Tỉ lệ người lao động Việt sang Hàn Quốc bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp cao gấp 20 lần mức trung bình

19/03/2016 09:28 AM | Kinh tế vĩ mô

Hiện có 16 nước xuất khẩu lao động, với tỷ lệ trung bình các lao động bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp chỉ ở mức 2,3%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở riêng lao động Việt Nam lên tới 50% lúc cao điểm. Con số này ở thời điểm hiện tại đã hạ xuống còn khoảng 32%.

Trước câu hỏi có phải Hàn Quốc có ý định chấm dứt hợp đồng xuất khẩu lao động với Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp trải lòng: “Chúng ta nhức nhối với tình trạng lao động Việt Nam vì tỷ lệ bỏ trốn khá cao”.

Nếu tỷ lệ lao động bỏ trốn cao, các công ty môi giới có thể bị đánh tụt xếp hạng, hay phạt tiền. Vì thế, có chuyện một số nước có yêu cầu khắt khe hơn với lao động Việt Nam.

Tại thị trường Hàn Quốc, hiện có 16 nước xuất khẩu lao động, với tỷ lệ trung bình các lao động bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp chỉ ở mức 2,3%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở riêng lao động Việt Nam lên tới 50% lúc cao điểm. Con số này ở thời điểm hiện tại đã hạ xuống còn khoảng 32%.

3 năm về trước, thị trường Hàn quốc tiếp nhận 10.000 – 12.000 lao động Việt Nam/năm. Nhưng 3 năm vừa rồi, mỗi năm Hàn Quốc cấp hạn ngạch cho Việt Nam chỉ vào khoảng 3.000 – 3.500 lao động/năm, chưa bằng 1/3 con số trước đó.

Con số trên chưa tính số lượng lao động mẫu mực – những người chấp hành đúng hợp đồng, và lao động trung thành – những lao động gắn bó với một chủ. Số lao động mẫu mực và trung thành được Hàn Quốc tiếp nhận ở mức 3.000 lao động.

“Chúng tôi đánh giá rất cao sự hợp tác về phía Hàn Quốc, gồm Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, các cơ quan phát triển nhân lực… để ký lại thỏa thuận bình thường. Khả năng tuần tới chúng tôi sẽ tiếp xúc với phía Hàn Quốc để có thể sớm ký lại thỏa thuận”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Nhưng Thứ trưởng Diệp cũng nhấn mạnh rằng: Chắc chắn một trong những điều kiện để ký lại thỏa thuận đặc biệt hay thông thường là Việt Nam phải giảm được tỷ lệ bỏ việc và tỷ lệ cư trú bất hợp pháp.

“Chúng tôi hy vọng tỉnh, huyện, và gia đình động viên các lao động quay trở về. Khi nào giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp, tỷ lệ lao động bỏ trốn thì vấn đề này mới hy vọng giải quyết được…”, Thứ trưởng Diệp lưu ý.

Trước đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có công văn gửi UBND 10 tỉnh thành gồm Nghệ An, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Tĩnh, Thái Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang.

Công văn nêu rõ: Nếu đến ngày 31/12/2015, tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc vẫn ở mức cao thì Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét không tuyển chọn lao động của các địa phương trên đi làm việc tại quốc gia này khi bản ghi nhớ bình thường với Hàn Quốc được ký lại.

Theo thống kê tại 15 tỉnh, thành phố, hiện tại, trên 9.000 người Việt Nam đang làm việc bất hợp pháp chưa chịu về nước. Trong đó, dẫn đầu là Nghệ An với 1.454 người, tiếp đó là Hà Nội là 948 người...

Theo thông tin từ Zing, năm 2012, Hàn Quốc đã tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam do nhiều lao động Việt sau khi hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp.

Cuối năm 2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký với Bộ Lao động Hàn Quốc biên bản ghi nhớ đặc biệt trong vòng một năm tiếp tục đưa lao động Việt sang làm việc với điều kiện số lao động cư trú bất hợp pháp giảm xuống dưới 30%.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM