Vì sao cha đẻ của internet muốn cứu lấy nó khỏi chính con người?

14/11/2018 19:00 PM | Xã hội

Berners-Lee đã ra tuyên bố về một "Khế ước cho Web", đưa ra những nguyên tắc sử dụng internet có đạo đức và minh bạch đối với mọi đối tượng tham gia.

Hai mươi chín năm trước, với tư cách là kiến trúc sư đứng phía sau sự ra đời của trình duyệt và máy chủ đầu tiên của thế giới web, Tim Berners-Lee đã tạo ra Internet.

"Tôi hình dung web là một nền tảng mở cho phép mọi người, ở mọi nơi chia sẻ thông tin, tiếp cận các cơ hội và hợp tác bất kể khác biệt về địa lý hay văn hóa", ông viết trong một bức thư ngỏ năm 2017. Nhưng ông cũng cho biết mình ngày càng lo lắng về các xu hướng trên mạng, như sự xâm phạm quyền riêng tư, lan tràn các thông tin sai lệch và thiếu sự minh bạch trong quảng bá mang tính chính trị.

Trong suốt thập niên vừa qua, mối quan tâm của Berners-Lee là cứu lấy internet khỏi chính nó, và giờ đây ông đang kêu gọi các công ty, chính phủ và công dân cùng chung tay cho sự nghiệp này.

Tổ chức phi lợi nhuận mang tên Quỹ World Wide Web của Berners-Lee nghiên cứu khả năng tiếp cận và sử dụng internet, cùng các chi tiết và rào cản với một mạng Internet miễn phí và rộng mở. Các rào cản đó bao gồm sự quấy rối, xâm phạm quyền riêng tư và chi phí. Chẳng hạn, một nghiên cứu gần đây cho thấy hơn 2 tỷ người đang sống ở những nơi mà việc tiếp cận internet cực kỳ đắt đỏ. Và gần đây, Berners-Lee đã ra tuyên bố về một "Khế ước cho Web", đưa ra những nguyên tắc sử dụng internet có đạo đức và minh bạch đối với mọi đối tượng tham gia.

Quỹ này vẫn đang tập trung soạn thảo một văn bản đầy đủ của bản khế ước, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 5/2019, nhưng phiên bản hiện tại cũng bao gồm 3 nguyên tắc ngắn gọn hướng tới 3 nhóm đối tượng – chính phủ, công ty tư nhân và công dân – nhằm đảm bảo một thế giới web tự do và cởi mở.

Các nguyên tắc này, mặc dù có thiện chí, nhưng đều chưa rõ ràng; chẳng hạn, một nguyên tắc nói rằng các công ty sẽ "tôn trọng quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của khách hàng", một mục tiêu rất khó định lượng nếu không có những tiêu chuẩn cụ thể.

Tuy nhiên, hơn 50 đối tác có uy tín đã ký tên vào khế ước, trong đó có Google, Facebook, chính phủ Pháp và ông chủ của tập đoàn Virgin là Richard Branson.

"Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều người góp sức với chúng tôi để xây dựng được một thế giới web như chúng ta mong muốn", Berners-Lee cho biết.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM