Vì sao bụi mịn PM2.5 trong không khí Hà Nội là “sát thủ thầm lặng"?
Chỉ số bụi mịn PM2.5 trong không khí ở Hà Nội đã vượt ngưỡng an toàn trong những ngày qua. Các nghiên cứu khoa học đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ về tác động của bụi mịn với hệ thống tuần hoàn của cơ thể.
Trong 2 ngày gần đây, chất lượng không khí ở Hà Nội đều cho những kết quả trong ngưỡng kém và xấu ở cả "10/10" điểm quan trắc.
Hôm nay 17.9, thông qua các ứng dụng đo thời tiết như Air Visual, nhiều điểm quan trắc taị Hà Nội có chất lượng không khí AQI chạm mốc 170.
Chất lượng không khí Hà Nội kém.
Chỉ số bụi mịn PM2.5 hôm qua tại Hà Nội là 91,8 µg/m3, cao gấp 4 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 11 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, chỉ số ô nhiễm bụi PM 2.5 lên cao như vậy là một điều rất đáng ngại. Bụi PM 2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 Mm, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người (1 Mm có kích thước bằng một phần triệu mét).
Tại sao PM 2.5 được gọi là "sát thủ vô hình"
Theo Health, vì bụi mịn nhỏ có xu hướng ở lại trong không khí lâu hơn các hạt nặng hơn. Điều này làm tăng cơ hội cho con người và động vật hít chúng vào cơ thể. Nhờ kích thước nhỏ nhất của chúng, các hạt nhỏ hơn 2,5 micromet có thể đi qua mũi và cổ họng, xâm nhập sâu vào phổi và một số thậm chí có thể xâm nhập vào hệ thống tuần hoàn.
Các nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc tiếp xúc với các hạt mịn và tử vong sớm do bệnh tim và phổi. Bụi mịn cũng được biết là gây ra hoặc làm nặng thêm bệnh mãn tính như hen suyễn, viêm phế quản và các vấn đề hô hấp khác.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy rằng việc tiếp xúc lâu dài với PM 2.5 có thể dẫn đến sự lắng đọng mảng bám trong động mạch, gây viêm mạch máu và xơ cứng động mạch cuối cùng có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ.
Ngoài ra, các nhà khoa học đã chứng minh được mối liên quan giữa bụi mịn và dị tật bẩm sinh ở bà bầu.
Trẻ em, người lớn tuổi và nhóm người có bệnh tim phổi cần có biện pháp phòng ngừa đặc biệt khi chỉ số PM 2.5 xung quanh vượt qua mức không lành mạnh.
Chuyên gia "mách nước"
Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Việt Đức cho rằng tình trạng ô nhiễm không khí tại các trung tâm thành phố lớn đang ngày càng trở nên trầm trọng nhưng mong chờ một giải pháp vĩ mô không bằng "ta tự cứu thân ta" trước.
Bác sĩ mách nước, thứ nhất nên lựa chọn sống nơi thoáng nhất có thể, càng nhiều cây xanh càng tốt. Nếu vì điều kiện chưa đủ, phải sống sâu trong ngõ ngách thành phố thì nên đầu tư hệ thống các loại máy lọc không khí.
Ngoài ra, cuối tuần nên tạo thói quen cho cả nhà ra ngoại ô, vùng biển hoặc lên núi đồi, nơi nhiều cây xanh để “thanh lọc” hệ hô hấp.
Ngoài đeo khẩu trang có chức năng lọc khí để bảo vệ đường hô hấp, tránh khói, bui, cần đeo kính bảo vệ mắt.
Nếu bất đắc dĩ, sống gần các khu công nghiệp, các nhà máy hoặc làm việc trong những môi trường nguy cơ cao như hầm mỏ, đan dệt, xi măng cán thép, các cửa hàng xăng dầu thì luôn cần có bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn và tích cực kiểm tra sức khoẻ định kỳ.
Theo bác sĩ Khánh, yoga và thiền…là những môn thể thao giúp cải thiện đường hô hấp rất tốt. Mỗi nhịp thở chúng ta thực hiện, luôn chỉ có một lượng nhất định khí ra vào, còn có một lượng khí rất lớn hầu như “nằm yên” trong phổi chúng ta, gọi là khí cặn.