Nhật Bản vật lộn với lãi suất âm

16/03/2016 13:30 PM | Kinh tế vĩ mô

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hạ thấp đánh giá triển vọng kinh tế đất nước nhưng vẫn giữ lãi suất ở mức (-0,1%), điều thường chỉ có những nền kinh tế với triển vọng lạc quan thường làm.

Động thái hạ lãi suất âm chưa từng có trong lịch sử Nhật Bản đã khiến người tiêu dùng nước này thật sự lo lắng cho nền kinh tế đất nước.

Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda đã phải giải trình những chính sách mới của chính quyền Tokyo khi ông công bố một loạt quyết định nhằm điều tiết hệ thống tài chính đất nước.

Những tuyên bố của BOJ cho thấy nhiều khả năng nước này sẽ còn tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ vào cuối năm. Chính sách lãi suất âm khởi xướng bởi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đang cho thấy nó có hiệu quả nhất định đối với nền kinh tế khu vực và khiến các nước khác học tập theo.

Ngoài việc giữ nguyên mức lãi suất âm, BOJ còn giữ tốc độ mua tài sản ở mức 80 nghìn tỷ Yên/năm.

Động thái hạ lãi suất xuống mức âm vào tháng 1/2016 vừa qua đã khiến giá cổ phiếu của ngành ngân hàng lao dốc và khiến các tổ chức tài chính gặp khó khăn hơn cho việc tăng lương, yếu tố cần để tăng lạm phát.

Dẫu vậy, động thái hạ lãi suất xuống mức âm vừa qua cũng không làm suy yếu đồng Yên khi có nhiều nhà đầu tư mua vào đồng tiền này như một loại tích trữ tài sản, qua đó khiến nhu cầu đối với đông Yên tăng mạnh.

Ngay sau quyết định giữ lãi suất âm của BOJ, tỷ giá đồng Yên đã tăng từ 113,8 Yên/USD lên 113 Yên/USD.

Trong báo cáo mới đây, BOJ đã có nhận định không mấy sáng sủa về nền kinh tế khi tốc độ xuất khẩu của Nhật Bản chững lại còn các dự đoán cho thấy tỷ lệ lạm phát có thể sẽ còn yếu đi.

Những thông tin trên cho thấy nhiều khả năng BOJ sẽ còn nới lỏng chính sách tiền tệ bởi tổ chức này khá quan tâm đến những dự báo về nền kinh tế Nhật Bản.

Đặc biệt, tình hình mức lương lao động cũng đang khiến BOJ lo lắng khi truyền thông nước này đưa tin mức lương cơ bản tại Toyota chỉ tăng thêm 1.500 Yên (13 USD), thấp hơn mức 3.000 Yên được đề nghị bởi công đoàn và mức tăng 4.000 Yên năm trước.

Việc tăng lương là một trong nhưng nhiệm vụ quan trọng của BOJ nhằm thúc đẩy tiêu dùng và lạm phát. Vì vậy, tốc độ tăng lương không cao tương đương với sự suy giảm tín nhiệm trong người dân đối với các chính sách của BOJ cũng như mục tiêu lạm phát của chính phủ Nhật Bản.

Những dữ liệu mới đây về kinh tế Nhật Bản có vẻ không khả quan. Tổng GDP quý IV giảm 1,1% trong khi giá cả hàng hóa tháng 1/2016 hầu như không đổi so với một năm trước.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM