Vì sao cháy rừng ngày càng cuồng bạo? Là vì một quả bom nổ chậm nhân loại vô tình tạo ra sau hàng thập kỷ chống lại "giặc lửa"

04/10/2021 01:51 AM | Sống

Sau năm 1910, miền Tây nước Mỹ có rất ít cháy rừng nhờ chính sách dập lửa một cách tuyệt đối. Nhưng chẳng ai ngờ rằng, chính sách này vô tình tạo ra một quả bom.

Mùa hè năm 1910, miền Tây nước Mỹ bùng cháy.

Sự kết hợp giữa thời tiết khô nóng và lốc xoáy mạnh làm nên một chất xúc tác quá hoàn hảo cho ngọn lửa, tạo ra một trận bão lửa chưa từng có. Chỉ trong vòng 2 ngày, hàng chục ngàn kilomet vuông rừng bị thiêu rụi, nhiều thị trấn biến thành tro bụi, và ít nhất 90 người đã tử vong. Thảm họa ấy kinh khủng đến mức đã khiến nước Mỹ phải thay đổi chính sách chống cháy rừng của mình, đặc biệt nhất là sự thành lập của một cơ quan mới mang tên "Cục Kiểm lâm Hoa Kỳ".

Kể từ sau mùa hè rực lửa năm 1910, Cục Kiểm lâm Hoa Kỳ chỉ tập trung vào việc dập tắt các đám cháy. Ban đầu thì nó rất hiệu quả. Hàng thập kỷ sau đó, mọi đám cháy rừng dù là tự nhiên hay do con người đều được dập rất nhanh chóng. Nhưng rồi chẳng biết từ khi nào, những hình ảnh dưới đây lại trở nên không còn xa lạ nữa.

Vì sao cháy rừng ngày càng cuồng bạo? Là vì một quả bom nổ chậm nhân loại vô tình tạo ra sau hàng thập kỷ chống lại giặc lửa - Ảnh 1.
Vì sao cháy rừng ngày càng cuồng bạo? Là vì một quả bom nổ chậm nhân loại vô tình tạo ra sau hàng thập kỷ chống lại giặc lửa - Ảnh 2.

Đó là những hình ảnh ghi nhận được tại nước Mỹ trong những năm gần đây, với những trận hỏa hoạn kinh khủng ở quy mô tồi tệ chưa từng có trong lịch sử ở nhiều tiểu bang khác nhau.

Nhưng lý do là gì? Là biến đổi khí hậu? Có lẽ đúng một phần, nhưng các nhà khoa học chợt hiểu ra một vấn đề khác. Sau hàng thập kỷ ngăn cháy rừng quá thành công, nhân loại đã để lại những cánh rừng quá dày đặc, và trở thành nhiên liệu cho những đợt hỏa hoạn ở quy mô thảm họa nếu chúng thực sự bốc cháy.

Cháy rừng để ngăn cháy rừng

Năm 1944, Cục Kiểm lâm Hoa Kỳ giới thiệu một linh vật: chú gấu Smokey, thuộc chiến dịch nâng cao nhận thức cho công chúng về sự nguy hiểm của cháy rừng. Nhưng trước chiến dịch này, chính phủ liên bang đã điều động hàng ngàn người để xây dựng các "trạm gác lửa" để kiểm soát cháy rừng. Năm 1935, họ đã ban hành quy định "10h sáng" - nghĩa là mọi đám cháy phải được dập muộn nhất vào lúc 10h sáng hôm sau ngày được báo cáo. 

Vì sao cháy rừng ngày càng cuồng bạo? Là vì một quả bom nổ chậm nhân loại vô tình tạo ra sau hàng thập kỷ chống lại giặc lửa - Ảnh 3.

Tấm poster về chú gấu Smokey - linh vật của Cục Kiểm lâm Hoa Kỳ


Mọi biện pháp đưa ra đã ám chỉ rằng "cháy rừng là bi kịch", và tạo ra một thế hệ tin tưởng vào điều đó. Nhưng thực ra với một khu rừng, những đám cháy có nhiều ý nghĩa hơn như thế.

"Đa số các cánh rừng trên thế giới bao gồm cả miền Tây nước Mỹ, tất cả đều phát triển từ những đám cháy" - Crystal Kolden, chuyên gia nghiên cứu cháy rừng của ĐH California Merced cho hay. Nhưng phải đến thập niên 1960, giới khoa học mới bắt đầu nhận ra điều này.

Các mẫu đất, vân gỗ, than đá hay bất thứ gì có tính chất lưu lại lịch sử trong các khu rừng đều có dấu vết của lửa, chủ yếu do sấm sét hoặc các nguyên nhân khác tạo ra. Và cũng từ lịch sử để thấy được rằng hỏa hoạn không phải lúc nào cũng mang tính chất phá hủy, mà là một yếu tố quan trọng đối với hệ sinh thái của mỗi khu rừng.

"Cháy rừng có tác dụng loại bỏ những sinh thể già cỗi, kém sinh sôi, nhường chỗ cho những thế hệ thực vật mới. Sự đa dạng về thế hệ thực vật cũng sẽ tạo ra đa dạng sinh học cho khu rừng" - Kolden nhận định.

Quả thực ở nhiều khu rừng, hỏa hoạn giống như một "nút reset", giúp hệ sinh thái làm lại từ đầu. Thậm chí, một số loài thực vật phải cần đến lửa mới có thể sinh sôi. Như cây cự sam (sequoia), cháy rừng ở mức nhỏ sẽ giúp làm khô quả của chúng đến mức vỡ ra, để các hạt bên trong rơi xuống đất và phát triển thành cây mới. Đốt bỏ những thân cây già cỗi cũng đồng nghĩa với việc tạo ra một nền đất giàu dinh dưỡng hơn, để lại điều kiện hoàn hảo để các hạt giống nảy nở.

Nhưng quan trọng hơn thế, những đám cháy rừng nhỏ lẻ sẽ còn giúp khu rừng có thêm "đề kháng" trước những ngọn lửa cuồng bạo hơn. Nhờ những thềm đất rừng và cành thấp được dọn sạch sẽ, những ngọn lửa kinh hoàng hơn khi tràn đến sẽ bị chậm lại vì không có nhiên liệu tiếp sức.

Khi khu rừng trở thành bom nổ chậm

Hàng thập kỷ ngăn cháy rừng một cách triệt để đã vô tình để lại một nguồn nguyên liệu quá lớn trong các khu rừng phía Tây nước Mỹ. Bên dưới thảm thực vật xanh tốt là hàng tấn những thân cây chết khô chất chồng.

"Những cánh rừng không thấy lửa trong thời gian dài, các nhiên liệu cứ thế dồn ứ lại suốt nhiều năm. Rồi biến đổi khí hậu đã khiến ngọn lửa đến một cách cuồng bạo hơn, tạo ra thảm họa mạnh mẽ hơn".

Quá nhiều năm dồn nén đã khiến "nút reset" của các khu rừng trở thành một quả bom, nhất là khi phải đối diện với một quả bom khác là biến đổi khí hậu. Không còn cách nào để quay lại từ đầu, nhiều khu vực phải tìm đến một giải pháp đã có từ hàng thế kỷ trước nhằm tồn tại trong một tương lai ngày càng khô và nóng bức. Đó là đốt rừng để giữ rừng.

Vì sao cháy rừng ngày càng cuồng bạo? Là vì một quả bom nổ chậm nhân loại vô tình tạo ra sau hàng thập kỷ chống lại giặc lửa - Ảnh 4.

Trên thực tế thì những người Mỹ bản địa xưa kia đã biết về sự quan trọng của lửa. Hàng trăm năm trước khi bị thuộc địa hóa, họ thường cố tình đốt một phần của các khu rừng, vì hiểu rằng đó là cách để các khu rừng phục hồi. Ngọn lửa khi đó là công cụ cần thiết để giúp hệ sinh thái của rừng được lành mạnh hơn.

Sau khi bị thuộc địa hóa, những quy định khắt khe hơn về chuyện đốt rừng được ban hành, thậm chí còn là phạm pháp kể từ năm 1850. Sau năm 1910, quy định còn trở nên ngặt nghèo hơn nữa. Và ở cái thời đại nhân quyền còn lỏng lẻo, thổ dân có thể bị bắn chết nếu bị bắt gặp đang châm lửa.

Nhưng giờ, người Mỹ lại phải tìm đến họ, với phương pháp đốt các mảng rừng không cần thiết để ngăn những đám cháy khủng khiếp hơn có thể xảy ra - giống như cách người ta cắt các cành lá nhỏ trước khi giông bão ập tới vậy.

Vì sao cháy rừng ngày càng cuồng bạo? Là vì một quả bom nổ chậm nhân loại vô tình tạo ra sau hàng thập kỷ chống lại giặc lửa - Ảnh 5.

Các thổ dân sẽ chia người ra từng khu vực cụ thể, châm lửa một cách có kiểm soát. Những ngọn lửa được giữ với tốc độ chậm, dần dần thiêu hủy những xác thực vật khô trên nền đất. Nếu tốc độ và hướng gió thay đổi, hoặc ngọn lửa bắt đầu lan nhanh, nó sẽ lập tức được dập tắt bởi những người được huấn luyện chuyên nghiệp.

Năm 2020 - 2021, các nhà lập pháp ban hành dự luật mở rộng quy mô phương pháp đốt rừng kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Nhưng đó chỉ là sự khởi đầu và còn xa mới đủ, bởi các dữ liệu những năm gần đây cho thấy cháy rừng sẽ chỉ ngày càng lớn hơn, với khả năng hủy diệt mạnh mẽ hơn qua từng năm mà thôi.

Phải chăng ngăn cháy rừng là sai?

Không hẳn là như vậy! Trên thực tế, những chiến dịch như gấu Smokey không sai. Nó dạy cho tất cả mọi người một điều cơ bản là phải cẩn thận với lửa. Số liệu năm 2019 tại Mỹ chỉ ra rằng những hành động bất cẩn của con người - từ việc không dập tàn thuốc, đốt lửa trại, và thậm chí đôi khi là cố tình đốt phải chịu trách nhiệm cho trên 85% các vụ hỏa hoạn đáng sợ.

Vì sao cháy rừng ngày càng cuồng bạo? Là vì một quả bom nổ chậm nhân loại vô tình tạo ra sau hàng thập kỷ chống lại giặc lửa - Ảnh 6.

Phương pháp đốt rừng kiểm soát sẽ giúp hạn chế được những rủi ro như vậy. Nhưng cần phải nhìn nhận rằng cháy rừng kinh hoàng sẽ là một phần của thế giới này, và biến đổi khí hậu sẽ khiến nó ngày càng tệ hơn. Điều này có nghĩa rằng các quốc gia sẽ cần phải xây dựng cộng đồng bền vững hơn, yêu cầu các khu vực có rủi ro cháy rừng cao phải được xây dựng bằng vật liệu kháng lửa, và nâng cao nhận thức của công chúng về các an toàn phòng cháy chữa cháy.

"Việc đốt rừng kiểm soát trước kia từng khiến nhiều thế hệ nghĩ rằng là sai trái, là chúng ta đang hủy hoại môi trường và phá đi chính mái nhà của mình. Nhưng thực ra vì không làm vậy, chúng ta mới phải chứng kiến thảm họa còn kinh khủng hơn như vậy" - trích lời Elizabeth Azzuz từ Khu bảo tồn Yurok, thuộc hội đồng tư vấn đốt rừng kiểm soát bản địa.

Nguồn: Vox


J.D

Cùng chuyên mục
XEM