Vì sao các chuyên gia cảnh báo lừa đảo, nhiều người Việt vẫn hăng say “đào” Pi?
Viễn cảnh đồng Pi sẽ có giá trị như Bitcoin, và việc tham gia hoàn toàn miễn phí, khiến nhiều người Việt sẵn lòng nhảy vào Pi Network.
Pi Network là cái tên đang nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng tiền điện tử/blockchain, và dư luận xã hội. Có thể bắt gặp các lời mời gọi "đào Pi" trên khắp các mặt trận online, từ Facebook, Zalo, Tiktok, Telegram, Youtube,…
Theo giới thiệu, Pi Network là một loại tiền điện tử chỉ có thể được đào hay khai thác trên điện thoại di động. Công việc khai thác đồng Pi được quảng cáo khá đơn giản: Người dùng chỉ cần một chiếc smartphone, tải app Pi Network trên Appstore hoặc Google Play rồi tạo một tài khoản, sau đó mỗi ngày mở app lên nhấn nút "Start" để bắt đầu quá trình đào, thậm chí ngay cả khi bạn ngắt kết nối internet thì quá trình đào Pi vẫn diễn ra.
Tốc độ khai thác ban đầu của Pi Network là 3,1 Pi/giờ và sẽ giảm một nửa nếu số lượng người dùng tăng lên tới một mức nhất định. Đến cuối tháng 12.2020, ứng dụng đào Pi đã có hơn 10 triệu thành viên tham gia, tốc độ khai thác đã ở mức 0,2 Pi/giờ.
Vì sao Pi Network dễ dàng được đón nhận?
Ở Việt Nam, diễn đàn lớn nào cũng xuất hiện người dùng Pi Network mời chào bằng "link ref" (Tức đường link giới thiệu người mới). Theo các chuyên trang về tiền ảo, có hai lý do chính lý giải sức hút này:
1. Đó là "Miễn Phí": Người dùng được kiếm "tiền" miễn phí trên mạng chỉ với chiếc điện thoạI mà không phải bỏ ra khoản chi phí đóng góp ban đầu. Điều đõ rõ ràng rất hấp dẫn với số đông và làm giảm sức cảnh giác của nhiều người, bởi tâm lý "chơi cho vui, chả mất gì".
2. Đó là "Kỳ vọng làm giàu": Người tham gia kỳ vọng đồng Pi sẽ tăng giá mạnh như Bitcoin và trong tương lai, họ sẽ giàu lên.
"Khi Bitcoin vừa ra đời, người ta bảo nó là trò lừa đảo. Ngày hôm nay muốn sở hữu 1 Bitcoin thì những người đó phải trả 1,2 tỷ đồng", một thành viên của Pi Network lập luận.
Vậy nhưng, có thật sự người tham gia Pi Network không phải trả cái giá gì hay không? Nhiều cảnh báo cho thấy Pi Network, dù miễn phí, nhưng đang có dấu hiệu lừa đảo.
Lý do 1: Mâu thuẫn với triết lý ẩn danh của tiền điện tử. Người dùng không chỉ hoàn tất quá trình KYC (xác minh danh tính bằng giấy tờ tùy thân), mà còn bị đòi hỏi rất nhiều quyền trong điện thoại. Một khi đã cài ứng dụng, Pi có quyền biết cả nội dung lưu trữ, các mối quan hệ danh bạ, thậm chí cả tình trạng cuộc gọi và nhiều quyền khác. Đây đều là những dữ liệu có giá trị khi thu thập số lượng lớn.
Ứng dụng Pi lấy quá nhiều quyền riêng tư không liên quan.
Lý do 2: Ứng dụng Pi gửi dữ liệu đến một bên thứ ba có tên miền là socialchain.app và rayjump.com. Những site này không hề có nội dung và có hai tùy chọn ngôn ngữ Tiếng Anh và Tiếng Trung Quốc.
Pi Network gửi dữ liệu người dùng cho bên thứ ba.
Lý do 3: Vi phạm nguyên tắc minh bạch. Hầu hết các dự án blockchain đều công bố code của họ dưới dạng mã nguồn mở để được xác thực bởi cộng đồng, tuy nhiên Pi Network thì không. Hiện tại Pi Network không khác gì những ứng dụng di động thiếu minh bạch khác về khía cạnh công nghệ.
Đây cũng là khác biệt cơ bản giữa Pi Network và Bitcoin. Bitcoin xây dựng trên công nghệ blockchain, phân quyền, nghĩa không ai có thể điều chỉnh cách Bitcoin hoạt động. Trong khi đó, Pi đang nằm trong tay một tổ chức phía sau.
Lý do 4: Hoạt động giống mô hình đa cấp. Người dùng không thể tự vào mạng lưới khai thác Pi, mà phải thông qua mã giới thiệu. Đây là biểu hiện của một mô hình kinh doanh theo kiểu kim tự tháp, thu hút mọi người bằng lời hứa về lợi nhuận nếu tuyển được thêm thành viên mới.
"Tôi tin rằng người được hưởng lợi từ dự án Pi Network không có ai ngoại trừ những người sáng lập dự án", Cem Dilmegani, nhà sáng lập Al Multiple, cựu cố vấn công nghệ cho McKinsey nhận định.