Vì sao 5 triệu hộ kinh doanh 'nằm ngoài' luật?

21/02/2019 09:44 AM | Kinh tế vĩ mô

Ngày 20/2, tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) cho Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư và Luật DN”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần “mở cửa” đưa 5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp khoảng 30% GDP cho đất nước vào Luật DN, điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên thúc đẩy DN nội, DN dân tộc.

“Chăm lo việc hóa bướm cho đàn tằm”

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, Luật Đầu tư và Luật DN hiện hành là “ngọn hải đăng”, tạo cảm hứng cho quá trình đổi mới hệ thống pháp luật kinh doanh của Việt Nam.

Dù vậy, Chủ tịch VCCI cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc với DN và môi trường kinh doanh, cần được thay đổi căn bản trong dự thảo luật sửa đổi lần này, chứ không thể làm mờ nhạt.

Theo ông Lộc, hiện thời gian để hoàn thành việc đăng ký DN trên thực tế với quy định của luật vẫn còn vênh nhau; hộ kinh doanh vẫn phải thực hiện nhiều thủ tục không cần thiết (thông báo với cơ quan thuế, quản lý thị trường…).

Cùng đó, việc cắt giảm điều kiện thiếu tính bền vững, nếu không kiểm soát sẽ nảy sinh thêm điều kiện mới, lúc đó chẳng khác gì “ném đá ao bèo”. Thực tế cũng có sự vênh nhau giữa Luật Đầu tư và một số bộ luật chuyên ngành…

Trong đó, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, tiêu chí gia nhập thị trường của Việt Nam vẫn chỉ xếp ở thứ hạng 104 của thế giới. Đặc biệt, ông Lộc cho biết, Việt Nam có trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể đóng góp tới 30% GDP cho cả nước, tuy nhiên, những đối tượng này lại “nằm ngoài” Luật DN.

“Về bản chất, các hộ kinh tế là những DN siêu nhỏ, nhỏ. Tại sao không chính thức hóa khu vực này? Không đưa vào Luật DN? Trong khi họ tạo ra 30% GDP, là khu vực sáng tạo, động lực tăng trưởng kinh tế thời gian tới”- ông Lộc đề xuất với cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ KH&ĐT.

Theo Chủ tịch VCCI, cần “mở cửa” cho hộ kinh doanh vào Luật DN và đây là khâu đột phá trong dự thảo sửa đổi lần này. Đồng thời, có chính sách về thuế, kế toán phù hợp để “chăm lo việc hóa bướm của đàn tằm” từ các hộ kinh doanh.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, nếu đưa các hộ kinh doanh vào luật, và các chính sách hỗ trợ đi kèm, khoảng 1,6-1,7 triệu hộ ngay lập tức trở thành DN. Lúc đó, Việt Nam có thể có hơn 2 triệu DN trong năm 2020.

Đồng tình với ý kiến trên, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng: “Hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh được sinh ra để lấp chỗ trống thời kỳ cấm DN tư nhân, nay đã hết vai trò. Duy trì hộ kinh doanh bên cạnh các loại hình DN là một sự bất bình đẳng, mập mờ pháp lý”.

Ðổi hướng thu hút đầu tư nước ngoài

Một trong những vấn đề được các hiệp hội, DN, địa phương còn lúng túng là chính sách về thu hút đầu tư nước ngoài sẽ đề cập trong dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư ra sao, còn thiếu các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài (FDI) (VAFIE) cho rằng, sau 30 năm thu hút vốn FDI, Việt Nam cần chuyển sang giai đoạn mới, với sứ mệnh tập trung cho chất lượng, hiệu quả, đem lại giá trị gia tăng, kết nối với DN trong nước.

Tuy nhiên, theo ông Toàn, dự thảo sửa đổi luật lần này của Bộ KH&ĐT còn đề cập ít vấn đề trên. “Hiện đầu tư FDI của chúng ta có cái yếu là thu hút nguồn đầu tư  từ nước công nghệ cao, đặc biệt là Mỹ và EU, ít dự án kết nối, hỗ trợ DN trong nước”- ông Toàn nói.

Lãnh đạo VAFIE cho biết, các số liệu cho thấy, năm 2018, Mỹ đầu tư ra nước ngoài tới 340 tỷ USD, trong khi chỉ “rót” vào Việt Nam chưa đến 1 tỷ USD.

Còn 20 tỷ USD của EU vào Việt Nam, trong đó từ một đất nước nhỏ trong khối là Hà Lan đã chiếm khoảng 9 tỷ USD. Đức đầu tư tới 80 tỷ ra nước ngoài, nhưng vào Việt Nam cũng chỉ khoảng 500 triệu USD…Trong khi, Trung Quốc năm 2018, đứng thứ 5 trong số các nước đầu tư nhiều nhất vào nước ta.

“Phải chăng chính sách thu hút FDI của Việt Nam chưa phù hợp với nguồn công nghệ cao như ở Mỹ và EU. Bây giờ chúng ta phải hạn chế thu hút dự án công nghệ thấp, sử dụng nhiều nguyên liệu, gây ô nhiễm môi trường; không để DN nước ngoài lợi dụng hội nhập để kiếm lợi, trong khi để các DN nội không được hưởng lợi gì”- ông Toàn nói.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng, năm 2018, Việt Nam giải ngân gần 20 tỷ USD vốn FDI, là con số cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho rằng, quan điểm thu hút FDI tới đây sẽ chuyển hướng.

"Về bản chất, các hộ kinh tế là những DN siêu nhỏ, nhỏ. Tại sao không chính thức hóa khu vực này? Không đưa vào Luật DN? Trong khi họ tạo ra 30% GDP, là khu vực sáng tạo, động lực tăng trưởng kinh tế".

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

             

Bỏ quy định "cưỡng ép" hộ kinh doanh thành doanh nghiệp  

Theo Phạm Anh

Cùng chuyên mục
XEM