Vì sao cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết chậm tiến độ?

03/04/2022 21:50 PM | Kinh doanh

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết dài hơn 100 km và là một trong 4 dự án thành phần phải hoàn thành trong năm nay theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải. Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải, Ban quản lý dự án cùng các nhà thầu đang thực hiện nhiều giải pháp, nhưng đến nay tổng thể dự án vẫn chậm tiến độ so với yêu cầu để ra. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Máy móc phục vụ thi công cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận). Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN
Máy móc phục vụ thi công cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận). Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Có mặt tại dự án những ngày này, chúng tôi ghi nhận khối lượng công việc còn rất lớn, đặc biệt nhiều km vẫn còn thiếu đất đắp. Có đoạn dài khoảng 700 m theo thiết kế chiều cao cần đắp cả mét, nhưng vẫn đang chờ 9.000 m3 đất đắp. Trên công trường hàng trăm máy móc, thiết bị đang nằm chờ nguồn vật liệu cộng thêm thời tiết bất lợi những ngày qua do mưa nhiều không thể thi công được.

Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban Điều hành dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết, tình trạng thiếu hụt vật liệu đất đắp tại dự án đã xảy ra ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án. Nhu cầu của dự án khoảng 9 triệu m3 đất đắp, nhưng sau hơn 1 năm thi công tới nay vẫn đang thiếu hụt gần 2,5 triệu m3. Nguồn vật liệu đất đắp phụ thuộc vào địa phương, trong khi đó các mỏ vật liệu theo cơ chế đặc thù vẫn đang vướng mắc. Mặc dù Nghị quyết 60/NQ-CP và Nghị quyết 133/NQ-CP đã cho cơ chế đặc thù về cấp phép mỏ vật liệu, song thực tế không giảm thủ tục mà vẫn phải theo trình tự quy định, chỉ chuyển từ đấu giá sang cấp trực tiếp cho nhà thầu. Việc thiếu hụt đất đắp ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ dự án.

"Theo kế hoạch 4 mỏ sẽ đưa vào khai thác phục vụ dự án trong tháng 3 và 2 mỏ còn lại được bổ sung tại khu vực xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc sẽ đưa vào khai thác trước 15/4. Tuy nhiên, đến ngày 3/4 vẫn chưa có mỏ nào được khai thác", ông Phạm Quốc Huy thông tin.

Một nhà thầu thi công cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết, do thiếu vật liệu đắp nền nên đơn vị thi công phải chia thành nhiều nhóm làm các hạng mục nhỏ, tranh thủ được số vật liệu ít ỏi tại chỗ để đổ nền đường. Trong tuần qua, đơn vị đã cử một Phó giám đốc cùng một số anh em trực tiếp làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường - Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Thuận để thúc đẩy hoàn thiện các thủ tục khai thác mỏ Sông Khiêng với hy vọng cuối tuần sẽ xong. Vậy mà đến hết tuần vẫn chưa hoàn thiện. Hiện vẫn còn công đoạn nộp tiền thuế đất, ký hợp đồng, ra sổ, xây dựng mỏ và thông báo đến các cơ quan mới được khai thác. Như vậy, nếu làm nhanh thì nhà thầu có thể mất ít nhất một tuần nữa mới có đất đắp ra công trường. Do đó, nhà thầu này kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận đẩy nhanh hơn nữa các thủ tục khai thác vật liệu ở một số mỏ để đảm bảo tiến độ đề ra và thủ tục vẫn còn mất nhiều thời gian, trải qua nhiều bước… trong khi dự án đang rất cấp bách.

Trao đổi với phóng viên tại hiện trường thi công gói XL-04, đại diện Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - đơn vị thi công gói thầu này cho biết đã xác định đường găng (khó khăn chính) của gói thầu. Hiện tại, nhà thầu đang thực hiện khối lượng công việc chính như cam kết đã ký, thời gian tiếp theo sẽ tập trung vào những đường găng để bứt phá tiến độ. Vừa qua, đơn vị đã tăng thêm nhiều máy móc, thiết bị và thời gian tới sẽ thực hiện điều chuyển khối lượng của những đơn vị, mũi thi công yếu kém hoặc chậm chạp trong việc đẩy nhanh tiến độ. Nhà thầu đang tích cực thực hiện các thủ tục khai thác mỏ đất để đẩy nhanh tiến độ thi công đắp nền và quyết tâm hoàn thành tất cả các hạng mục công việc theo đúng tiến độ như hợp đồng đã ký với chủ đầu tư.

"Để giải quyết khó khăn về nguồn đất đắp, nhà thầu Vinaconex đang tận dụng nguồn đá đào tại khu vực núi Chấn Rồng để xay tận dụng đắp nền cung ứng khoảng 2.000 m3/ngày. Tuy nhiên, sản lượng không nhiều vẫn phải trông chờ vào mỏ đất được cấp phép. Hy vọng trong tuần đầu của tháng 4 các mỏ sẽ xong thủ tục để khai thác vì chúng tôi rất sốt ruột khi đã bổ sung mấy trăm thiết bị, nhưng đang phải nằm chờ đất với chị phí khoảng 2 triệu đồng/thiết bị/ngày", đại diện Vinaconex chia sẻ.

Về giải phóng mặt bằng, đại diện Ban Quản lý dự án 7 thông tin, khó khăn nhất hiện nay là giải quyết dứt điểm phạm vi chồng lấn khoảng 300m giữa dự án kênh Suối Măng - Cây Cà với dự án đường cao tốc  đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết. Việc chậm trễ giải quyết ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án cao tốc.

Trong cuộc họp mới đây với UNBND tỉnh Bình Thuận, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông ghi nhận sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh thời gian qua nên việc khai thác mỏ đất đắp cũng đã giải quyết phần nào khó khăn cho dự án. Đối với 2,46 triệu m3 đất đắp còn lại, các bên liên quan phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để giải quyết xong phần thủ tục, kịp thời đưa vào khai thác. Đồng thời, ưu tiên xử lý ngay mỏ Sông Khiêng (543.180 m3) vì khối lượng rất lớn cho gói XL-04. Các mỏ đã trình thủ tục gồm: Hàm Cần, Hàm Trí, Hòn Lúp cũng cần đẩy nhanh các thủ tục và nhà thầu chuẩn bị sẵn các điều kiện để khi được cấp phép thuê đất sẽ triển khai ngay thủ tục lấy đất sớm nhất.

Để giải quyết khó khăn nguồn đất đắp cũng như tiến độ của các dự án tại khu vực này, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) đã cử một tổ công tác nằm ngay tại tỉnh Bình Thuận nhằm hỗ trợ các Ban quản lý dự án.

Một vấn đề phát sinh khác cũng được các nhà thầu đề cập, đó là trong quá trình nhà thầu thỏa thuận với người dân để mua lại diện tích đất nằm trong quy hoạch triển khai mỏ có người đồng ý bán, người thì không. Vì vậy, đại diện nhà thầu kiến nghị triển khai song song như vừa làm thủ tục vừa cho phép khai thác, đất mua được đến đâu triển khai đến đó, không vì một cá nhân mà làm ảnh hưởng cả khu vực.

Bà Phan Thị Xuân Thu, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, địa phương rất cố gắng giải quyết các vấn đề liên quan đến những dự án trọng điểm này, thời gian làm thủ tục cũng giảm đi rất nhiều.

Trong báo cáo mới nhất của Ban quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải - chủ đầu tư dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết) gửi Bộ Giao thông Vận tải, giá trị sản lượng xây lắp cả dự án đến hết tháng 3 là 1.836,03/6.065,09 tỷ đồng, đạt 30,27%; so với kế hoạch lũy kế phải đạt 2.557/6.065,09 tỷ đồng, tương ứng 42,16%, chậm 11,89% tương đương 648,38 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là do một số nhà thầu chưa tập trung đủ nguồn lực máy móc thiết bị, vật tư vật lực và thiếu nghiêm trọng nguồn vật liệu đất đắp.

"Công tác đắp nền đường còn chậm ở tất cả các gói thầu, chỉ đạt 76% kế hoạch. Một số nhà thầu chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức về tầm quan trọng của dự án", đại diện Ban Quản lý dự án 7 nhìn nhận.

Tại buổi làm việc kiểm điểm về tiến độ với Bộ Giao thông Vận tải mới đây, Ban Quản lý dự án 7 cho rằng phải đồng bộ hệ thống từ tổ chức thi công và quản lý chất lượng. Cụ thể, về nguồn vật liệu đất đắp, Ban Quản lý dự án 7 đang yêu cầu nhà thầu khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện để kịp thời cung cấp bổ sung hồ sơ, giải quyết các vướng mắc phát sinh cũng như rà soát nhu cầu vật liệu còn lại của gói thầu; hoàn tất thủ tục cấp phép với các mỏ đang làm thủ tục và các mỏ đang cấp phép thép theo cơ chế đặc thủ tại các Nghị quyết số 60/NQ-CP và Nghị quyết 133/NQ-CP của Chính phủ.

Đồng thời, Ban Quản lý dự án 7 cũng yêu cầu nhà thầu cử lãnh đạo thường trực tại công trường để kịp thời chỉ đạo, giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công; xác định rõ được các mốc đường găng đẩy nhanh tiến độ thi công; đảm bảo dòng tiền tới công trình một cách nhanh nhất, thuận tiện và kịp thời.

Nhấn mạnh hàng tuần sẽ họp kiểm điểm và đánh giá tiến độ thực hiện đối với các nhà thầu thi công chậm tiến độ so với cam kết, Ban Quản lý dự án 7 đã có văn bản cảnh cáo, xử lý vi phạm theo quy định hợp đồng. Các nhà thầu đã có cam kết phải nghiêm túc thực hiện, nếu không đảm bảo sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải và căn cứ các điều khoản hợp đồng để xử lý và đề nghị xem xét cắt chuyển khối lượng giao cho thành viên khác trong liên doanh hoặc đơn vị khác có năng lực thi công.

Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài 100,8km qua tỉnh Bình Thuận, tuyến cao tốc này được khởi công vào cuối tháng 9/2020. Tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 4 làn xe, giai đoạn 2 đầu tư mở rộng thành 6 làn xe. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022.

Quang Toàn

Cùng chuyên mục
XEM