Vì sao các sếp thường 'ưa' khiển trách hơn là khen ngợi nhân viên?

14/10/2016 21:35 PM | Kinh doanh

Đáp án của câu hỏi này liên quan đến một hiện tượng trong thống kê học- sự hồi quy về mức bình quân.

Những nhà quản lý nghiêm khắc thường nhanh chóng khiển trách khi nhân viên phạm lỗi nhưng lại rất chậm đưa ra lời khen khi họ làm tốt. Ngược lại, người quản lý rộng lượng nhanh chóng ngợi khen và ít chỉ trích. Vậy cách quản lý nào hiệu quả hơn?

Không có đáp án chính xác cho câu hỏi này vì những nhà quản lý mới nhận việc thường có khuynh hướng tự nhiên là sẽ thử cả hai để xác định phương pháp nào phù hợp nhất với họ. Tuy nhiên, quá trình thử nghiệm đó cũng bị ảnh hưởng bởi một thành kiến có sẵn. Những trải nghiệm thực tế khiến nhiều nhà quản lý rút ra kết luận rằng khen ngợi ít hiệu quả hơn còn sự khiển trách hữu hiệu hơn công dụng thực tế của chúng.Vì sao lại có thành kiến này?

Đáp án của câu hỏi này liên quan đến một hiện tượng trong thống kê học- sự hồi quy về mức bình quân – vốn cũng dùng để giải thích cho sự sa sút phong độ vào năm thứ hai của những “vận động viên mới có thành tích tốt nhất trong năm” trong nhiều môn thể thao.

Các nhân viên, cũng giống như vận động viên, không phải lúc nào cũng làm việc với phong độ không đổi. Có những tuần họ làm việc tốt hơn và có những tuần làm việc kém hơn mức trung bình. Dù nhận được nhận xét thế nào từ cấp quản lý đi nữa, thì nhân viên làm việc dưới mức bình thường trong tuần này sẽ có cải thiện- nghĩa là làm việc gần như bình thường lại trong tuần sau. Ngược lại, nhân viên đã làm tốt hơn mức trung bình trong tuần này sẽ làm hơi kém hơn trong tuần kế tiếp, bất kể người quản lý có khen ngợi hay không.

Kết quả là những nhà quản lý khiển trách nhân viên làm việc kém thường hiểu lầm rằng thành tích của nhân viên được cải thiện sau đó (điều đương nhiên xảy ra dù sếp có khiển trách hay không) là nhờ vào sự nghiêm khắc của mình. Ngược lại, những nhà quản lý khen ngợi nhân viên khi họ làm việc tốt sẽ nhầm tưởng sự sụt giảm thành tích (diễn biến chắc chắn xảy ra dù sếp có khen ngợi hay không) là do họ đã quá khoan dung với nhân viên.

Các thử nghiệm cho thấy rằng, ít nhất, trong một số hoàn cảnh nhất định, phong cách lãnh đạo kiểu động viên giúp nhân viên đạt thành tích tốt hơn là kiểu lãnh đạo hay chỉ trích. Những bằng chứng ấy đáng tin hơn những thành kiến thông thường do hiện tượng quy hồi về mức bình quân gây ra.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM