những biện pháp trả đũa với hàng nhập khẩu của Mỹ, thì những công ty xuất khẩu những linh kiện này cũng như các công ty thu tiền bản quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng ở nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng.

Những ai muốn cứng rắn với Trung Quốc hoặc Mexico khẳng định mục tiêu của họ là thuyết phục các công ty Mỹ sản xuất sản phẩm của họ hoàn toàn ở Mỹ. Nhưng việc lắp ráp thường là hoạt động đòi hỏi kỹ năng thấp và mức lương thấp ở dưới đáy của chuỗi giá trị. Vì vậy, áp đặt thuế lên Trung Quốc chỉ đẩy hoạt động lắp ráp đến các quốc gia có nhân công rẻ khác chứ không phải quay lại Mỹ. Trường hợp của Mexico cũng tương tự. Mỹ rút khỏi Hiệp định NAFTA sẽ không tạo ra việc làm lương cao ở Mỹ.

Trong khi đó, châu Âu đang đi theo hướng ngược lại. Các công ty đa quốc gia châu Âu cũng đầu tư nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc, và các mặt hàng của EU xuất khẩu sang Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác cũng đang gấp đôi so với Mỹ. Nhiều quốc gia châu Âu coi thương mại tự do là một cơ hội chứ không phải mối đe dọa với việc làm. Thậm chí, chính những người chống toàn cầu hóa trung thành ở châu Âu cũng tỏ ra không hứng thú với chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Dù có ít sự ủng hộ cho việc đảo ngược tự do thương mại, tại sao vẫn có sự phản đối mãnh liệt như vậy đối với các thỏa thuận thương mại lớn?

Ở Mỹ, lương công nhân ngành công nghiệp sản xuất từ lâu đã bị trì trệ, cơ hội việc làm trong ngành này cũng giảm nhanh chóng.

[A Tùng] Vì sao chủ nghĩa bảo hộ của tổng thống Trump khó có thể lan rộng? - Ảnh 2.

Sản xuất ở châu Âu đang tốt hơn ở Mỹ. Nhưng đang có những phản đối với TTIP và ở mức ít gay gắt hơn là đối với thỏa thuận thương mại gần đây của EU với Canada. Một số người phản đối những thỏa thuận mới này vì chúng làm cho các quốc gia EU phụ thuộc vào các tiêu chuẩn và quy định của các đối tác thương mại của họ. Các quốc gia Bắc Âu đặc biệt coi trọng các tiêu chuẩn địa phương của họ và từ chối ăn thịt gà đã khử trùng hay những trái cây và rau củ biến đổi gen, kể cả khi không có bằng chứng khoa học nào cho thấy các phương pháp sản xuất này gây hại cho sức khỏe.

Kun Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM