Vụ hơn 200 nhân viên, bác sĩ nghỉ việc: Vì sao bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai lại giảm đi?

14/04/2021 16:58 PM | Xã hội

Lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai cho rằng, những cải tổ của bệnh viện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người bệnh nhưng cũng khiến thu nhập của bệnh viện và nhân viên y tế bị cắt giảm.

Thu nhập giảm 30% do ảnh hưởng Covid?

Tối 13/4, ông Đỗ Văn Thành - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay, thời gian qua, bệnh viện bị tác động lớn bởi dịch COVID-19. Số bệnh nhân nội trú giảm trung bình từ 3.200 xuống còn hơn 1.000, bệnh viện luôn hoạt động dưới công suất...

Cũng chính vì vậy mà nguồn thu của bệnh viện năm 2020 giảm 2.000 tỉ đồng, chỉ bằng 30% so với năm 2019. Thực tế này đã tác động không nhỏ tới đời sống cán bộ viên chức bệnh viện.

Ông Thành cũng cho biết, một nguyên nhân khác nữa do tâm lý cán bộ nhân viên từ lãnh đạo đến bác sĩ bị ảnh hưởng nhiều, rồi các hoạt động thanh kiểm tra diễn ra sau khi có nhiều cán bộ rơi vào vòng lao lý.

Ông Thành cho rằng, vì áp lực công việc, thu nhập thấp, nhiều nhân viên được đơn vị khác mời chào với mức thu nhập cao, nên "việc y bác sĩ, cán bộ chuyển việc là tất yếu, bệnh viện không thể giữ được".

Thay đổi chính sách - người bệnh hưởng lợi nhưng nhân viên y tế chịu thiệt?

Anh T. - một tiến sĩ tại BV Bạch Mai cũng xin nghỉ việc từ năm 2020, anh đã phải từ bỏ "ngôi nhà" đã gắn bó suốt 20 năm vì nhiều lý do.

Một trong những lý do đó là thu nhập giảm 1/3 nhưng thời gian làm việc lại tăng lên, kéo dài đến 12 tiếng mỗi ngày.

Vụ hơn 200 nhân viên, bác sĩ nghỉ việc: Vì sao bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai lại giảm đi? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo BS T. lý do dẫn đến giảm thu nhập của cán bộ, BS Bệnh viện Bạch Mai, nói như đại diện của bệnh viện là do Covid-19 cũng chỉ đúng một phần. Còn 2 nguyên nhân nữa dẫn đến giảm thu nhập:

- Bệnh viện giảm bệnh nhân: Anh T. cho biết, lãnh đạo BV chủ trương đưa bệnh nhân vào diện khám BHYT. Khoa Khám bệnh theo yêu cầu trước đây vốn là thương hiệu của BV Bạch Mai thì nay vắng không có bệnh nhân. Những người dân có nhu cầu khám bệnh theo yêu cầu giờ không được đáp ứng nữa.

- Lãnh đạo bệnh viện chủ trương không nằm ghép, nên số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện giảm xuống.

Giải thích về vấn đề này, TS Đoàn Thu Trà – Chủ tịch Công đoàn của Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc nhiều nhân viên y tế của bệnh viện cảm thấy áp lực, mệt mỏi hơn là có. Nguyên nhân là do lãnh đạo bệnh viện thay đổi các chính sách quản trị bệnh viện.

Ví dụ: Bệnh viện đề cao quyền lợi của bệnh nhân lên hàng đầu nên hướng đến chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân. Nhiều điều dưỡng chưa thích nghi được với những công việc mới trong chăm sóc bệnh nhân như đổ bô, gội đầu... nên cảm thấy áp lực, bị coi thường.

Về vấn đề giảm thu nhập của nhân viên, TS Trà cho biết, nguyên nhân là do số lượng bệnh nhân giảm, giá viện phí cũng được đưa về giá BHYT. Nếu trước kia siêu âm giá 110.000 đồng thì hiện tại chỉ còn 30.000 đồng. Sự thay đổi về chính sách này khiến người dân được lợi nhưng nhân viên y tế lại chịu thiệt.

Một nguyên nhân nữa lý giải thu nhập bệnh viện giảm là do giảm giường theo yêu cầu. Ban Giám đốc không đồng ý với cách vận hành trước kia là các khoa lấy 50 - 60% giường bệnh làm giường dịch vụ, còn bệnh nhân có BHYT thì phải nằm ghép. Khi đó số lượng giường dịch vụ ít đi, nhiều người bệnh muốn nằm giường dịch vụ không đồng ý điều trị tại bệnh viện, nhưng bệnh nhân bình thường thì lại hưởng lợi.

TS. Đoàn Thu Trà cho biết, trung bình thu nhập nhân viên y tế tại Bệnh viện Bạch Mai khoảng 10 - 15 triệu tùy thời gian làm việc, bác sĩ từ 20 – 25 triệu đồng. Thời điểm khó khăn, bệnh viện vẫn chi tiền quỹ để bình ổn thu nhập của nhân viên trong 6 tháng. Trong số hơn 200 người xin nghỉ việc thì có 112 người làm ở bộ phận trông xe, bảo vệ. Việc giảm số lượng nhà thuốc từ 11 xuống còn 5 nhà thuốc cũng dẫn đến  vài chục người làm ở đây bị tinh giản. Còn một số nhân viên y tế như điều dưỡng, bác sĩ thay đổi công việc tới những chỗ có thu nhập cao hơn cũng là bình thường, không phải chảy máu chất xám.

Ngọc Anh

Cùng chuyên mục
XEM